MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế lực bí ẩn nhất vừa gia nhập BRICS: Phút chót gây bất ngờ, 'quyền lực' tới mức đồng minh của Trung Quốc phải nể

26-08-2023 - 08:10 AM | Tài chính quốc tế

Trong các dự đoán về ứng viên tiềm năng gia nhập BRICS, quốc gia này hiếm khi được nhắc tới. Thế nhưng, họ lại nắm giữ tiềm lực "không phải dạng vừa".

Cái tên gây bất ngờ

Ngày 24/8, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahme vui mừng thông báo, Ethiopia đã được chấp thuận gia nhập BRICS - khối các nền kinh tế mới nổi với 5 thành viên then chốt gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Cùng với Ethiopia, 5 quốc gia khác đã được BRICS chào đón làm thành viên, bao gồm Iran, Argentina, Ai Cập, Saudi Arabia và UAE. Thông báo chính thức được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 diễn ra tại thành phố Johannesburg, Nam Phi.

"Đây là một thời điểm quan trọng với Ethiopia, các nhà lãnh đạo BRICS đã chấp thuận để chúng tôi gia nhập khối. Ethiopia sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên vì một trật tự thế giới thịnh vượng và toàn diện. Xin chúc mừng tất cả người dân Ethiopia!" - Ông Abiy Ahme viết trên Twitter.

Thế lực bí ẩn nhất vừa gia nhập BRICS: Phút chót gây bất ngờ, 'quyền lực' tới mức đồng minh của Trung Quốc phải nể - Ảnh 1.

Ethiopia đã được chấp thuận gia nhập BRICS. Ảnh: DW

Trước đó, vào cuối tháng 6 năm nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ethiopia Meles Alem cho biết, nước này đã chính thức đề nghị được gia nhập BRICS để trở thành một thành viên trong khối liên kết hùng mạnh đang tạo dấu ấn trên sàn kinh tế toàn cầu.

Đây được xem là một bước đi chiến lược táo bạo của quốc gia châu Phi nhằm kết nối với các tổ chức quốc tế có khả năng mang tới nền tảng vững chắc để nước này củng cố vị thế kinh tế.

Tuy nhiên, việc Ethiopia "trúng cửa" vào BRICS tương đối gây bất ngờ. Trong các dự đoán về những ứng viên tiềm năng gia nhập BRICS, Ethiopia hiếm khi được nhắc tới. Thay vào đó là những cái tên "máu mặt" như Saudi Arabia, UAE, Iran, Argentina, Algeria...

"Các ứng viên tiềm năng nhất (cho BRICS) bao gồm Argentina, Iran, Saudi Arabia và UAE" - Giáo sư Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột tại Đại học Uppsala (Thụy Điển) nói với The New Arab .

Trong khi ấy, tờ New York Times (Mỹ) dự đoán "trúng phóc" 4 thành viên mới gia nhập BRICS, bao gồm Saudi Arabia, Argentina, Iran và Ai Cập.

Nhận định về việc Ethiopia xin gia nhập BRICS hồi tháng 6, hãng tin Reuters nêu nhận định không mấy khả quan: "Mặc dù Ethiopia có dân số lớn thứ 2 châu Phi nhưng kinh tế nước này xếp thứ 59 trên thế giới, diện tích còn chưa bằng một nửa Nam Phi - thành viên 'nhỏ bé nhất' của BRICS. Kinh tế Argentina thì xếp thứ 23, lại nhận được sự ủng hộ chính thức từ Trung Quốc".

'Gã khổng lồ' mới nổi

Trên thực tế, tiềm lực kinh tế và quân sự của Ethiopia lại "không phải dạng vừa". Quốc gia này hiện nắm giữ vị trí chiến lược ở Sừng châu Phi, gần Vịnh Aden và Biển Đỏ.

Mặc dù xét trên phạm vi thế giới, Ethiopia xếp thứ hạng chưa thực sự ấn tượng nhưng nước này đang là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Phi.

Thế lực bí ẩn nhất vừa gia nhập BRICS: Phút chót gây bất ngờ, 'quyền lực' tới mức đồng minh của Trung Quốc phải nể - Ảnh 2.

Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed (trái) và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphos. Ảnh: AP

Kể từ đầu những năm 2000, Ethiopia đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm ấn tượng (trung bình trên 10%), đưa nước này trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.

Nhờ tốc độ tăng trưởng "chưa từng có" và tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng trong khu vực, Ethiopia đã trở thành "gã khổng lồ" mới nổi ở Đông Phi. Nước này đã phát triển mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc trong những năm gần đây. Trong khi đó, các công ty Ấn Độ đang tích cực mua đất ở Ethiopia.

Về sức mạnh quân sự, theo tờ Military Africa, Ethiopia hiện đứng thứ 5 trong top 10 nước có lực lượng quân đội mạnh nhất ở châu Phi, xét theo các tiêu chí về ngân sách, số lượng quân thường trực, khí tài quân sự, mức độ sẵn sàng chiến đấu và tầm ảnh hưởng địa chính trị.

Quốc gia này có ngân sách quốc phòng hơn 400 triệu USD, 180.000 quân thường trực và 150.000 quân dự bị. Quân đội Ethiopia được tiếp cận với các thiết bị quân sự hiện đại (trong đó có các loại máy bay chiến đấu, hệ thống pháo và xe tăng tiên tiến), đồng thời tích lũy được nhiều kinh nghiệm chiến đấu khi đã tham gia vào nội chiến ở Ethiopia và cuộc xung đột ở Somalia.

Đồng minh của Trung Quốc phải nể

Theo tờ Pakistan Observer, Ethiopia đóng vai trò then chốt trong việc kết nối Pakistan - đồng minh quan trọng của Trung Quốc - với lục địa châu Phi. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1958, Pakistan luôn đặt ưu tiên cao cho mối quan hệ với Ethiopia, thậm chí hết sức ủng hộ nước này trở thành ủy viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Thế lực bí ẩn nhất vừa gia nhập BRICS: Phút chót gây bất ngờ, 'quyền lực' tới mức đồng minh của Trung Quốc phải nể - Ảnh 3.

Ông Abiy Ahmed gặp gỡ Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh năm 2018. Ảnh: Getty

Là "cửa ngõ" vào các nước châu Phi, Ethiopia có tiềm năng đóng vai trò rất lớn và quan trọng trong chính sách "Tham gia vào châu Phi" (Engage Africa) của Pakistan. Đây là chiến lược được Islamabad rất coi trọng để tăng cường thương mại với châu lục này.

Quy mô thị trường, sự đa dạng và hội tụ chiến lược của lục địa châu Phi giàu tài nguyên đã khiến Pakistan tham vọng nâng quan hệ với châu Phi từ mức "song phương và trao đổi" lên mức độ hợp tác và hữu nghị mới. Trong bối cảnh đó, Ethiopia đang nắm chìa khóa quan trọng giúp quốc gia Nam Á kết nối với thị trường tiềm năng của lục địa đen.

Hiện tại, Ethiopia và Pakistan đang đặt mục tiêu thiết lập các kênh tài chính chính thức giữa hai phía, đồng thời thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương từ 7-8 triệu/năm lên ít nhất 300 triệu USD.

Phát biểu hồi tháng 7 năm nay, Tổng thống Pakistan Arif Alvi cho rằng nước này cần thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế và song phương với Ethiopia thông qua việc tạo điều kiện và tăng cường tương tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Bên cạnh đó, ông Alvi cho rằng. việc Pakistan đề nghị đào tạo các nhà ngoại giao trẻ của Ethiopia tại Học viện Đối ngoại và cấp học bổng cho các khóa học ngân hàng sẽ giúp cải thiện hơn nữa mối quan hệ song phương với quốc gia Đông Phi này. Từ đó, có thể thấy rõ Pakistan coi trọng Ethiopia tới mức nào.

Theo Vy Lam

Phụ nữ mới

Trở lên trên