MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Thế lực kín tiếng" sở hữu 14 nhà máy, thu hàng trăm triệu USD mỗi năm từ xuất khẩu cà phê tại Việt Nam là ai?

11-03-2024 - 10:23 AM | Doanh nghiệp

"Thế lực kín tiếng" sở hữu 14 nhà máy, thu hàng trăm triệu USD mỗi năm từ xuất khẩu cà phê tại Việt Nam là ai?

Không phải Trung Nguyên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, đây mới là thế lực thu hàng trăm triệu USD mỗi năm từ xuất khẩu cà phê tại Việt Nam.

Niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10-2022 đến tháng 9-2023), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 1,7 triệu tấn, giá trị xuất khẩu thu về 4,1 tỷ USD. Xét theo từng loại cà phê xuất khẩu, có thể thấy chủ yếu vẫn là cà phê Robusta với 1,49 triệu tấn, giá trị trên 3,2 tỷ USD.

Theo VICOFA (Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam), tính riêng về xuất khẩu cà phê nhân sống thì 5 doanh nghiệp dẫn đầu về khối lượng xuất khẩu trong niên vụ cà phê 2022-2023 lần lượt là Intimex HCM, Vĩnh Hiệp, Simexco Daklak, Intimex Mỹ Phước, Louis Dreyfus Việt Nam.

Theo đó, đứng đầu top các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân Việt Nam là Công ty CP Tập đoàn Intimex do ông Đỗ Hà Nam làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, với sản lượng xuất khẩu hơn 148.500 tấn, giá trị hơn 318 triệu USD.

Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về xuất khẩu cà phê nhân

Intimex thành lập trên cơ sở cổ phần hóa Chi nhánh Công ty XNK Intimex tại TPHCM thành lập vào năm 1995 trực thuộc Công ty XNK Intimex (Bộ Công Thương), chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/07/2006. Năm 2011, công ty đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex (Intimex Group).

Khởi điểm ban đầu là một công ty và ba chi nhánh nhỏ, bao gồm 91 nhân sự, vốn điều lệ 14,4 tỷ đồng, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, ngày nay, Intimex đã trở thành một Tập đoàn lớn mạnh với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Dây chuyền rang cà phê tại nhà máy Intimex

Trong lĩnh vực chế biến, theo thông tin trên website, Intimex cho biết, họ là nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, đang sở hữu 14 nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu với tổng công suất đạt 450.000 tấn/năm.

Ngoài cà phê thì gạo cũng là một mặt hàng thế mạnh của Intimex với doanh số xuất khẩu 820.000 tấn năm 2022. Những mặt hàng nông sản khác như hồ tiêu đạt 5.200 tấn, hạt điều đạt 3.200 tấn.

Thị trường hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Intimex có mặt ở hầu hết các thị trường lớn trên toàn cầu, đặc biệt là Châu Âu, Mỹ, Tây Á, Trung Đông, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, ASEAN…

Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng xây dựng mối quan hệ mua bán lâu dài với hàng trăm doanh nghiệp quốc tế lớn, trong đó có nhiều công ty, tập đoàn hàng đầu thế giới như Neumann Kaffee Gruppe, Nestlé, JDE, Tchibo, Louis Dreyfus, Volcafe, Marubeni, Mitsui, Itochu, Icona, Sucden, Sucafina, Mercon, RCMA, Ecom, Hyundai, Samsung…

Hiện nay, Intimex có 18 đơn vị trực thuộc và 12 công ty thành viên ở nhiều tỉnh, thành, ngoài xuất khẩu nông sản còn sản xuất bê tông, kinh doanh siêu thị, nhập khẩu và phân phối thực phẩm đông lạnh..

Tập đoàn có nhà máy chế biến tiêu sạch xuất khẩu tại Bình Dương; nhà máy chế biến gạo tại Đồng Tháp; phân xưởng chế biến điều xuất khẩu ở Tây Ninh và Bình Dương; trung tâm Thương mại Intimex Plaza; nhà máy sản xuất bê tông và mỏ khai thác đá tại Đà Nẵng; nhà máy sản xuất gạch tuynel tại Lâm Đồng.

Tham vọng đến 2026 giữ nốt ngôi vương cà phê hoà tan

Chính thức đi vào hoạt động vào tháng 12/2019, nhà máy cà phê hoà tan Intimex nằm tại khu công nghiệp Việt Nam Singapore II-A (Bình Dương), vận hành 100% công suất 4.000 tấn cà phê sấy phun mỗi năm.

Năm 2022, doanh thu Intimex đạt 53.600 tỷ đồng. Trong đó, mặt hàng chủ lực là cà phê nhân xuất khẩu được 410.000 tấn, giúp Intimex giữ được vị thế doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới. 

Nguồn: Intimex

Intimex dự định đầu tư giai đoạn 2 của nhà máy chế biến cà phê hòa tan, nâng tổng công suất lên 8.000 tấn/năm. Tham vọng của Intimex là đến 2026 đạt 18.000 - 20.000 tấn/năm, trở thành doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hòa tan hàng đầu Việt Nam.

Theo Trọng Nghĩa

antt.nguoiduatin.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên