MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Thế lực" nào đã đơn độc tung tiền mua vào gồng gánh VN-Index đi qua những phiên "bão tố" mùa Giáng sinh?

Giáng sinh đã cận kề nhưng chỉ có nhà đầu tư cá nhân "đơn độc" mua ròng. Ảnh: Ecopark

Giáng sinh đã cận kề nhưng chỉ có nhà đầu tư cá nhân "đơn độc" mua ròng. Ảnh: Ecopark

Chỉ có khối nhà đầu tư cá nhân "đơn độc" mua ròng trong những phiên giảm sâu cận kề Giáng sinh đỏ. Tính đến 23/12, các nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng gần 85.000 tỷ từ khối nhà đầu tư tổ chức trong nước, tự doanh và nhà đầu tư nước ngoài.

Theo thống kê của FiinGroup, phiên giao dịch kỷ lục, phiên giao dịch ngày 23/12/2021, giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 45.435 tỷ đồng, giá trị giao dịch toàn thị trường tính cả 3 sàn đạt 52,858 tỷ đồng, tăng 31.1% so với phiên liền trước. Đây là phiên có giá trị giao dịch cao nhất lịch sử trên sàn HOSE. Tuy nhiên thanh khoản của HNX và UPCOM không tăng mạnh nên tính tổng thi trường thanh khoản vẫn đứng thứ 2 sau phiên ngày 19/11/2021.

"Dòng tiền tăng vào nhóm bất động sản, xây dựng và vật liệu, chứng khoán, giảm vào nhóm ngân hàng, ô tô và phụ tùng, hóa chất. Ngành tăng điểm đáng chú ý là dầu khí. Tỷ trọng giá trị giao dịch giảm cả ở nhóm vốn hóa lớn VN30 và vừa VNMID, tăng vào nhóm không nằm trong chỉ số, VN30 vẫn giảm điểm mạnh nhất", FiinGroup nhận định. 

Với mức thanh khoản gần 53.000 tỷ thì "thế lực" nào đã mua vào gồng gánh VN-Index qua những phiên "bão tố" mùa Giáng sinh?

Thế lực nào đã đơn độc tung tiền mua vào gồng gánh VN-Index đi qua những phiên bão tố mùa Giáng sinh? - Ảnh 1.

Nhà đâu tư cá nhân "đơn độc" mua ròng những ngày cận kề Giáng sinh. Nguồn FiinGroup

Riêng trong ngày 23/12, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua ròng khớp lệnh 1022 tỷ đồng. Họ mua ròng 11/18 ngành, chủ yếu là ngành bất động sản. Trước đó, phiên 22/12, nhà đầu tư cá nhân đã bán ròng 79,5 tỷ đồng, phiên 21/12 bán ròng 13,4 tỷ đồng (chủ yếu qua thoả thuận, vẫn mua ròng lớn qua khớp lệnh). 

Tự doanh cũng chuyển mua ròng mạnh, họ mua vào 292 tỷ đồng trong phiên. Nhóm mua ròng mạnh nhất là Ngân hàng, Bán lẻ. Phiên 22/12, tự doanh bán ròng 156 tỷ đồng, phiên 21/12 bán ròng 79,3 tỷ đồng. 

Đặc biệt, các nhà đầu tư tổ chức trong nước vẫn duy trì bán ròng mạnh nhóm bất động sản. Phiên 23/12, nhà đầu tư tổ chức đã xả ròng khớp lệnh 494 tỷ đồng. Phiên 22/12, nhà đầu tư tổ chức mua ròng nhẹ 28,1 tỷ đồng, phiên 21/12 họ mua ròng 43 tỷ đồng. 

Nhà đầu tư nước ngoài là bên bán ròng mạnh nhất phiên 23/12, đạt 868 tỷ đồng. Mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm xây dựng và vật liệu, ô tô và phụ tùng trong bán ròng bất động sản. Phiên 22/22, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 180 tỷ đồng, phiên 21/12 mua ròng 50 tỷ đồng. 

Như vậy có thể thấy, 3 phiên giao dịch cận kề ngày lễ Giáng sinh đầy "bão tố", nhà đầu tư cá nhân vẫn là bên mua ròng chủ chốt với 930 tỷ đồng, trong khi khối ngoại bán ròng 638 tỷ đồng, nhà đầu tư tổ chức bán ròng 425 tỷ, còn tự doanh bán ròng 57 tỷ đồng. 

Những hành động này của các các nhóm không có nhiều bất ngờ so với diễn biến từ đầu năm đến nay. Theo thống kê của chúng tôi, nhà đầu tư tổ chức trong nước và tự doanh đã bán ròng tổng cộng hơn 22.000 tỷ đồng, khối ngoại bán ròng tổng cộng gần 63.000 tỷ đồng từ đầu năm đến nay. Nhà đầu tư cá nhân với binh đoàn nhỏ lẻ đã mua ròng đối ứng gần 85.000 tỷ đồng tính đến 23/12/2021. 

Thế lực nào đã đơn độc tung tiền mua vào gồng gánh VN-Index đi qua những phiên bão tố mùa Giáng sinh? - Ảnh 2.

Chỉ có nhà đầu tư cá nhân "đơn độc" mua ròng trong suốt cả năm 2021

Những chuyển động này cũng đồng pha với làn sóng gia nhập của các nhà đầu tư mới trên thị trường chứng khoán Việt năm 2021. Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết trong tháng 11, nhà đầu tư trong nước mở mới 220.817 tài khoản chứng khoán. Đây là con số lớn nhất trong lịch sử 21 năm thành lập thị trường, bỏ xa kỷ lục cũ 140.193 tài khoản được thiết lập vào tháng 6/2021. Đây cũng là tháng thứ 9 liên tiếp số tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước duy trì ở mức trên 100.000 mỗi tháng và là tháng đầu tiên có trên 200.000 tài khoản được mở mới.

Lũy kế 11 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,3 triệu tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017; 2018; 2019 và 2020 cộng lại (tổng 4 năm đạt 1,04 triệu tài khoản).

Làn sóng gia nhập kỷ lục của nhà đầu tư F0 cùng với lượng tiền lớn đã "cân" hết lượng bàn ròng kỷ lục từ quỹ ngoại, nhà đầu tư tổ chức cùng tự doanh. Nhà đầu tư cá nhân trong nước duy trì trạng thái mua ròng kể từ đầu năm đến nay. 

Việc nhà đầu tư nội ồ ạt mở tài khoản chứng khoán thời gian gần đây có nhiều yếu tố, trong đó đáng kể nhất là việc (1) Lãi suất huy động đang ở mức thấp; (2) Kênh trái phiếu doanh nghiệp bị siết lại; (3) Nền kinh tế được kỳ vọng hồi phục mạnh sau đại dịch; (4) Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang hấp dẫn so với các quốc gia trong khu vực; (5) Triển vọng nâng hạng thị trường mới nổi trong 2 năm tới; (6) Người dân ít có sự lựa chọn kênh đầu tư và (7) Việc áp dụng eKYC giúp mở tài khoản trở nên thuận tiện hơn.

Bạch Huệ

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên