MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế lực nào điều khiển VN-Index?

Có rất nhiều tin đồn xoay quanh một "thế lực huyền bí" có khả năng điều khiển cuộc chơi của thị trường. Điều này thật hay không? Bằng việc nghiên cứu các thành phần đầu tư tại Việt Nam, DoBF Stock Academy đã đưa ra lý giải.

Về cơ bản sẽ có ba lực lượng chính tham gia trên thị trường chứng khoán là khối nội, khối ngoại và nhà nước. Con số thống kê của DoBF cho thấy, với vốn hóa thị trường đang đạt 74 tỷ USD, khối ngoại hiện sở hữu 17 tỷ USD (chiếm 23%), nhà nước sở hữu 29 tỷ USD (chiếm 39%). Phần còn lại là khối nội, lực lượng đông đảo và "hung hăng" nhất với khoảng 1,6 triệu tài khoản giao dịch, chiếm 38% vốn hóa.

Nhưng câu chuyện không dừng lại tại đây. Nhà đầu tư nước ngoài dù chỉ chiếm sở hữu khoảng gần ¼ thị trường, lại luôn là đối tượng được quan tâm nhiều nhất. Mỗi đợt di chuyển của dòng vốn ngoại lại làm cho thị trường bị biến động thấy rõ.

Có thể chia khối ngoại ra thành nhiều thành phần: Hoạt động tích cực và hay phát biểu trên diễn đàn là các quỹ đầu tư nước ngoài có văn phòng tại Việt Nam. Những cái tên tiêu biểu gồm có Vina Capital, Dragon Capital, VietnamHolding, cùng hàng chục cái tên lớn nhỏ khác.

Thống kê sơ bộ cho thấy, nhóm này có thể đang nắm giữ khoảng 4 tỷ USD tài sản chứng khoán (có một phần là private equity). Chiến lược của họ thường là đầu tư và nắm giữ dài hạn, với tâm thế luôn tin vào triển vọng sáng sủa của Việt Nam.

Một thành phần khác thích gây bất ngờ và hoạt động tích cực hơn của khối ngoại là các sản phẩm quỹ được phát hành bởi các tổ chức quốc tế. Đó có thể là chứng chỉ quỹ mở do JP Morgan AM phát hành, ETF do Van Eck quản lý, hay P Notes. Với khả năng vào – ra nhanh bất thường và khó lường, điều duy nhất có thể lôi kéo dòng vốn này là thị trường Việt Nam phải chứng minh khả năng tăng trưởng xuất sắc.

Cuối cùng, lực lượng nhiều tiền nhưng kín tiếng nhất, là những nhà đầu tư chiến lược trong các doanh nghiệp Blue Chips. Thường thì họ sẽ ít giao dịch, và thường mang hộ chiếu Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Thái Lan.

Khối nội đông đảo, nhưng cũng là thành phần phức tạp nhất trên thị trường. Trong khi các nhà đầu tư chuyên nghiệp, bao gồm các quỹ đầu tư, tự doanh các công ty chứng khoán đang quản lý khoảng 7 tỷ đô trên thị trường, bao gồm cả danh mục ủy thác và quỹ đầu tư, lực lượng còn lại là các nhà đầu tư cá nhân và các sở hữu chéo chằng chịt tại rất nhiều công ty.

Gọi là phức tạp, bởi vì trong khi các quỹ có chiến lược đầu tư bài bản, phần còn lại là sự đan xen của rất nhiều chiến thuật, cảm xúc, mô hình và kỳ vọng khác nhau. "Đám đông bầy đàn" là từ chúng ta hay dùng để miêu tả thành phần này, và đám đông này có thể hưng phấn ngay phiên hôm trước và trở nên hoảng loạn ngay phiên hôm sau.

Và cuối cùng, đối tượng ít hoạt động nhưng thỉnh thoảng cũng gây xáo trộn thị trường là sở hữu nhà nước. Trong khi SCIC (nắm khoảng 4,4 tỷ đô) và Petro Vietnam (nắm khoảng 5,9 tỷ đô) đang tìm cách bán bớt, ngân hàng nhà nước (sở hữu 9 tỷ đô tại 3 ngân hàng VCB, CTG và BID) lâu nay không có tuyên bố gì. Các bộ ngành nắm danh mục lớn như Bộ tài chính, Bộ công thương có lẽ cũng phải chờ ý kiến từ Chính Phủ.

Và như vậy, chúng ta có thể vẽ bức tranh tương đối chi tiết về các đối tượng tham gia trên thị trường chứng khoán sau đây:

Trở lại với câu hỏi đầu tiên:”Thế lực nào điều khiển Index?”. Nếu nhìn đồ thị trên, chính những nhà đầu tư cá nhân có thể nắm quyền tự quyết. Tuy nhiên, chưa bao giờ đám đông này có thể đồng thuận quá lâu. Trong khi đó, ở một vài thời điểm nhất định của quá khứ, Index đã bị méo mó bởi hoạt động mạnh của 1 nhóm nhà đầu tư nào đó. Biểu hiện rõ nhất là thời kỳ ETF xuất hiện, liên tục mua vào các cổ phiếu lớn khiến chỉ số không thể hiện đúng bản chất thị trường. Nhưng thời kỳ đó đã qua, với việc niêm yết nhiều cổ phiếu lớn có thể chi phối Index cùng với sự tăng quy mô vốn hóa, sẽ rất khó để một lực lượng điều khiển chỉ số trong một giai đoạn kéo dài.

Nguyên Cường

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên