MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế nào là hành vi thao túng trong giao dịch tài sản mã hoá?

19-04-2022 - 07:41 AM | Kinh tế số

Thao túng giá trong các giao dịch mã hoá

Thao túng giá trong các giao dịch mã hoá

Giao dịch thao túng được xem như là ví dụ điển hình về giao dịch rửa tiền NFT.

Giao dịch thao túng (wash-trading) tài sản mã hoá xảy ra khi một nhà giao dịch hoặc nhà đầu tư tiến hành mua và bán cùng một loại tài sản nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn để đánh lừa những người chơi khác về giá trị hay thanh khoản của tài sản.

Tháng 10/2021, Cryptopunks, dự án NFT (mã hoá không thể thay thế) của Larva Labs ghi nhận một "giao dịch giả - wash sale" trên chuỗi khối Ethereum. Tài sản mã hoá có tên "CryptoPunk 9998" được bán với giá 124.457 Ether (ETH). Số ETH sử dụng trong giao dịch này sau khi tới ví người bán, được chuyển trở lại tài khoản người mua để hoàn trả khoản vay mua chính tác phẩm kỹ thuật số blockchain này của Larva Labs. Hành vi này không chỉ là một khoản vay tức thời (flash-loan) mà còn là một ví dụ điển hình về giao dịch rửa tiền NFT.

Các cá nhân và công ty có thể tham gia vào giao dịch thao túng với nhiều lý do khác nhau. Có thể do họ muốn kích cầu tạo động lực tăng giá hoặc ngược lại, khuyến khích bán để giảm giá tài sản. Trong trường hợp khác, nhà giao dịch có thể "wash-sale" để chốt lỗ trước khi mua lại tài sản đó với chi phí rẻ hơn, từ đó tìm kiếm một khoản hoàn thuế.

Cơ quan quản lý tài chính có thể chú ý tới những giao dịch giữa những tài khoản có chung sở hữu để phát hiện hành vi thao túng giá. Tuy nhiên, giao dịch thao túng không nhất thiết phải là những giao dịch thực sự diễn ra. Chúng có thể được thỏa thuận trên giấy tờ, nhưng không hoạt động giao dịch nào được tiến hành trên thực tế.

Tính bất hợp pháp của giao dịch thao túng

Wash-trading là hành vi bị cấm tại thị trường tài chính truyền thống. Tuy nhiên, tính hợp pháp của hành vi này vẫn chưa được quy định rõ trên thị trường NFT phi tập trung.

Dù vậy, một số chính phủ đã có động thái ngăn chặn hành vi này. Năm 2018, Bithumb, sàn giao dịch tiền điện tử của Hàn Quốc, bị cáo buộc tạo điều kiện cho các hành vi thao túng với khối lượng giao dịch giả trị giá 250 triệu USD.

Ngày 5/4/2022, Bloomberg cho biết, dữ liệu theo dõi NFT của CryptoSlam phát hiện các tài khoản đang tiến hành wash-trading số tài sản lên tới 18 tỷ USD, chiếm 95% tổng khối lượng giao dịch đang diễn ra trên LooksRare, một sàn mua bán NFT.

Cấu trúc phi tập trung của tiền điện tử khiến việc truy tìm thủ phạm của các hành vi rửa tiền này trở nên khó khăn do các giao dịch có thể được ẩn danh. Do đó, rủi ro phát sinh từ giá trị và khối lượng giao dịch bị thao túng sẽ không thể loại bỏ hoàn toàn, trừ khi nhà chức trách xây dựng được hành lang pháp lý và cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm giám sát tiền điện tử.

Giao dịch thao túng NFT là một vấn đề đối với các nhà đầu tư, cộng đồng toàn cầu, những nhà sưu tập hay giao dịch bởi các bên tham gia hành vi này sử dụng các mã hoá kém thanh khoản để thao túng giá trị một tài sản nhất định.

Các nhà đầu tư buộc phải dựa vào số liệu thống kê có thể đo lường để đưa ra các quyết định đầu tư. Do đó, số liệu bị thao túng dẫn đến những quyết định đầu tư sai lầm. Không chỉ vậy, chính các hành vi lừa đảo này đang tác động nặng nề nhất đối với cộng đồng NFT khi cơ quan chức năng và các dịch vụ tài chính truyền thống có thể viện dẫn lý do này để phản bác phi tập trung tài chính.

Cần làm gì để tránh bị "lùa gà"?

Các đồng tiền điện tử mới khi được phát hành sẽ không có lịch sử giá hoặc khối lượng liên quan. Do đó, nhà phát triển hoặc những người trong cuộc có thể sử dụng giao dịch thao túng nhằm đánh lừa người tham gia về giá trị thực của các tài sản này. Để tránh rủi ro, những người tham gia thị trường NFT không nên đầu tư vào những loại dự án như vậy.

Bên cạnh đó, những mã hoá thông báo có vốn hoá nhỏ, mới được phát hành có thể là những cạm bẫy đối với các nhà đầu tư ngây thơ. Thanh khoản ít khiến chúng dễ dàng bị thao túng và "úp bô" người chơi.

Nhà giao dịch nên chọn những loại tiền mã hoá có khối lượng giao dịch lớn để tránh trở thành nạn nhân của các hành vi thao túng. Thị trường càng lớn thì những kẻ lừa đảo càng cần nhiều tiền hơn để can thiệp vào đường đi của giá. Chẳng hạn, những đồng tiền điện tử như Bitcoin và Ethereum có vốn hóa hàng trăm tỷ USD, khiến hành vi thao túng giá trở nên đặc biệt khó khăn.

Theo CoinTelegraph


Vinh Ngô

Theo ICT News

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên