MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế tiến thoái lưỡng nan của FED

16-06-2022 - 10:12 AM | Tài chính quốc tế

Lạm phát tăng nóng trong tháng 5 đẩy ngân hàng trung ương Mỹ vào thế khó. Nếu muốn hạ nhiệt giá cả, kinh tế Mỹ có thể phải trả giá bằng một cuộc suy thoái.

Theo Bloomberg, lạm phát tại Mỹ tăng nóng trong tháng 5 đã đặt ra bài toán khó cho ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Mới đây, ông Powell thừa nhận rằng việc kiểm soát lạm phát có thể tạo ra những vết thương kinh tế, thậm chí đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao. Nhưng ông tránh nhắc tới một cuộc suy thoái.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều nhà kinh tế cho rằng Mỹ cần đánh đổi tăng trưởng kinh tế và việc làm để đưa lạm phát xuống mức có thể chấp nhận được.

Tiến thoái lưỡng nan

"Chúng ta khó có khả năng kiểm soát lạm phát mà không để xảy ra suy thoái kinh tế", ông Bruce Kasman - nhà kinh tế trưởng tại JPMorgan Chase & Co. - nhận định.

Theo ông, thời kỳ lạm phát tăng cao kéo dài, cùng với nguồn cung lao động bị thu hẹp, đã đẩy tiền lương đi lên và làm gia tăng chi phí lao động của các doanh nghiệp, tạo ra vòng xoáy tiền lương - lạm phát nguy hiểm.

Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 6, bà Anna Wong - chuyên gia kinh tế cấp cao tại Bloomberg - dự báo khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong năm 2022 là 25%, nhưng tỉ lệ này có thể lên tới 75% vào năm 2023.

"Một cuộc suy thoái vào năm 2022 là khó xảy ra, nhưng suy thoái năm 2023 sẽ rất khó tránh khỏi", bà Wong bình luận.

Theo số liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tháng 5 của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12/1981.

Lạm phát tăng nóng làm xói mòn sức mạnh chi tiêu của người tiêu dùng. Theo số liệu của Đại học Michigan, chỉ số đo lường mức độ lạc quan của người tiêu dùng đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1978, tức thấp hơn thời điểm lạm phát đạt đỉnh vào năm 1981.

Giới đầu tư đổ xô vào trái phiếu do lo ngại về việc FED sẽ mạnh tay nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Lãi suất trái phiếu tăng vọt, trong khi giá cổ phiếu lao dốc mạnh.

Lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã chạm mốc 3,28% hôm 13/6, đánh dấu mức cao kỷ lục kể từ năm 2011. Giới quan sát dự báo đến tháng 9, lãi suất cơ bản sẽ được nâng 175 điểm cơ bản, tức ở một trong 3 cuộc họp sắp tới, FED sẽ tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm.

Riêng đội ngũ chuyên gia của Goldman Sachs cho rằng FED sẽ nâng lãi suất cơ bản 0,75 điểm phần trăm trong cả tháng 6 và tháng 7. Đến tháng 9, cơ quan này có thể tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, và thu hẹp mức tăng còn 0,25 điểm phần trăm trong tháng 11 và tháng 12.

Như vậy, lãi suất có thể được nâng lên khoảng 3,25-3,5% vào cuối năm

Cân bằng 2 rủi ro

Trong những tháng tới, sự thay đổi của lãi suất sẽ phụ thuộc vào việc các quan chức FED muốn kiểm soát lạm phát tới mức nào, và có sẵn sàng trả giá bằng những vết thương kinh tế hay không.

Trong tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của FED - đã tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2021, cao gấp 3 lần mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.

Nếu loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng biến động mạnh, chỉ số giá cốt lõi tăng 4,9%.

PCE đo lường sự thay đổi của giá cả hàng hóa và dịch vụ trong chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình, thay vì doanh nghiệp hoặc những thành phần kinh tế khác.

Theo ông Ethan Harris - Trưởng bộ phận Nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại Bank of America Corp., FED có thể sẵn sàng thỏa hiệp, chấp nhận lạm phát cố định khoảng 3% và dần đưa về mức mục tiêu trong dài hạn. Điều đó cho phép nền kinh tế Mỹ tránh một cuộc suy thoái.

Thế tiến thoái lưỡng nan của FED - Ảnh 1.

Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân - thước đo lạm phát ưa thích của FED - đã tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Reuters.

Còn ông Olivier Blanchard - cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - chỉ trích FED và các ngân hàng trung ương khác đã sai lầm khi để lạm phát vượt tầm kiểm soát.

Theo ông, các ngân hàng trung ương nên ngừng thắt chặt chính sách sau khi lạm phát giảm xuống 3% và đặt đó làm mục tiêu mới, thay vì mạo hiểm đẩy lạm phát xuống 2% và có thể đối mặt nguy cơ suy thoái.

Ông Blinder cho rằng FED cần cân bằng cả 2 rủi ro. Càng kéo dài, tình trạng lạm phát tăng cao càng khó kiểm soát. Tuy nhiên, các động thái kiềm chế lạm phát quá mạnh tay cũng mang lại nguy cơ. Bởi nó có thể đẩy nền kinh tế vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng và khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt.

Ông Peter Hooper - nhà kinh tế tại Deutsche Bank - tin rằng FED sẽ "mắc sai lầm nghiêm trọng" nếu đặt mục tiêu đưa lạm phát về mức 2%. Ông là một trong những người đầu tiên dự báo về một cuộc đại suy thoái.

Theo Hằng Nga

BizLive

Trở lên trên