Thẻ tín dụng và những nguy cơ
Với những tiện lợi trong thanh toán trực tuyến, đặc biệt là thanh toán quốc tế thì việc sử dụng thẻ tín dụng ngày càng trở nên phổ biến với nhiều người dân. Tuy nhiên, nếu chủ thẻ không có những kỹ năng bảo mật và tinh thần cảnh giác thì rất dễ trở thành miếng mồi ngon của tội phạm.
Mất thẻ là... mất rất nhiều tiền
Sau chuyến “phượt” một tuần trên Tây Bắc, chưa về đến Hà Nội song chị Mai Hương (trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) đã tá hỏa tam tinh khi phát hiện số tiền hàng trăm triệu đồng trong tài khoản Master card đã không cánh mà bay.
Số là chị Hương kẹp thẻ trong một cuốn sách, rồi để quên tại một cửa hàng ăn. Sau đó Hương cũng vô tư cùng bạn bè đi du lịch mạo hiểm tại những cung đường xa xôi hiểm trở bậc nhất Tây Bắc. Và vì thế điện thoại của chị thường xuyên trong tình trạng “ngoài vùng phủ sóng”.
Khi về gần đến thị trấn huyện lỵ - nơi có sóng viễn thông, điện thoại của chị Hương có một loạt tin nhắn báo tài khoản của chị đã bị trừ liên tiếp tổng cộng gần 100 triệu đồng vì đã “mua sắm tại nhiều siêu thị điện máy. Hiện tại số dư trong tài khoản chỉ còn lại vài triệu đồng. Chị Hương vội vàng gọi lên tổng đài báo khóa thẻ khẩn cấp. Rồi làm đơn trình báo với Cơ quan công an. Tuy nhiên khả năng lấy lại tiền là không cao.
Nếu như với thẻ ATM nội địa, chủ thẻ có chẳng may mất thẻ thì cũng không đáng lo lắm. Vì có thể gọi điện lên ngân hàng báo khóa thẻ, và nguy cơ bị rút tiền trong tài khoản cũng không cao (vì người sử dụng phải có mật khẩu) mới rút được ở cây ATM. Còn muốn giao dịch online cũng không thể vì sẽ không có mật khẩu OTP
Để tránh mất tiền oan, chủ thẻ tín dụng cần bảo quản thẻ như tiền mặt.
Nhưng với thẻ tín dụng thì lại là chuyện khác. Nếu như mất thẻ, và không kịp báo khóa với ngân hàng thì nguy cơ bị rút sạch bách tiền là hiện hữu.
Tháng 10-2017, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an TP Hà Nội đã tiến hành điều tra một nhóm đối tượng người Mông Cổ chuyên trộm cắp thẻ tín dụng ở khu vực phố cổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) rồi mang đi tiêu sạch sẽ.
Theo trình báo của bà Pak Goo Kyo (quốc tịch Hàn Quốc) ngày 30-10-2017 bà cùng đoàn khách du lịch có mặt tại Hà Nội. Buổi trưa cùng ngày bà để quên chiếc điện thoại LG trên xe khách đưa đón đoàn đi xem múa rối nước. Khoảng 1 giờ sau, bà Pak giật mình khi phát hiện bỏ quên chiếc thẻ tín dụng trong ốp lưng điện thoại. Ngay lập tức bà Pak liên lạc với ngân hàng Hàn Quốc để khóa thẻ thì đã bị kẻ gian quẹt đến 4 lần.
Phòng PC45 phối hợp với Công an quận Hoàn Kiếm nhanh chóng vào cuộc điều tra. Cơ quan công an phát hiện một nhóm đối tượng người Mông Cổ đã sử dụng chiếc thẻ của bà Pak để “quẹt” khắp nơi, từ tiệm vàng, siêu thị điện máy cho đến shop bán giày hàng hiệu... Tổng cộng bọn chúng đã tiêu hết số tiền lên tới gần 250 triệu đồng trong tài khoản của bà Pak.
Ngoài ra, nhóm đối tượng này còn trộm thẻ tín dụng của nhiều du khách khác, như ông Wild H. (quốc tịch Bỉ) đã bị bọn chúng quẹt mất gần 70 triệu đồng, ông Bernard H.(quốc tịch Hà Lan) bị lấy trộm 120 triệu đồng đều qua việc mua vàng tại nhiều cửa hàng...
Chỉ huy Phòng PC45 cho chúng tôi biết, ngoài việc xử lý nhóm đối tượng người Mông Cổ chuyên trộm thẻ tín dụng để sử dụng thì vào tháng 8-2017 Cơ quan công an cũng đã bắt một đối tượng người Malaysia trộm thẻ Master card của công dân Canada và Brazil rồi đem đi quẹt mất gần 100 triệu đồng.
Ngoài ra, Cơ quan công an cũng tiếp nhận một số đơn trình báo về việc bị mất tiền trong thẻ tín dụng. Tuy nhiên, các đối tượng sau khi thực hiện hành vi trộm cắp đã không còn ở Việt Nam nên việc điều tra gặp rất nhiều khó khăn.
Chỉ huy Phòng PC45 khuyến cáo người dân, nhất là các du khách cần bảo quản tài sản, đặc biệt là thẻ tín dụng của mình thật cẩn trọng, tránh việc thất lạc dẫn đến bị kẻ gian rút hết tiền trong tài khoản.
Không quẹt thẻ vẫn mất tiền
Thanh Phương, hiện đang công tác tại một tổ chức quốc tế ở Hà Nội có niềm ham mê mua sắm. Phương thường xuyên sử dụng thẻ Visa debit để mua hàng ở nhiều shop online. Chiều ngày Thứ tư vừa qua, Phương có mua chiếc đồng hồ tại một shop có trụ sở tại Singapore. Đêm hôm đó, điện thoại của Phương liên tiếp có nhiều tin nhắn.
Tuy nhiên do ngủ say mà sáng hôm sau cô mới check. Vừa nhìn điện thoại, Phương tá hỏa khi phát hiện có đến 5 giao dịch mua hàng ở nhiều website xa lắc xa lơ như Mỹ, Canada... Những giao dịch về sau giá trị món hàng càng tăng thêm. Phương vội vàng gọi điện lên ngân hàng để báo khóa thẻ khẩn cấp.
Tương tự như Phương, anh Duy Linh (trú tại Đống Đa, Hà Nội) phát hiện tài khoản bị trừ tiền khi anh đang chuẩn bị đi ngủ. Điện thoại báo liên tục 3 tin nhắn cách nhau một phút. Anh giật mình khi thấy ngân hàng gửi thông báo trừ tổng cộng gần 1,9 triệu đồng cho 3 giao dịch mua thẻ cào và thẻ game. Dĩ nhiên người giao dịch không phải là anh Linh.
Theo nạn nhân này, khoảng 2 tháng trước anh cũng đã bị lén sử dụng thẻ để tính phí cho một vé tàu tận bên Anh với giá gần 3,6 triệu đồng, và chuyện này cũng vào khoảng nửa đêm.
Chị Hồng Nhung (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) vừa phải lên một diễn đàn kêu cứu về việc bị mất tiền trong thẻ tín dụng. Chị Nhung đã bị hack mất 2 triệu đồng trong tài khoản thẻ Visa debit. Cũng theo chị Nhung, khi đang bế con nhỏ ở nhà, chị nhận được tin nhắn báo qua điện thoại di động là “Số dư tài khoản 049... thay đổi hơn 2 triệu đồng...”. Chị Nhung khẳng định chiếc thẻ Visa debit vẫn nằm yên trong ví, chị cũng không thực hiện bất cứ giao dịch mua bán online nào.
Đại diện của công ty chuyên về thẻ tín dụng Master card cho biết, theo báo cáo từ các thống kê độc lập trên toàn cầu, hiện cứ 1.000 USD giao dịch qua hệ thống thanh toán Master card thì có khoảng 0,6 USD là nằm trong những giao dịch bất hợp pháp (tiền đen). Tại Việt Nam, con số lần lượt là 1.000 USD thì có 0,3 USD là giao dịch “bẩn”. Điều này chứng tỏ nguy cơ chủ sử dụng bị rút trộm tiền vẫn luôn hiện hữu.
Cần bảo quản thẻ kỹ lưỡng
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực thanh toán quốc tế ngân hàng V. thì mặc dù các giao dịch quốc tế thông qua thẻ tín dụng đã được các tổ chức áp dụng nhiều biện pháp bảo mật, song nguy cơ bị hack tài khoản, hay bị lộ thông tin thẻ tín dụng vẫn luôn thường trực đối với chủ thẻ. Cá biệt đã có những trường hợp chủ thẻ khi tiến hành giao dịch online thì đến 1 tuần sau mới thấy có tin nhắn của ngân hàng báo về giao dịch đó. Vì vậy người dân cũng nên tìm hiểu thông tin để mở thẻ tại những nơi uy tín.
Về thủ đoạn phạm tội, các đối tượng thường lên các diễn đàn của hacker “mũ đen” để mua thông tin thẻ tín dụng với giá bèo. Sau đó bọn chúng sẽ dùng thông tin đó thể thanh toán, thường là mua những vật phẩm sử dụng online như thẻ game, mã các phần mềm, hoặc nạp vào tài khoản mua nhạc iTunes... Cũng có nhiều trường hợp mua hàng rồi dùng nhiều thủ đoạn để mang về Việt Nam.
Cách thức của chúng là ban đầu đối tượng sẽ thử mua một món đồ với giá trị nhỏ, có thể là 100-200 ngàn đồng nếu hàng hóa ở Việt Nam hay 10-20 USD nếu từ ngước ngoài. Sau đó nếu thấy thẻ còn tiền và giao dịch thành công, đối tượng bắt đầu mua thêm một món với giá trị cao hơn, có thể là 500-900 ngàn đồng hay 40-50 USD nữa.
Một nhóm đối tượng chuyên “hack” thẻ tín dụng để lấy tiền tiêu xài.
Khi cảm thấy tự tin rằng trong tài khoản vẫn còn nhiều tiền, đối tượng sẽ bắt đầu dùng nó để mua một dịch vụ hay món đồ nào đó giá trị cao, có thể lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Và nếu như chủ thẻ chưa kịp khóa, khả năng cao là đối tượng sẽ tiếp tục thực hiện thêm nhiều giao dịch nữa trước khi dừng lại.
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến việc không quẹt vẫn mất tiền của chủ thẻ tín dụng. Đó là chủ thẻ từng tham gia mua bán hay sử dụng dịch vụ online nhưng trang web đó đã bị hack và để lộ thông tin thanh toán. Hai là khi đi ăn uống tại nhà hàng, mua sắm, thẻ của khách hàng đã bị kẻ xấu sao chụp lại và mang ra sử dụng. Hoặc ngân hàng làm lộ thông tin thẻ (khả năng này rất thấp, nhưng không phải là không có).
Và cuối cùng, rất đáng báo động là thời gian gần đây đã phát hiện một nhóm đối tượng người Malaysia đã chế ra những thiết bị có khả năng đọc lén dữ liệu khi quẹt thẻ bằng POS (máy chấp nhận thanh toán thẻ). Thiết bị này được bán trôi nổi trên thị trường chợ đen và có khả năng đọc lại thông tin thô của thẻ khi tiến hành quẹt qua máy POS tại các điểm chấp nhận thanh toán thẻ, kẻ xấu chỉ cần đứng ở gần đó hoặc đặt thiết bị gần máy POS là có thể thu lại các dữ liệu thô trước khi nó được mã hóa theo phương thức tokenization và gửi tới phía nhà cung cấp thẻ để xử lý.
Để tránh những nguy cơ khi sử dụng thẻ tín dụng, chủ thẻ cần luôn để thẻ ở trong tầm mắt. Thậm chí, thẻ và thông tin in trên đó cần được bảo mật, bảo quản kỹ lưỡng như tiền mặt. Tuyệt đối không được làm mất, hoặc giao thẻ cho người khác cầm. Vì rất có thể thông tin trên thẻ sẽ được kẻ xấu sao chụp lại và đi mua hàng lung tung trên mạng.
Một số chủ thẻ tín dụng kêu trời vì không quẹt mà vẫn bị trừ tiền.
Bên cạnh đó, chủ thẻ không nên thực hiện các giao dịch thanh toán online ở những thiết bị công cộng lạ và chỉ nên mua sắm online ở những địa chỉ website uy tín, được người tin dùng đánh giá cao. Ngoài ra, chủ thẻ cũng nên chọn hạn mức thẻ tín dụng nhỏ nhất theo nhu cầu sử dụng, cà thẻ nơi uy tín, theo dõi trong suốt quá trình thanh toán, không thực hiện khai báo thông tin thẻ qua các trang web lạ.
Khi có giao dịch lạ xảy ra qua báo cáo tin nhắn thì bạn phải thông báo ngay cho ngân hàng phát hành khóa thẻ và khai báo giao dịch bất hợp pháp để thu hồi tiền bị mất.
Chuyên gia ngân hàng cũng khuyến cáo chủ thẻ có thể áp dụng thêm 3 cách để hạn chế rủi ro nếu bị mất thẻ hoặc bị sao chụp thông tin trên thẻ. Đó là khách hàng có thể sử dụng 2 tài khoản: 1 tài khoản chính và 1 tài khoản chuyên dùng để thanh toán online với hạn mức thấp. Chủ thẻ cũng có thể xóa 3 chữ số CVV (mã số xác nhận thẻ, nằm ở mặt sau của thẻ tín dụng) hoặc dùng băng keo đen dán che đi 3 số này để phòng trừ trường hợp khi mua hàng hay thanh toán tại các cửa hàng, nhân viên quẹt sẽ không thể ăn cắp được mã CVV này dùng cho mục đích riêng.
Chủ thẻ không làm thẻ kết nối trực tiếp với tài khoản ngân hàng của mình bởi nếu có kế nối thì khi tài khoản có tiền tức là thẻ cũng có tiền và nếu bị mất sẽ bị “hack” với số tiền rất lớn. Chỉ khi nào cần phải mua sắm thì mới “bắn” tiền sang thẻ tín dụng để sử dụng.