MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Thế trận' ở Xây dựng Hòa Bình

'Thế trận' ở Xây dựng Hòa Bình

Xét về luật, nhóm ông Nguyễn Công Phú hẳn có không ít lợi thế, song quyền hành thực tế tại HBC về cơ bản vẫn nằm trong tay ông Lê Viết Hải cùng các cộng sự.

Ngày cuối năm 2022, giới đầu tư bất ngờ với cuộc “nội chiến” tại CTCP Tập đoàn Hòa Bình (HoSE: HBC). Theo đó, HĐQT HBC đã có Nghị quyết số 57 (ký bởi ông Lê Viết Hải, chức danh Chủ tịch HĐQT, Đại diện theo pháp luật HBC) cho biết sẽ hoãn thông qua đơn từ nhiệm tư cách thành viên HĐQT của ông Lê Viết Hải. Đồng thời, công ty chưa bầu ông Nguyễn Công Phú vào chức Chủ tịch thay ông Hải và chưa bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc với ông Hiếu (con trai ông Hải). Ngoài ra, HBC cũng hoãn việc thành lập Hội đồng sáng lập – nơi ông Hải dự kiến làm Chủ tịch.

Tuy nhiên, đến sáng ngày 1/1/2023, 4 Thành viên HĐQT HBC gồm ông Nguyễn Công Phú (tân Chủ tịch), ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antone bất ngờ phát đi thông cáo báo chí mới, bác bỏ nội dung này.

Thực tế, sự bác bỏ của 4 Thành viên HĐQT kể trên không phải không có cơ sở, căn cứ theo khoản 8, Điều 30 Điều lệ của HBC. Theo đó, cuộc họp HĐQT của HBC chỉ được tiến hành khi có 6/8 tổng số thành viên trở lên dự họp. Nếu không đủ số thành viên, cuộc họp lần thứ 2 được tiến hành nếu có 5/8 thành viên dự họp.

Tại Việt Nam, các công ty, tập đoàn lớn thường thiên hướng mang tính chất gia đình, nên việc nhà chủ tìm cách nắm quyền chi phối trong cơ cấu HĐQT và cơ cấu cổ đông là điều không khó hiểu. Tuy vậy, trường hợp của HBC có đôi chút khác biệt.

Theo tìm hiểu, ngoài ông Lê Viết Hải và con trai Lê Viết Hiếu, HĐQT HBC hiện tại còn có ông Lê Quốc Duy là người gắn bó với ông Hải từ năm 2007 khi HBC vẫn còn tên cũ là CTCP Xây dựng & Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình.

Với 5 Thành viên còn lại, 2 người được bầu vào theo đề cử của nhóm cổ đông Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Tường Bảo - Thành viên HĐQT độc lập, Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán (ĐHĐCĐ thường niên năm 2021), ông Albert Antone (ĐHĐCĐ thường niên năm 2022).

Các ông Nguyễn Công Phú (Thành viên HĐQT độc lập), Dương Văn Hùng (Thành viên HĐQT độc lập, Thành viên Ủy ban Kiểm toán) được bầu vào ghế HĐQT tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 theo đề cử của HĐQT; tương tự, ông David Martin Ruiz cũng được đề cử và bầu tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022.

Với cục diện như trên, việc ông Lê Quốc Duy – nhân sự lâu năm tại HBC nằm trong nhóm “phản đối” ông Lê Viết Hải là chi tiết gây bất ngờ! Điều này đồng nghĩa nhóm triệu tập cuộc họp để ra Nghị quyết số 57 nhiều khả năng chỉ gồm ông Lê Viết Hải, Lê Viết Hiếu, Nguyễn Tường Bảo, và David Martin Ruiz. Tỷ lệ như này rõ ràng là chưa đủ điều kiện để cuộc họp HĐQT (lần 2) được tổ chức để thông qua Nghị quyết số 57.

Mặt khác, với việc HBC đã ban hành Nghị quyết số 51 của HĐQT với quyết định bầu ông Nguyễn Công Phú là Chủ tịch HĐQT. Căn cứ theo khoản 4 Điều 26 Điều lệ của HBC và Điều 160 của Luật doanh nghiệp, khó có chuyện “tạm hoãn” như Nghị quyết số 57 ký bởi ông Lê Viết Hải.

Về lý, cục diện dường như nghiêng về tân Chủ tịch HĐQT Nguyễn Công Phú và các thành viên ủng hộ, song quyền hành tại HBC về cơ bản vẫn nằm trong tay ông Lê Viết Hải.

Điều này phần nào thể hiện qua việc bộ phận truyền thông, quan hệ cổ đông và trang Fan Page Facebook chính thức của HBC đều đăng tải những nội dung cơ bản khẳng định ông Lê Viết Hải là Chủ tịch HĐQT, đại diện pháp luật công ty. Trong khi đó, các thông cáo của nhóm tân Chủ tịch Nguyễn Công Phú đều không được các bộ phận trên đăng tải, mà chỉ được công bố cho báo chí với tư cách cá nhân.

Thế trận ở Xây dựng Hòa Bình - Ảnh 1.

Bài đăng trên trang chủ HBC. Ảnh: Fan Page Facebook HBC.


Mặt khác, Ban Tổng Giám đốc của HBC ghi nhận có đến 5/7 Phó Giám đốc là người nhà và thuộc cấp lâu năm của ông Hải, gồm: Ông Lê Viết Hiếu, ông Trương Quang Nhật (gắn bó từ năm 1996), Nguyễn Tấn Thọ (gắn bó từ năm 1995), Dương Đình Thanh (gắn bó từ năm 2015), Nguyễn Hùng Cường (gắn bó từ năm 2007).

2 cá nhân còn lại gồm ông Lê Quốc Duy nằm trong nhóm phản đối như đã biết và ông Đinh Văn Thanh mới công tác tại HBC từ năm 2019 ở vị trí Giám đốc Hạ tầng HBC.

Hòa Bình Corp đang làm ăn thế nào?

Dưới sự lèo lái của doanh chủ Lê Viết Hải, HBC đã khẳng định tên tuổi trong lĩnh vực xây dựng dân dụng với nhiều công trình lớn trên địa bàn cả nước.

Tính toán cho thấy, doanh thu và lãi ròng HBC giai đoạn 2010-2021 tăng bình quân lần lượt 25%/năm và 57,6%/năm. Trong khi đó, bảng cân đối kế toán (giai đoạn 2020-9T2022) ghi nhận tổng tài sản và vốn chủ sở hữu HBC tăng lần lượt 22,7%/năm và 17%/năm.

Thế trận ở Xây dựng Hòa Bình - Ảnh 2.

Điểm trừ của HBC là khoản phải thu liên tục tăng. Hiểu cơ bản, HBC ghi nhận doanh thu/chi phí hợp đồng xây dựng qua ước tính và xác nhận từ khách hàng. Sự chênh lệch giữa tổng doanh thu và tiền thực thu được ghi nhận vào khoản phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng trên bảng cân đối kế toán hợp nhất. Chưa kể, HBC cũng được biết đến là đơn vị thực hiện chính sách “nới lỏng” tín dụng, chấp nhận thu hồi công nợ đối tác chậm hơn, giãn tiến độ thu nợ….

Không thể phủ nhận, đây là chiến lược hợp lý của HBC trong cuộc cạnh tranh với các “ông lớn” trong ngành xây dựng. Tuy vậy, khoản phải thu của HBC luôn chiếm từ gần 60%-72% tổng tài sản công ty. Điều này dẫn đến dòng tiền kinh doanh HBC ghi nhận âm trong hầu như các năm tài chính giai đoạn 2010-9T2022. Doanh nghiệp theo đó phải sử dụng dòng tiền đầu tư tài chính (vay nợ, phát hành/chào bán cổ phiếu) để bù đắp.

2 năm gần đây (2020-2022), khi lĩnh vực xây dựng và bất động sản gặp khó khăn (do giá nguyên liệu tăng, COVID-19, doanh nghiệp bất động sản khó huy động vốn….), việc hàng loạt chủ đầu tư không thể thanh toán tiền đã khiến HBC và nhiều doanh nghiệp xây dựng khác cũng rơi vào tình trạng khó chồng khó.

Dòng tiền kinh doanh âm trong khi vay tài chính ngân hàng tăng cao, cộng với phải thực hiện nhiều dự án, HBC gặp nhiều khó khăn trong việc xoay sở dòng tiền.

Ngoài ra, các khoản phải thu rất lớn 13.355 tỷ đồng tính tại thời điểm 30/9/2022 (6.164 phải thu ngắn hạn khách hàng; 5.116 phải thu theo tiến độ khách hàng hợp đồng xây dựng; 1.783 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác) cũng là áp lực không nhỏ của HBC, đặc biệt trong bối cảnh các chủ đầu tư, đối tác của HBC cũng đang gặp vấn đề về dòng tiền.

Chưa bàn sâu thêm các con số trên BCTC, tình hình khó khăn của HBC thể hiện rõ ràng qua việc doanh nghiệp gần đây buộc phải cắt giảm nhân sự, giảm tỷ lệ hiệu suất công việc và các khoản phụ cấp theo lương, ngừng áp dụng một số chế độ phúc lợi và khen thưởng….

Ai đang sở hữu HBC?

Theo dữ liệu, Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải là cổ đông lớn nhất tại HBC khi sở hữu 43,91 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 17,86% vốn công ty. Tính thêm các thành viên trong gia đình, con số này đạt hơn 22%. Cổ đông lớn còn lại là Huyndai Elevator Co., Ltd khi nắm 26,2 triệu cổ phiếu HBC, tỷ lệ 10,83%.

Giai đoạn 2019-2022, trong “cơn sóng” lớp lớp nhà đầu tư F0 gia nhập thị trường chứng khoán, cơ cấu cổ đông HBC đã được “pha loãng” đáng kể.

Có thể thấy, ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 (tổ chức vào tháng 9/2019) ghi nhận có 13.123 cổ đông đại diện 196 triệu cổ phiếu. Trong đó, có 466 cổ đông tham gia, tương đương tỷ lệ 63,31%.

4 năm sau (tính đến tháng 8/2022), ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 ghi nhận tổng số cổ đông tăng mạnh lên 47.822 cá nhân/tổ chức đại diện 245,6 triệu cổ phiếu, trong đó cuộc họp ghi nhận 329 cổ đông tham gia, tương ứng tỷ lệ tham dự giảm mạnh về 51,93%.

Theo Huy Ngọc

Nhịp Sống Thị Trường

Từ Khóa:
Trở lên trên