MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế trận trà sữa tại Việt Nam: Mixue cán mốc 1.000 cửa hàng sau 5 năm, TocoToco doanh thu thứ hai nhưng lỗ ba năm liên tiếp, Phê La tiên phong trào lưu trà sữa đậm vị

21-08-2024 - 11:45 AM | Doanh nghiệp

Đi kèm với tiềm năng tăng trưởng, thị trường trà sữa Việt Nam chứng kiến cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu nội và ngoại, giữa các hãng lâu năm hay các tân binh đang tấn công thị trường.

Báo cáo thực hiện bởi Momentum Works đầu năm 2023 cho thấy, cơn sốt trà sữa đã tạo ra một thị trường gần 3,7 tỷ USD tại khu vực Đông Nam Á. Trong đó, thị trường Việt Nam đứng thứ ba với quy mô hơn 360 triệu USD, tương đương hơn 8.500 tỷ đồng theo Momentum Works.

Để chia sẻ miếng bánh quy mô 360 triệu USD, theo Vietdata – tổ chức tư nhân chuyên về số liệu, phân tích về doanh nghiệp, kinh tế - tiềm năng luôn đi kèm với sự cạnh tranh khi thị trường luôn chứng kiến sự gia nhập của các thương hiệu mới. Sự cạnh tranh này ảnh hưởng đến sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của nhiều thương hiệu trong ngành.

Thế trận trà sữa tại Việt Nam: Mixue cán mốc 1.000 cửa hàng sau 5 năm, TocoToco doanh thu thứ hai nhưng lỗ ba năm liên tiếp, Phê La tiên phong trào lưu trà sữa đậm vị- Ảnh 1.

Mixue – mở rộng quy mô, doanh thu tăng gần gấp rưỡi

Đến tháng 4/2023, Mixue đã đạt mốc 1.000 cửa hàng tại Việt Nam trong chưa đầy 5 năm. Sản phẩm chủ lực của Mixue là trà sữa và kem, nổi bật với lợi thế cạnh tranh về giá, khoảng 25.000 - 35.000 đồng.

Theo đánh giá của Vietdata, Mixue có sự thay đổi linh hoạt tại Việt Nam, bởi khi thị trường trà sữa đạt đến ngưỡng bão hòa, hãng này liền chuyển sang kem tươi. Song song, Mixue cũng tinh gọn menu trà sữa, lấy yếu tố giá cạnh tranh đánh vào tệp khách hàng học sinh, sinh viên.

Nhờ vậy, hãng trà và kem đến từ Trung Quốc ghi nhận doanh thu gần 1.260 tỷ đồng, tăng hơn 160% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng tăng mạnh, tăng hơn 200% so với năm trước. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế cao hơn tốc độ tăng trưởng doanh thu thuần, cho thấy doanh thu từ nhượng quyền thương hiệu đang đóng góp rất lớn vào hiệu quả tài chính của công ty.

Thế trận trà sữa tại Việt Nam: Mixue cán mốc 1.000 cửa hàng sau 5 năm, TocoToco doanh thu thứ hai nhưng lỗ ba năm liên tiếp, Phê La tiên phong trào lưu trà sữa đậm vị- Ảnh 2.

TocoToco – doanh thu đứng thứ hai nhưng lỗ ròng 3 năm

TocoToco, ra mắt cửa hàng đầu tiên vào năm 2013 với hướng đi khác biệt, không sính ngoại với chủ trương ngay từ đầu là sử dụng nông sản Việt để làm đồ uống. Định vị thương hiệu là "trà sữa made in Việt Nam", TocoToco nhanh chóng phủ rộng điểm bán với hơn 700 cửa hàng trải dài từ Nam ra Bắc và sự hiện diện tại nhiều thị trường quốc tế như Mỹ, Australia và Nhật Bản.

Các chương trình khuyến mãi của TocoToco đa dạng, mang lại cho khách hàng nhiều cơ hội trải nghiệm đồ uống với mức giá ưu đãi. Các hình thức giảm giá được doanh nghiệp này thường xuyên áp dụng như mua 1 tặng 1, free trân châu, giảm giá trên tổng hóa và các voucher giảm giá. 

Ngoài chiến lược về giá, TocoToco luôn làm mới mình bằng những thiết kế bắt mắt, họa tiết đậm chất mùa lễ hội, giúp các tín đồ trà sữahào hứng hơn khi thưởng thức các sản phẩm tại cửa hàng.

Thế trận trà sữa tại Việt Nam: Mixue cán mốc 1.000 cửa hàng sau 5 năm, TocoToco doanh thu thứ hai nhưng lỗ ba năm liên tiếp, Phê La tiên phong trào lưu trà sữa đậm vị- Ảnh 3.

Dù doanh thu tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2021-2023, nhưng đến năm 2023, doanh thu thuần của Tocotoco năm 2023 chỉ đạt gần 380 tỷ đồng, giảm 17% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế lỗ cả năm 3 gần đây, đỉnh điểm là năm 2023.

"Đây đều là những tín hiệu cho thấy công ty đang gặp vấn đề về tình hình hoạt động. Chiến lược kinh doanh của Tocotoco cần phải được điều chỉnh lại", Vietdata viết trong báo cáo.

Hiện, Tocotoco đặt mục tiêu đạt 1.500 cửa hàng vào năm 2024, phủ kín mạng lưới toàn quốc và phát triển sang Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada,...

Phê La - tiên phong cho trào lưu trà sữa đậm vị

Tưởng chừng như thị trường trà sữa bắt đầu bão hòa, trà sữa đậm vị nổi lên như một "làn gió mới" tạo thành một trào lưu bùng nổ. Phê La là thương hiệu tiên phong cho trào lưu đó. Ra đời vào năm 2021, thương hiệu này nhanh chóng mở rộng lên 23 cửa hàng trên toàn quốc. Mỗi cửa hàng có diện tích vài trăm mét vuông, đặt tại những vị trí đắc địa ở Hà Nội và TP HCM.

Thế trận trà sữa tại Việt Nam: Mixue cán mốc 1.000 cửa hàng sau 5 năm, TocoToco doanh thu thứ hai nhưng lỗ ba năm liên tiếp, Phê La tiên phong trào lưu trà sữa đậm vị- Ảnh 4.

Quán nổi bật với việc sử dụng nguyên liệu nông sản Việt Nam, đặc biệt là trà Ô Long đặc sản từ Đà Lạt. Menu của Phê La khá đa dạng với sản phẩm được sử dụng nhiều phương pháp pha chế độc lạ nên mức giá cũng khá đắt rơi vào khoảng 40.000 - 60.000 đồng/ly. Gần đây, tháng 6/2024 Phê La thông báo mở quán từ 4h -23h để phục vụ các bạn trẻ đi uống trà sữa sáng sớm, đón bình minh thu hút được sự chú ý rất lớn từ những tín đồ trà sữa.

Trong năm 2023, Phê La đạt doanh thu gần 300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt cả chục tỷ đồng. Vietdata đánh giá, đây là những tín hiệu khởi đầu tích cực, cho thấy Phê La có tiềm năng lớn để tiếp tục tăng trưởng và phát triển bền vững trong tương lai.

Theo Thảo Vân

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên