Thêm 1 DN dệt may “bi thảm” sau cú đấm của “gã khổng lồ” Amazon: Thua lỗ kỷ lục, vừa “bán mình” cho một công ty 2 tháng tuổi
Biến động cổ đông lớn và thượng tần diễn ra trong bối cảnh kinh doanh đang sa sút.
- 13-06-2024Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa họp bàn tháo gỡ vướng mắc cho dự án có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ của Hóa chất Đức Giang (DGC)
- 13-06-2024Vụ tập đoàn Phúc Sơn của Hậu 'pháo' và dự án 10000 tỷ đình đám Nha Trang: Ai đã mua đất liên hệ ngay CQĐT
Sau khi toàn bộ HĐQT, Ban Kiểm soát nộp đơn từ nhiệm sau biến động cổ đông, CTCP Giày da và May mặc Xuất khẩu (Legamex, mã chứng khoán LGM) vừa đón chào nhóm cổ đông mới là một doanh nghiệp "2 tháng tuổi", CEO khá trẻ khi sinh năm 1992.
Cụ thể, ngày 10/5, nhóm cổ đông lớn gồm 5 cá nhân nắm giữ tổng cộng 72,67% vốn LGM đã chuyển nhượng toàn bộ, qua đó thoái sạch vốn khỏi Legamex. Cụ thể có bà Dư Nguyễn Khánh Linh đã chuyển nhượng gần 1,69 triệu cổ phiếu LGM, (tương đương 22,77% vốn); ông Đỗ Văn Huy chuyển nhượng gần 1,66 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 22,41% vốn); bà Bùi Thị Thủy Chung chuyển gần 1,34 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 18,08% vốn) và ông Nguyễn Hoàng Vi chuyển 696.000 cổ phiếu (tỷ lệ 9,41% vốn).
Chiều ngược lại, Công ty Hà Nam nhận chuyển nhượng gần 5,4 triệu cổ phiếu (72,67% vốn LGM). Công ty này chưa từng không sở hữu cổ phiếu LGM nào trước đó.
Phiên giao dịch ngày 10/5, thị trường ghi nhận gần 5,4 triệu cổ phiếu LGM giao dịch thỏa thuận, bằng đúng lượng nêu trên. Giá chuyển nhượng là 15.000 đồng/cp, tương đương giá trị thương vụ hơn 81 tỷ đồng.
Đáng nói, Công ty Hà Nam chỉ mới được thành lập vào ngày 25/3/2024, địa chỉ tại 265 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, quận 3, Tp.HCM; hoạt động chính trong lĩnh vực hoạt động tư vấn quản lý.
Hà Nam có vốn điều lệ 90 tỷ đồng; do ông Đỗ Văn Huy sở hữu 80% vốn (tương ứng góp 72 tỷ đồng) và bà Bùi Thị Thủy Chung sở hữu 20%. Ông Đỗ Văn Huy, sinh năm 1992, đang làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật Công ty.
Được biết, Công ty Hà Nam đã được ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LGM (diễn ra ngày 25/4) chấp thuận việc nhận sở hữu cổ phần mà không phải chào mua công khai, căn cứ thư kiến nghị ngày 2/4 của nhóm cổ đông lớn sở hữu 72,67% vốn.
Đầu năm nay, LGM gây chú ý khi công bố quyết định về việc miễn nhiệm toàn bộ các thành viên HĐQT và kiểm soát viên theo đơn miễn nhiệm, bao gồm ông Lê Xuân Khanh – Chủ tịch HĐQT; bà Nguyễn Thị Diễm My – Thành viên HĐQT; ông Phạm Ngọc Hiếu – Trưởng Ban kiểm soát; ông Lâm Thanh Xuân – Thành viên ban kiểm soát và bà Tạ Thị Hồng Thắm – thành viên ban kiểm soát.
Trong đó, 5 cá nhân nộp đơn từ nhiệm đều là người có liên quan tại CTCP Dệt may Gia Định (Giditex). Động thái từ nhiệm của dàn lãnh đạo Legamex diễn ra sau khi Giditex đã thoái toàn bộ vốn tại LGM. Từ 25/12/2023 đến 2/1/2024, Giditex đã bán ra toàn bộ gần 1,9 triệu cổ phiếu LGM (tỷ lệ sở hữu 25,5%) bằng phương thức khớp lệnh tập trung liên tục. Ước tính theo mức giá 15.000 đồng/cp được giữ nguyên suốt giai đoạn này của LGM, Giditex đã thu về khoảng 28,3 tỷ đồng.
Trước đó, Giditex cũng từng bán ra gần 1,9 triệu cổ phiếu LGM giảm sở hữu từ 51% xuống 25,5% vốn vào ngày 15 - 20/6/2023. Ngoài LGM, Giditex còn đăng ký bán hơn 3,3, triệu cổ phiếu GMC của CTCP Garmex Sài Gòn (tỷ lệ sở hữu 10,1%) nhưng không thành công do không đạt được mức giá theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Và Giditex đã thoái sạch vốn tại Bông Bạch Tuyết (BBT) từ 17-20/7/2023.
Trở lại với LGM, biến động cổ đông lớn và thượng tần diễn ra trong bối cảnh kinh doanh đang sa sút.
Legamex cũng là một trong những DN chịu hệ luỵ của "cú giáng" gã khổng lồ Amazon. Tương tự Garmex Sài Gòn, LGM từ cuối năm 2022 đối mặt với tình trạng đứt gãy đơn hàng gia công tủ vải cho Gilimex.
Gilimex là doanh nghiệp dệt may lớn, đang trên đà ăn nên làm ra. Tình hình bất ngờ trở nên khó khăn sau khi Gilimex khởi kiện gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon Robotics LLC vào cuối năm 2022 do vi phạm cam kết mà hai bên đã thỏa thuận. Kể từ đó, kinh doanh của Gilimex và cả các bên liên đới như Garmex Sài Gòn, LGM liên tục sa sút.
Năm 2023, lãi ròng của Gilimex tiếp tục giảm tới 92% và dòng tiền kinh doanh ghi nhận mức âm kỷ lục (-319 tỷ đồng). Còn Garmex Sài Gòn thê thảm hơn, không có đơn hàng dẫn đến thua lỗ kỷ lục, cắt giảm 4.000 nhân sự, ráo riết bán đất đai tài sản…
Về phía LGM, đối mặt với sự cố từ Gilimex, Công ty tập trung chuyển đổi toàn bộ nguồn lực sang sản xuất gia công may mặc thời trang. Song, do năng suất sản xuất thấp, doanh thu không đủ bù lương và các khoản phúc lợi của sản xuất khiến lợi nhuận gộp âm.
Năm 2023, doanh thu của LGM chỉ đạt hơn 31 tỷ đồng, giảm đến 76% so với năm trước. Đây là năm thứ 5 LGM lỗ liên tiếp, với mức lỗ kỷ lục gần 63 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2023 lên trên 133 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm gần 46 tỷ đồng.
Năm 2024, LGM đặt mục tiêu tổng doanh thu và thu nhập hơn 56,6 tỷ đồng, dự kiến lỗ gần 41 tỷ đồng, trên cơ sở duy trì các đơn hàng may mặc hiện có, giữ chân người lao động và chờ thị trường dệt may hồi phục.
An ninh Tiền tệ