Thêm 1 ngôi nhà tại phố cổ Hội An của “đại gia du lịch” bị ngân hàng thu giữ để thu hồi nợ
Ngân hàng Agribank Chi nhánh Nhà Bè vừa thông báo về việc thu giữ tài sản đảm bảo là quyền sử dụng 200m2 đất ở lâu dài và tài sản gắn liền với đất của CTCP Đầu tư Quản lý Khách sạn Đông Dương (Công ty Đông Dương).
Theo đó, tài sản bị thu giữ là bất động sản có vị trí tại thửa đất số 25E - tờ bản đồ số 33, phường Tân An, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Đây là tài sản được dùng làm tài sản bảo đảm khoản vay của Công ty TNHH Tư vấn Di trú Thành Tín (Công ty Thành Tín) tại Agribank Chi nhánh Nhà Bè theo hợp đồng bảo đảm tiền vay ký năm 2018 giữa Agribank Chi nhánh Nhà Bè (bên nhận bảo đảm) với Công ty Đông Dương (bên bảo đảm) và Công ty Thành Tín.
Mới đây, hồi cuối tháng 1/2024, Agribank Chi nhánh Nhà Bè cũng đã thông báo thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý thu hồi nợ là quyền sử dụng đất đối với khu đất diện tích 168m2 tại thôn 5, xã Cẩm Thanh, TP. Hội An.
Chủ sở hữu tài sản là Công ty TNHH TM DV Du lịch Nguyên Khang (Công ty Nguyên Khang) và được dùng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty Thành Tín tại Agribank Nhà Bè theo hợp đồng tín dụng ký kết năm 2018.
Trước đó, Ngân hàng Agribank đã liên tiếp thông báo bán đấu giá 11 căn nhà tại trung tâm TP. Hội An. Trong số đó, có tài sản diện tích lên tới hơn 340m2. Giá đấu khởi điểm các tài sản này thấp nhất là 8,5 tỷ đồng và cao nhất lên tới 71,179 tỷ đồng. Tổng giá trị của 11 tài sản đảm bảo (tính theo giá khởi điểm) lên tới hơn 252 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp, cá nhân có tài sản cầm cố gồm: Công ty Đông Dương (2 căn), Công ty Đại Bảo Nga (3 căn), Công ty Thiên Nhật Việt (4 căn), Công ty Trọng Nhân (1 căn) và cá nhân bà Phạm Quế Anh (1 căn).
Không chỉ Agribank, Ngân hàng VietinBank cũng phải rao bán loạt khách sạn hạng sang và bất động sản du lịch tại Hội An.
Cụ thể, VietinBank đã từng rao bán khách sạn 4 sao và quyền sử dụng đất có diện tích hơn 1.000m2 với giá 120 tỷ đồng, một bất động sản khác diện tích trên 1.700m2 được rao bán tới 240 tỷ đồng để thu hồi nợ… Một khách sạn 4 sao khác có diện tích trên 1.800 m2 được rao bán 420 tỷ đồng.
Ngoài ra ngân hàng này cũng rao bán khoảng 35 tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và biệt thự, nhà hàng, khách sạn 3-4 sao trị giá từ vài chục tỷ đồng đến vài trăm tỷ đồng. Như ở TP. Hội An, một bất động sản là biệt thự 3 sao có diện tích 686m được rao bán 110 tỷ đồng; nhiều khách sạn 3 sao, nhà hàng, homestay khác ở TP. Hội An cũng được rao bán từ 33-40 tỷ đồng.
Trong những năm gần đây, ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố tiêu cực, tại Hội An chứng kiến làn sóng tháo chạy khỏi ngành lưu trú ồ ạt. Không chỉ chủ sở hữu các villa, homestay quy mô nhỏ ở vùng ven mà rất nhiều khách sạn lớn cũng lần lượt được chủ sở hữu rao bán và bị ngân hàng phát mãi tài sản.
Dù đã hạ giá nhiều lần, nhưng việc thanh lý tài sản để xử lý nợ cũng không dễ dàng. Nhiều khách sạn đỉnh điểm giá 200 - 300 tỉ đồng nhưng nay thậm chí hạ xuống 2/3 giá vẫn không có người mua.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, nguyên nhân một phần do khách quan, điều kiện của thị trường và nền kinh tế thời gian qua còn nhiều khó khăn. Phần khác do việc định giá phát mãi tài sản không dựa theo giá trị thực tế mà tính cả gốc và lãi nên việc bán các tài sản này ngày càng khó.
Bên cạnh đó, Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh còn chỉ ra rằng phần lớn các bất động sản phát mại đều có giá trị rất lớn từ vài chục đến cả trăm tỷ đồng nên tính thanh khoản sẽ không cao. Chưa kể nếu tài sản là máy móc, thiết bị, nhà xưởng... gắn liền với bất động sản thì qua thời gian sẽ còn bị xuống cấp, khó hấp dẫn người mua. Thêm nữa, những nguy cơ rủi ro pháp lý cùng các thủ tục xử lý tài sản phức tạp cũng gây tâm lý e ngại cho người mua.