MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm áp lực cạnh tranh cho các hãng xe Việt theo lộ trình FTA

25-05-2024 - 19:05 PM | Thị trường

Theo đại diện VAMA, việc ký kết các FTA sẽ là một cơ hội rất lớn cho thị trường ô tô để có thể da dạng hóa sản phẩm và mang lại nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng Việt. Tuy nhiên, cũng đặt ra không ít thử thách, cạnh tranh mới.

Thông tin được bà Nguyễn Ánh Tuyết, Trưởng tiểu ban Hải quan thuộc VAMA chia sẻ tại Tọa đàm Công nghiệp ô tô Việt Nam thực hiện Hiệp định Thương mại tự do: Phát triển theo hướng nào?”. Theo bà Tuyết, Việt Nam đã tham gia và ký kết 16 FTA, trong đó có nhiều FTA đã cam kết về ô tô nguyên chiếc và có lộ trình giảm thuế nhập khẩu của xe ô tô nguyên chiếc về 0%, điển hình là ATIGA 0% từ năm 2018; UK/EVFTA 0% từ năm 2028; CPTPP 0% từ 2027/MX 0% 2028.

Thêm áp lực cạnh tranh cho các hãng xe Việt theo lộ trình FTA- Ảnh 1.

Toàn cảnh Tọa đàm Công nghiệp ô tô Việt Nam thực hiện Hiệp định Thương mại tự do: Phát triển theo hướng nào.

"Đây là một cơ hội rất lớn cho thị trường ô tô để có thể đa dạng hóa sản phẩm và mang lại nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên trong thực tế, ngay sau khi cam kết bỏ thuế xuất nhập khẩu từ các nước ASEAN, nhiều sản phẩm sản xuất trong nước đã không cạnh tranh nổi với sản phẩm đến từ các quốc gia ASEAN như Thái Lan và Indonesia và đã được thay thế bởi sản phẩm nhập khẩu".

Nhờ việc thực hiện các cam kết của Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với lộ trình giảm mạnh thuế nhập khẩu, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ EU về Việt Nam sẽ giảm khoảng 6,4%/năm, liên tục trong vòng 10 năm. Năm 2024, thuế nhập khẩu được áp dụng là 38,1%. Dự kiến đến năm 2030, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ EU xuống còn 0%. Điều này cũng làm các doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam ngày càng gặp nhiều áp lực để duy trì sản xuất và duy trì được thị phần trong các phân khúc đang có hiện diện.

Thêm áp lực cạnh tranh cho các hãng xe Việt theo lộ trình FTA- Ảnh 2.

Tham gia các FTA bên cạnh cơ hội cũng khiến doanh nghiệp sản xuất ôtô Việt Nam ngày càng gặp nhiều áp lực về cạnh tranh.

Cũng chia sẻ tại sự kiện, TS. Lê Huy Khôi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công thương (Bộ Công thương), hiện nay các chính sách về thuế quan, hành lang pháp lý trong lĩnh vực ô tô và linh kiện, phụ tùng nhập khẩu chưa thực sự cân bằng giữa các thị trường và đang tạo ra các thách thức. Doanh số năm 2023 giảm mạnh khiến thị trường Việt Nam rơi xuống vị trí thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á về lượng ô tô tiêu thụ. "Từ góc độ xuất khẩu. Thị trường EU là thị trường có tiêu chuẩn cao, khoảng cách địa lý khá xa Việt Nam, vì vậy cơ hội xuất khẩu sẽ khó thành hiện thực nếu doanh nghiệp không đủ năng lực tham gia mạng lưới cung ứng trong lĩnh vực ô tô, xe máy, và khả năng cạnh tranh cao.

Việt Nam cần phát triển ngành công nghiệp ô tô trên cơ sở đi tắt, đón đầu các xu hướng của thế giới. Cụ thể, cần chuyển dịch mạnh mẽ về sản xuất và tiêu dùng từ xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe tiết kiệm nhiên liệu, xe điện hoá, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh. Điều này, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải CO2 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Còn ông Dương Bá Hải, Phó Trưởng phòng Phòng Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) nhận định, việc tham gia các FTA ngoài mang lại cơ hội cũng khiến các doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam ngày càng gặp nhiều áp lực về cạnh tranh.

Vì vậy, việc xây dựng các chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô nói chung, xe ô tô điện hóa nói riêng trong thời gian tới cần được nghiên cứu thận trọng và kỹ lưỡng, cần bám sát vào các định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó có sự kết hợp hài hòa, đồng bộ của nhiều chính sách có liên quan (bao gồm chính sách tài chính, chính sách đầu tư, quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng...).

Theo Anh Nguyễn (tổng hợp)

Đời sống & Pháp luật

Trở lên trên