MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm "cần câu" hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh tế

Theo các chuyên gia, để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 58/2023 của Chính phủ về giải pháp hỗ trợ DN phục hồi và phát triển bền vững đến năm 2025, cần thêm "cần câu".

Sau đại dịch Covid-19, DN Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới bởi tác động tiêu cực từ những yếu tố bất lợi từ bên ngoài cũng như nội tại. Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen.

Nhằm hỗ trợ các DN Việt Nam chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững, ngày 21/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghi quyết số 58, đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ giảm chi phí cho DN tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi trong ngắn hạn. Theo các chuyên gia, để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 58/2023 của Chính phủ về giải pháp hỗ trợ DN phục hồi và phát triển bền vững đến năm 2025, cần thêm "cần câu".

Một con số đáng chú ý từ khảo sát của Hiệp hội DNNVV Việt Nam, tại thời điểm đầu tháng 6/2023, có tới 80% DN đang gặp khó khăn. Hiện nay, trong tổng số hơn 815.000 DN đã được thành lập và hoạt động, số DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm hơn 93%. Đây là đối tượng cần được hỗ trợ, khuyến khích phát triển, đồng thời cũng là nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài cho ngân sách nhà nước, nhưng vẫn đang chịu mức thuế thu nhập 20% như các loại hình DN khác.

Thêm "cần câu" hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh tế - Ảnh 1.

Nghi quyết số 58, đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ giảm chi phí cho DN tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi trong ngắn hạn.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, các DN hiện nay đang đối mặt với 3 nhóm khó khăn lớn nhất là dòng tiền, đây là vấn đề rất quan trọng và thứ hai là khó khăn về thị trường. “Yếu tố đầu ra là cực kỳ quan trọng, trong bối cảnh DN chưa có nhiều chuyển biến lại phải cạnh tranh thế giới nhiều hơn, hàng rào kỹ thuật nhiều hơn. Thị trường hiện nay đối với DN là vấn đề sống còn. Vấn đề thứ ba là vấn đề lãi suất vay lên tới 14% trong khi chỉ cần lãi suất trên 10% DN đã không thể chịu nổi”, TS. Nguyễn Minh Phong chỉ ra.

Từ thực tế hoạt động của DN sản xuất, ông Trần Văn Lê, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và cơ điện Phương Linh nêu ý kiến, việc triển khai các chính sách còn tắc nghẽn rất nhiều nhất là sự minh bạch. Từ các chủ thể là người thực thi chính sách và những nguời thụ hưởng còn khoảng cách khá xa, nên cần hỗ trợ để DN có thể tham gia vào những dự án lớn.

Khó khăn được nhiều DN, hộ sản xuất đề cập đến nhất đó là liên quan đến thủ tục hành chính, tiếp theo là đối tượng được nhận hỗ trợ, thông tin hỗ trợ, sự phù hợp về biện pháp hỗ trợ và quy mô và ưu đãi của các hỗ trợ. Hiện nay vẫn còn nhiều DN chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ. Điều này cho thấy, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương là chưa đồng bộ, cần được khắc phục trong thời gian tới, bởi việc hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình hiện nay yêu cầu cấp bách.

Ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân cho rằng, trên thực tế, việc ban hành các chính sách hỗ trợ DN thời gian qua rất kịp thời, nhưng để các chính sách đó nhanh chóng đi vào thực tiễn là vấn đề đang được đặt ra. “Từ những chính sách của Đảng và Nhà nước đi đến thực tiễn phải có những hướng dẫn cụ thể. Thứ hai là cán bộ công chức, những người thực hiện từ cán bộ cơ sở cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, vì đó là những người gần DN nhất. Cùng với đó, những chính sách của Bộ, ban ngành thể chế hóa phải phù hợp và dài hạn”, ông Huân đề xuất.

Thêm "cần câu" hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh tế - Ảnh 2.

Chính sách hỗ trợ DN nhanh chóng đi vào thực tiễn là vấn đề đang được đặt ra.

Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị, cần rà soát toàn diện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đang được triển khai để kịp thời bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế. Như đối với hỗ trợ nhà ở cho công nhân, theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đưa ra gói giảm lãi suất 2% cho DN vay xây nhà cho công nhân và 15.000 tỷ đồng cho công nhân vay mua nhà ở xã hội qua Ngân hàng chính sách.

“Gói giảm lãi suất 2% hiện mới giải ngân được gần 1% và 15.000 tỷ giải ngân được trên 34%. Bây giờ Chính phủ lại giao tiếp gói 120.000 tỷ và 3 gói tín dụng này đều kết thúc vào cuối năm 2023. Hai gói tín dụng trước chúng ta còn chưa hấp thụ hết, liệu gói 120.000 tỷ có khả thi hay không? Trong khi Luật đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở đang sửa và quy hoạch chưa phê duyệt xong. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ gồm 3 gói hỗ trợ thành 1 và đề xuất cho kéo dài đến hết năm 2025 mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ mà Chính phủ đề ra mới có thể hoàn thành”, Đại biểu Trần Thị Vân, đoàn Bắc Ninh đề xuất ý kiến./.

Theo Thành Trung

VOV

Trở lên trên