Thêm cơ hội tiếp cận tín dụng
NHNN định hướng tín dụng tăng 12% trong năm nay. Tuy nhiên nhiều dự báo cho thấy, tín dụng có thể sẽ vượt mục tiêu này. Điều này tạo thêm cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.
Mặc dù NHNN vẫn chưa công bố số liệu về tăng trưởng tín dụng tháng 1/2021, nhưng lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, tín dụng đã tăng trưởng tích cực ngay từ tháng đầu năm nay khi mà hoạt động sản xuất, kinh doanh đang có dấu hiệu phục hồi.
Khởi sắc từ đầu năm
Kết quả cuộc điều tra mới đây của NHNN cho thấy, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã nâng dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng trong quý 1 và cả năm 2021, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng tăng nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán. Theo đó, các TCTD dự báo tín dụng sẽ tăng 3,6% trong quý 1/2021, cao gấp gần 3 lần mức tăng 1,3% của cùng kỳ năm trước.
Cơ sở cho dự báo này, bên cạnh những tín hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế, còn nhờ các TCTD đã và dự kiến tiếp tục cắt giảm lãi suất biên và các phí phi lãi suất trong 6 tháng cuối năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 để hỗ trợ, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng. Theo đó, các TCTD kỳ vọng mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong quý 1/2021, với mức giảm bình quân kỳ vọng là 0,05-0,16 điểm phần trăm so với cuối năm 2020. Bên cạnh đó, các TCTD còn dự kiến tiếp tục "nới lỏng nhẹ" tiêu chuẩn tín dụng đối với các nhóm khách hàng.
Tín dụng chảy vào sản xuất, kinh doanh
VNDirect và một số tổ chức khác cũng dự báo tăng trưởng tín dụng đạt 13-14% trong năm 2021. Dự báo này hoàn toàn có cơ sở khi mà năm 2020, mặc dù nền kinh tế chịu tác động tiêu cực từ COVID-19, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 2,91%, nhưng tín dụng cả năm vẫn tăng 12,16%. Năm nay, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo có thể cao hơn mục tiêu 6% mà Quốc hội đã đề ra. Kinh tế phục hồi, chắc chắn tăng trưởng tín dụng sẽ khởi sắc hơn.
Năm nay, các TCTD dự kiến sẽ tiếp tục cho vay các lĩnh vực có tiềm năng phục hồi tăng trưởng mạnh như: Bán buôn bán lẻ (55,8- 57,7%); Xuất nhập khẩu (54,8- 56,7%); Phục vụ nhu cầu đời sống (44,2- 45,2%); Xây dựng (38,5- 44,2%)…
Theo các chuyên gia, khi tín dụng vượt mục tiêu, dòng vốn sẽ chảy mạnh hơn vào sản xuất kinh doanh bởi quan điểm của NHNN vẫn là khuyến khích tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, trong khi kiểm soát chặt tín dụng đổ vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán. Tuy nhiên, để tiếp cận được tín dụng, các doanh nghiệp phải đáp ứng được các tiêu chuẩn mà phía ngân hàng đặt ra, cho dù điều kiện được dự báo sẽ nới lỏng hơn.
Diễn đàn doanh nghiệp