Thêm dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc bất ổn vì ngấm đòn chiến tranh thương mại
Lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc đã suy yếu từ 6 tháng cuối năm 2018 trong bối cảnh nền kinh tế giảm tốc và xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang khiến rất nhiều doanh nghiệp phải trì hoãn quyết định và giảm bớt đầu tư.
- 27-07-2019Kinh tế Trung Quốc giảm tốc, đây là 3 nước chịu tổn thương nhiều nhất
- 27-07-2019Sự úa tàn của các start-up công nghệ tỷ USD Trung Quốc, vì đâu nên nỗi?
- 26-07-2019Chuỗi cung ứng toàn cầu có sự biến chuyển theo mỗi ngành khác nhau: Các công ty dần dần rời khỏi Trung Quốc - vị trí dẫn đầu đang bị lu mờ, những quốc gia thắng "đậm" nhất là Việt Nam, Campuchia và Mexico
Sau khi tăng trưởng trong tháng trước, chỉ số lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc đã suy giảm trong tháng 6, làm dấy lên lo ngại rằng khu vực sản xuất suy yếu vì chịu những tác động của chiến tranh thương mại sẽ kéo lùi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo báo cáo vừa được Tổng cục thống kê Trung Quốc công bố, lợi nhuận công nghiệp tháng 6 sụt giảm 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 601,9 tỷ nhân dân tệ (tương đương 87,5 tỷ USD). Tháng 5 chỉ số này tăng trưởng 1,1%.
Trong 6 tháng đầu năm các doanh nghiệp công nghiệp đạt lợi nhuận 2,98 nghìn tỷ nhân dân tệ, giảm 2,4% so với 1 năm trước. Chỉ số 5 tháng đầu năm cũng giảm 2,3%.
Lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc đã suy yếu từ 6 tháng cuối năm 2018 trong bối cảnh nền kinh tế giảm tốc và xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang khiến rất nhiều doanh nghiệp phải trì hoãn quyết định và giảm bớt đầu tư.
Quý II, GDP Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất gần 30 năm.
Lợi nhuận công nghiệp sụt giảm trong 6 tháng đầu năm chủ yếu là do các ngành ô tô, lọc hóa dầu và thép. Lợi nhuận của các công ty viễn thông và các nhà sản xuất thiết bị điện – vốn bị ảnh hưởng mạnh bởi thuế quan của Mỹ - giảm 7,9%.Trong khi đó lợi nhuận của các ngành sản xuất vật liệu xây dựng và máy móc giúp giảm bớt đà suy yếu.
Lợi nhuận của các tập đoàn nhà nước giảm 8,7% trong khi của các doanh nghiệp tư nhân tăng 0,6%.
Tính đến cuối tháng 6, nợ phải trả của các doanh nghiệp công ty tăng 5,6% so với 1 năm trước.
Chỉ số giá sản xuất tháng 6 gần như đi ngang so với 1 năm trước, khiến nhiều người lo ngại về tình trạng giảm phát – điều có thể khiến giới chức Trung Quốc ngay lập tức triển khai các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn.
Thứ 3 tuần sau (29/7), các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc sẽ có cuộc họp lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình nhất trí nối lại đàm phán để chấm dứt cuộc chiến thương mại đã kéo dài hơn 1 năm.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đánh thuế lẫn nhau hàng trăm tỷ USD hàng hóa, khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn và thị trường tài chính quốc tế nhiều phen chao đảo.