MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm đề xuất về "3 tại chỗ"

16-08-2021 - 07:36 AM | Doanh nghiệp

Cho phép công nhân đi làm và về nhà có kiểm soát là yêu cầu cấp thiết để doanh nghiệp tiếp tục sản xuất

Là công ty chế biến điều xuất khẩu nằm trong tốp đầu của Hiệp hội Điều Việt Nam nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, doanh nghiệp (DN) chúng tôi vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Để sản xuất không bị gián đoạn và duy trì công ăn việc làm cho người lao động, công ty đã bố trí cho công nhân sản xuất "3 tại chỗ" ngay khi chính quyền địa phương có yêu cầu. Thời điểm đó, để thuyết phục công nhân ở lại nhà máy làm việc là cả một vấn đề. Bởi lẽ, đa số họ là lao động nữ, cũng là người dân địa phương (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nơi công ty đặt nhà máy sản xuất điều xuất khẩu. Nhiều người có gia đình, con cái nên không thể ép họ ở lại nhà máy thời gian dài được.

Chúng tôi hứa là nếu trong 4 tuần, tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, địa phương tiếp tục giãn cách xã hội, công ty sẽ dừng "3 tại chỗ" và cho công nhân về nhà. Cuối tuần vừa rồi là hết 28 ngày nên công ty quyết định cho công nhân nghỉ. Đã hứa thì phải giữ lời, họ đã cùng nhau sản xuất suốt cả tháng trời cũng là sự hy sinh, đóng góp với công ty rồi.

 Thêm đề xuất về 3 tại chỗ  - Ảnh 1.

Công nhân Công ty TNHH Cao Phát đang sản xuất tại nhà máy khi giãn cách xã hội

Lúc này, nhìn lại 1 tháng triển khai "3 tại chỗ", chúng tôi mới thấy khó khăn của công ty cũng là khó khăn chung của các DN ngành điều khi thực hiện mô hình này. Bởi lẽ, hầu hết DN ngành điều đều đặt nhà máy ở vùng nông thôn (vùng nguyên liệu) nên sử dụng lao động tại chỗ là chủ yếu. Người lao động nông thôn chủ yếu là nữ, vướng bận chuyện gia đình, con cái nên không có thói quen ở xa nhà như ở thành phố hay khu công nghiệp. Vì vậy, DN không thể duy trì "3 tại chỗ" quá lâu.

Một vấn đề khác, trước khi địa phương áp dụng Chỉ thị 16, công ty tôi có hơn 650 lao động, lúc áp dụng "3 tại chỗ" chỉ còn 320 lao động đồng ý ở lại nhà máy ăn ngủ, làm việc nên công suất giảm hơn 50%, dẫn đến không kịp tiến độ giao hàng cho các hợp đồng đã ký kết. Chưa kể, tâm lý không thoải mái nên năng suất lao động của công nhân cũng giảm đáng kể. Công suất giảm mạnh dẫn đến chậm tiến độ giao hàng, khách hàng có quyền hủy đơn hàng và yêu cầu chúng tôi đền bù. Một số khách hàng chấp nhận giao hàng trễ nhưng bắt công ty phải gánh chịu phần chi phí vận chuyển quốc tế trong lúc cước vận tải biển đang rất cao.

Ngoài ra, công ty phải lo rất nhiều thứ - từ chỗ ăn, chỗ ngủ đến ăn uống, điện nước, vệ sinh, giặt giũ... và cả chi phí xét nghiệm nhanh 3 ngày/lần (238.000 đồng/người) - tính ra gần 300.000 đồng/ngày cho mỗi công nhân để ở lại nhà máy làm việc. Chi phí này gần bằng với mức lương hằng ngày của công nhân nhưng hiệu quả mang lại rất thấp. Chưa hết, cuộc sống của người lao động và hoạt động của DN gần như bị đảo lộn hoàn toàn, nên chúng tôi xem "3 tại chỗ" chỉ là cách cầm cự để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng chứ không đạt hiệu quả như mong muốn.

Thời điểm hiện tại, khi công ty tạm ngừng sản xuất, thiệt hại còn lớn hơn do vẫn phải trả nợ ngân hàng, đóng bảo hiểm xã hội, y tế, bảo hiểm tai nạn cho công nhân viên, tốn phí lưu bãi container, xử lý hàng tồn kho... Song, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác.

Do đó, chúng tôi kiến nghị chính quyền tạo điều kiện cho DN, đặc biệt là các DN ở "vùng xanh", tạm ngừng mô hình "3 tại chỗ", cho phép người lao động chỉ được di chuyển từ nhà đến nhà máy và ngược lại. DN chịu trách nhiệm giám sát cung đường của người lao động và cam kết với chính quyền. Bên cạnh đó, nới thời gian xét nghiệm nhanh Covid-19 từ 3 ngày lên 7 ngày và cho phép test mẫu gộp, mẫu đại diện tầm 30% tổng lao động (hiện DN đã cho công nhân test 7-8 lần). Đặc biệt, cần ưu tiên tiêm vắc-xin cho người lao động ngành điều để hoạt động sản xuất được liên tục, tránh đứt gãy đơn hàng với đối tác.

Mới đây, khi có thông tin cho phép địa phương và DN quyết định về “3 tại chỗ”, chúng tôi có liên hệ với Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị được thực hiện theo mô hình mới này nhưng huyện nói không thể giải quyết mà phải chờ xin ý kiến từ tỉnh.

Theo Cao Thúc Uy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cao Phát

Người Lao động

Trở lên trên