Thêm gọng kìm chống chuyển giá
Lần đầu tiên chống chuyển giá trở thành một nội dung trong pháp luật về quản lý thuế, song nghị định hướng dẫn chưa được ban hành kịp thời có thể khiến việc thực thi bị chậm một bước.
- 04-07-2020Ngành thuế xử lý hơn 11.000 tỷ đồng từ chống chuyển giá
- 16-06-2020Chống chuyển giá doanh nghiệp FDI cần Kiểm toán Nhà nước vào cuộc
- 14-01-2020Cách nào chống các 'ông lớn' FDI chuyển giá, trốn thuế?
Chỉ ít tháng trước khi Luật Quản lý thuế có hiệu lực vào ngày 1-7 vừa qua, Tổng cục Thuế công bố thông đến vi phạm kê khai thuế của 2 đại gia có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là Coca-Cola và Heineken. Coca-Cola Việt Nam bị truy thu và xử phạt 821 tỉ đồng, còn Heineken Việt Nam bị truy thu hơn 916 tỉ đồng với các vi phạm của mình. Tình trạng thất thoát nguồn thu từ khối FDI khiến cơ quan quản lý mong muốn có một đạo luật đủ mạnh và chặt chẽ để trở thành công cụ hữu hiệu nhằm chống chuyển giá.
Nhiều quy định tiến bộ
Nhận xét về các quy định trong Luật Quản lý thuế, chuyên gia thuế Chung Thành Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Kế toán Đồng Hưng, bày tỏ tâm đắc khi trong luật này, nguyên tắc quản lý thuế đã theo thông lệ quốc tế và thực hiện đúng định hướng cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại. "Tôi đánh giá cao nguyên tắc xác định vụ việc theo bản chất hoạt động, tức là giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế chứ không phải giấy tờ, hình thức có giá trị quyết định. Nói nôm na là cơ quan thuế sẽ đánh giá nghĩa vụ thuế của đối tượng nộp thuế dựa trên kiểm soát giao dịch của họ chứ không phải dựa trên chứng từ họ đưa ra, bởi chứng từ là thứ có thể gian lận" - ông Tiến chỉ rõ.
Coca-Cola Việt Nam từng bị truy thu và xử phạt 821 tỉ đồng với các vi phạm về kê khai thuế Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Luật Quản lý thuế cũng lần đầu tiên quy định nguyên tắc kê khai, xác định thuế đối với giao dịch liên kết. Cụ thể, kê xác định giá giao dịch liên kết theo nguyên tắc phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế để xác định nghĩa vụ thuế phải nộp như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập. Ngoài ra, giá giao dịch liên kết được điều chỉnh theo giao dịch độc lập để kê khai, xác định số tiền thuế phải nộp theo nguyên tắc không làm giảm thu nhập chịu thuế. Đặc biệt, việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế được thực hiện trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế, sự thống nhất giữa cơ quan thuế và người nộp thuế theo thỏa thuận đơn phương, song phương và đa phương giữa cơ quan thuế, người nộp thuế và cơ quan thuế nước ngoài, vùng lãnh thổ có liên quan và phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.
Với những quy định trên, ông Chung Thành Tiến đánh giá luật đã bao quát khá đầy đủ, đưa ra những nội dung chi tiết, rõ ràng và có khả năng hạn chế gian lận thuế từ giao dịch liên kết cũng như nhiều hình thức chuyển giá khác. "Tuy nhiên, đã một năm kể từ khi Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông qua và đã qua thời điểm luật chính thức có hiệu lực nhưng nghị định hướng dẫn thực hiện luật vẫn chưa được ban hành, có thể khiến hiệu quả của việc thực thi bị chậm lại" - ông Tiến nói thêm.
Còn nhiều việc phải làm
Ông Chung Thành Tiến cho rằng còn thiếu nhiều điều kiện để có thể phát huy hiệu quả luật này. Theo phân tích của ông Tiến, đưa giao dịch liên kết vào Luật Quản lý thuế để kiểm soát nhưng trong Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (DN) lại chưa có nội dung quy định cơ sở xác định giá giao dịch liên kết theo thị trường để làm cơ sở tính vào thu nhập của DN. Do đó, cần sửa đồng bộ một số luật khác để hỗ trợ tốt hơn cho Luật Quản lý thuế. Hay nguyên tắc "xác định vụ việc theo bản chất hoạt động" rất mới và tiến bộ nhưng đòi hỏi cán bộ thuế phải có trình độ để xác định được bản chất thật của hoạt động mà không bị phụ thuộc vào giấy tờ, chứng từ DN đưa ra. Trong khi phần lớn cán bộ thuế của Việt Nam có năng lực không theo kịp nguyên tắc hoạt động này, yêu cầu đào tạo, nâng tầm đội ngũ cán bộ đặt ra cấp bách.
ThS Lê Minh Nam, Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán thuộc Kiểm toán Nhà nước (KTNN), nhìn nhận với tình trạng chuyển giá ngày càng tinh vi như hiện nay, bên cạnh cơ quan thuế, KTNN cũng phải tiến hành kiểm toán trực tiếp tại các cơ quan thực hiện quản lý hoạt động liên quan đến FDI; kiểm toán cơ quan thuế, kiểm toán các DN cùng tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư FDI. Trong đó, phải đánh giá được nhóm đối tượng có nguy cơ cao, dễ phát sinh gian lận để xác định nội dung và phương pháp kiểm toán phù hợp. Việc lựa chọn dựa trên cơ sở xác định các mối quan hệ liên kết, nhóm hoạt động có thể diễn ra các nguy cơ; thu thập bằng chứng về các hiện tượng, dấu hiệu nghi ngờ… "Cũng cần phát hiện những bất cập, lỗ hổng của chính sách, pháp luật về thu hút FDI và quản lý hoạt động liên kết, chuyển giá; phát hiện những sai sót, tồn tại trong văn bản hướng dẫn, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước để kiến nghị sửa chữa, khắc phục" - ông Nam lưu ý.
Một chuyên gia thuộc KTNN góp ý nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế cần có chế tài xử phạt nặng đối với hành vi chuyển giá. Tại nhiều quốc gia, chế tài cho hành vi này rất nặng. Ví dụ, ở Úc, số tiền phạt bằng 50% số thuế tránh được nếu bên nộp thuế sử dụng giá chuyển nhượng với mục đích giảm thiểu số thuế phải nộp; phạt 25% số thuế tránh được nếu công ty nộp thuế sử dụng giá chuyển nhượng nhằm các mục đích khác. Ở Ấn Độ, cơ quan thuế địa phương có thể ấn định mức phạt lên đến 300% so với mức chênh lệch về số thuế phải nộp giữa số thuế do DN khai báo và số thuế do cơ quan thuế tính lại…
Đại diện Tổng cục Thuế cho hay sẽ tiếp tục củng cố hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế, đẩy mạnh phối hợp, trao đổi thông tin với các bộ, ngành khác, nhất là Bộ Công an. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thuế, đặc biệt trong khuôn khổ Diễn đàn phòng chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (BEPS), đẩy mạnh thực thi các cam kết của Việt Nam khi tham gia diễn đàn.
Cần thuế suất phù hợp hơn
PGS-TS Phan Duy Minh, nguyên Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (KTNN), cho rằng một trong những căn nguyên giúp DN FDI có thể chuyển giá là do sự khác biệt về thuế suất Thuế Thu nhập DN của quốc gia thu hút FDI so với các quốc gia khác. Vì thế, việc điều chỉnh lại thuế suất theo mặt bằng chung của thế giới là rất cần thiết. "Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã hoàn thành và trình Chính phủ Đề án Ngăn ngừa và hạn chế tình trạng chuyển giá trong hoạt động FDI tại Việt Nam. Đây là việc rất cần làm bên cạnh việc hoàn thiện và vận dụng tốt pháp luật đã có" - ông Minh nói thêm.
Người lao động