Thêm hàng loạt sai phạm ở ACV
Tổng Cty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sử dụng hình thức liên kết đầu tư, khai thác nhà ga quốc tế sân bay Đà Nẵng và Cam Ranh (Khánh Hoà) là chưa đúng quy định; đây là 2 trong 4 sân bay có lợi nhuận cho ACV, nhưng đơn vị lại đem liên kết đầu tư làm ảnh hưởng tới cân đối tài chính, bù lỗ các sân bay khác…
- 12-07-2018Bộ GTVT đang thanh tra việc Tổng giám đốc ACV ký 104 quyết định bổ nhiệm
- 10-07-2018Sếp ACV ký 76 quyết định bổ nhiệm trước khi hưu, Bộ Giao thông nói gì?
- 09-07-2018ACV khẳng định Tổng Giám đốc ký bổ nhiệm hơn 70 cán bộ trước nghỉ hưu là "theo phân cấp"
Đó là một trong những nội dung được Thanh tra Bộ GTVT chỉ ra sau khi thực hiện thanh tra Dự án Nhà ga hành khách quốc tế Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng, Cam Ranh, và nhà để xe sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM).
Theo Thanh tra Bộ GTVT, các dự án sân bay Đà Nẵng và Cam Ranh thuộc hạ tầng hàng không, phải thực hiện đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), nhưng ACV lại thực hiện góp vốn đầu tư theo mô hình doanh nghiệp là chưa phù hợp với quy định hiện hành, trái thẩm quyền.
Hiện Sân bay Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Nội Bài là 4 khu vực hoạt động khai thác có lãi bù lỗ cho đại đa số các cảng hàng không khác. Do đó, việc ACV cho phép nhà đầu tư khai thác sân bay Đà Nẵng, Cam Ranh sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của ACV, đặc biệt khả năng bù lỗ cho các cảng hàng không khác.
Trách nhiệm các sai phạm trên thuộc về Vụ Quản lý Doanh nghiệp (Bộ GTVT), Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) và ACV.
Ngoài ra, Thanh tra bộ cũng chỉ ra không ít sai sót trong quá trình chuẩn bị đầu tư, giám sát thực hiện, nghiệm thu dự án đầu tư tại sân bay Cam Ranh, Đà Nẵng, nhà để xe sân bay Tân Sơn Nhất.
Như với Dự án Nhà ga hành khách quốc tế sân bay Cam Ranh: Đơn vị thiết kế đã sử dụng một số tiêu chuẩn hết hiệu lực, không phù hợp vẫn được chủ đầu tư phê duyệt; một số bản thiết kế (như về thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công…) thực hiện chưa đầy đủ cơ sở pháp lý, sơ sài, chưa phù hợp, thiếu hạng mục…
Trong đấu thầu, hồ sơ mời thầu chưa tuân thủ quy định về hành vi bị cấm trong đấu thầu; tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ mời thầu sai sót, thiếu chặt chẽ; một số gói thầu tư vấn không thực hiện đấu thầu theo quy định.
Một số gói thầu tạm ứng lớn hơn khối lượng thi công, thậm chí chưa thi công cũng được tạm ứng, trong đó giá trị dự toán phê duyệt hơn 3.500 tỷ đồng, giá trị thanh toán tới thời điểm thanh tra là hơn 1.100 tỷ đồng…
Với Dự án nhà để xe sân bay Tân Sơn Nhất, Thanh tra Bộ GTVT chỉ rõ: Có hạng mục đường hầm trị giá 24 tỷ đồng chưa phù hợp với công trình hiện hữu, nên phải thay đổi chuyển sang cầu, gây lãng phí và kéo dài thời gian hoàn vốn dự án.
Dự án bị chậm tiến độ 7 tháng so với mục tiêu ban đầu. Việc chậm tiến độ dẫn tới phải thay đổi thiết kế, chuyển từ bê tông cốt thép sang cột và dầm thép để đẩy nhanh tiến độ không còn ý nghĩa, nhưng lại làm tăng chi phí dự án.
Chất lượng khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án có hạn chế nên phải thay đổi, điều chỉnh một số hạng mục; công tác quản lý chất lượng công trình còn sơ sài, thiếu một số hồ sơ theo quy định. Tới tháng 9/2017, chủ đầu tư còn nợ nhà thầu hơn 66,2 tỷ đồng.
Với các sai phạm kể trân, Bộ GTVT chỉ rõ, trách nhiệm thuộc về Vụ Quản lý Doanh nghiệp, Cục Hàng không và ACV. Đặc biệt, ACV chịu trách nhiệm trong đề xuất dự án và phương án góp vốn không đúng quy định, thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát quản lý thực hiện dự án.
Nhà đầu tư, các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công chịu trách nhiệm về những tồn tại trong quản lý và thực hiện dự án đã nêu.
Bộ GTVT yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm với Vụ Quản lý Doanh nghiệp, Cục Hàng không, ACV, Cảng vụ hàng không mềm Trung; rà soát những sai phạm, tồn tại, kiểm điểm và xử lý trách nhiệm thuộc thẩm quyền; kiến nghị xử lý trách nhiệm với cán bộ do Bộ Trưởng GTVT quản lý; khắc phục những tồn tại đã nêu trên. Đặc biệt với trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị.
Báo cáo kết quả về Bộ trước 30/8/2018.
Tiền phong