Thêm hơn 2.000 tỷ đồng vào giải cứu, cổ phiếu Novaland (NVL) chấm dứt chuỗi 17 phiên giảm sàn liên tiếp
Cổ phiếu NVL hồi về tham chiếu với khối lượng khớp lệnh lên đến hơn 104 triệu đơn vị, cao thứ 2 trong lịch sử chỉ sau kỷ lục của phiên giải cứu bất thành ngày 22/11 trước đó.
Thị trường chứng khoán khởi đầu tuần mới đầy hưng phấn với VN-Index tăng hơn 3,5% qua đó lấy lại mốc 1.000 điểm. Sắc xanh, tím trải rộng tuy nhiên sự chú ý lại được đổ dồn về một cái tên đứng giá tham chiếu là NVL của Novaland. “Phi vụ giải cứu” cổ phiếu này cuối cùng cũng thành công khi chấm dứt chuỗi 17 phiên giảm sàn liên tiếp.
Thực tế, NVL vẫn mở cửa với lượng dư bán sàn lên đến hàng chục triệu đơn vị như những phiên giần đây. Cổ phiếu này khớp lệnh túc tắc trước khi cầu bắt đáy bất ngờ nhập cuộc “ồ ạt” từ cuối phiên sáng và nhanh chóng hấp thụ hết lượng bán giá sàn ngay đầu phiên chiều. NVL sau đó giao dịch rất sôi động và liên tục rung lắc với biên độ rộng.
Khối lượng khớp lệnh lên đến hơn 104 triệu đơn vị, cao thứ 2 trong lịch sử niêm yết của NVL chỉ sau kỷ lục của phiên 22/11. Giá trị giao dịch tương ứng hơn 2.000 tỷ đồng, chiếm 15% tổng giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE. Trước đó, trong 2 ngày 22-23/11, “biệt đội giải cứu” cũng đã rót khoảng 4.000 tỷ đồng nhưng không đủ để kéo cổ phiếu này thoát sàn.
Tính từ đầu tháng 11, cổ phiếu NVL đã “bốc hơi” gần 71% thị giá, vốn hóa thị trường tương ứng bị thổi bay 96.600 tỷ đồng. Nếu so với đỉnh đạt được đầu tháng 7 năm ngoái, con số thậm chí đến lên đến hơn 140.000 tỷ đồng. Từ vị thế trong 10 cổ phiếu giá trị nhất sàn chứng khoán, vốn hóa của Novaland hiện chỉ còn chưa đến 40.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh đó, NovaGroup mới đây đã bất ngờ đăng ký bán 150 triệu cổ phiếu NVL, tương đương gần 7,7% vốn điều lệ Novaland. Phương thức giao dịch là thỏa thuận cho các nhà đầu tư và tổ chức có năng lực tài chính. Thời gian dự kiến giao dịch từ 30/11 – 29/12/2022. Sau giao dịch, NovaGroup còn nắm giữu 560,9 triệu cổ phiếu tương đương 28,768% vốn điều lệ.
Mục đích thực hiện giao dịch là tập trung bổ sung các nguồn vốn để thực hiện các phương án xử lý trái phiếu, đưa hệ số tài chính của công ty về mức an toàn trong chiến lược tái cấu trúc toàn bộ tập đoàn. Nếu thương vụ thành công, dòng tiền từ các nhà đầu tư mới có thể sẽ giúp Novaland giảm bớt áp lực.
Thời gian gần đây, tín hiệu khá tích cực cũng bắt đầu xuất hiện khi một trái chủ của Novaland là Citigroup Global đã bất ngờ chuyển đổi 5 trái phiếu có mệnh giá 200.000 USD sang gần 271.000 cổ phiếu vào ngày 22/11. Tỷ lệ chuyển đổi là 54.145 cổ phiếu/trái phiếu và giá chuyển đổi là 85.000 đồng/cổ phiếu, gấp 3,3 lần thị giá.
Trước đó, trong thông báo tới cổ đông ngày 22/11, Novaland cũng đã khẳng định các tin đồn về tình hình nợ và khả năng thanh toán của tập đoàn là không chính xác. Các hoạt động phát hành trái phiếu của Novaland đều tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. Để đảm bảo năng lực tài chính và chuẩn bị cho các dự án sắp tới, Novaland đã tích cực làm việc với các đối tác tài chính trong nước và quốc tế. Tập đoàn tiếp tục nhận được những cam kết và hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính từ các đối tác.
Tập đoàn khuyến cáo cổ đông và các nhà đầu tư nên cập nhật các thông tin chính thức hoặc do Novaland cung cấp, không nên tin vào các tin đồn trên thị trường. Tập đoàn sẽ thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin đầy đủ theo các quy định của pháp luật liên quan bao gồm quy định CBTT trên thị trường chứng khoán, quy định CBTT về trái phiếu doanh nghiệp trong nước và bộ quy tắc điều chỉnh hoạt động niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore.
Nhịp Sống Thị Trường