MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm lo lắng về nguồn cung Ethanol khi các dự án vẫn đắp chiếu

Còn 4 tháng nữa, việc “xóa sổ” xăng truyền thống để phổ biến xăng E5 sẽ chính thức bắt đầu, nhưng cho đến nay, phương án khởi động lại các dự án nhiên liệu sinh học “đắp chiếu” vẫn đang rất chậm, dù cần khoảng 1/4 lượng ethanol để phối trộn đang trông đợi vào việc khởi động lại các dự án này.

Theo báo cáo về các dự án “đắp chiếu” do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) gửi Bộ Công Thương, chưa nhà máy nhiên liệu sinh học nào có tín hiệu sáng sủa. Có nhiều chuyển động nhất là Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất, với mục tiêu khởi động vận hành lại nhà máy trong năm 2017 để có sản phẩm từ 1-1-2018, cùng lúc với thời điểm phổ biến xăng E5. Tuy nhiên, hiện các cổ đông của Công ty cổ phần Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung (BSR-BF, chủ đầu tư của nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất) là Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) vẫn chưa thống nhất với kế hoạch vận hành sản xuất kinh doanh do BSR-BF xây dựng.

BSR cho rằng phương án vận hành lại tính theo bộ giá Nexant có độ tin cậy cao hơn so với bộ giá căn cứ trên kinh nghiệm của BSR-BF, và căn cứ theo cách tính đó thì phương án vận hành lại dự án không có hiệu quả. PVOil không có kiến nghị cụ thể về 2 cách tính này.


Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước.

Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước.

Một phương án khác được tính đến là hợp tác với Công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành. Đoàn công tác của công ty này đã khảo sát làm việc với BSR/BSR-BF về phương án hợp tác vận hành nhà máy. Ngày 11-8, Tổng Giám đốc PVN cũng đã chủ trì làm việc với Tín Thành, nhưng còn một số vướng mắc liên quan đến khắc phục hệ thống xử lý nước thải và tỷ lệ chia lợi nhuận. PVN đang yêu cầu các đơn vị tiếp tục trao đổi với đối tác.

Phương án Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) nhận lại nhà máy để khởi động vận hành, đồng thời khắc phục hệ thống xử lý nước thải đang được PTSC nghiên cứu, nhưng đánh giá sơ bộ là khó khả thi.

Một phương án đáng lưu ý khác là hợp tác với Công ty Tùng Lâm – đơn vị đang vận hành 2 nhà máy nhiên liệu sinh học duy nhất đang hoạt động tại Việt Nam, thì lại chưa được các cổ đông BST và PVOil cho ý kiến. Theo phương án này, Tùng Lâm sẽ tư vấn hỗ trợ chủ đầu tư khởi động lại nhà máy, tư vấn giải pháp tối ưu vận hành, xử lý nước thải, còn thực chất vẫn là chủ đầu tư tự vận hành. Tuy nhiên, các cổ đông sẽ phải góp vốn bổ sung để vận hành lại. Số vốn cần năm 2017 là 27,79 tỷ đồng và năm 2018 là 91,84 tỷ đồng.

Về khắc phục hoàn thiện hạng mục xử lý nước thải và các vướng ngày mắc của Hợp đồng EPC, thanh quyết toán dự án, theo kết quả buổi làm việc ngày 11-8 do Tổng Giám đốc PVN chủ trì, PTSC và chủ đầu tư đang hoàn thiện thiết kế xây dựng hồ cigar khắc phục hệ thống xử lý nước thải. Theo kế hoạch, việc xây hồ cigar sẽ hoàn thành trong tháng 12-2017 phục vụ công tác chạy thử, khởi động vận hành nhà máy.

Dự án nhiên liệu sinh học Bình Phước cũng đặt ra mục tiêu rà soát phương án để tái khởi động, vận hành nhà máy từ 1-1-2018, nhưng PVN chưa báo cáo thêm động thái cụ thể nào để triển khai việc này. Bên cạnh đó, phương án khác cũng đang được chuẩn bị, khi PVOil đã ký hợp đồng với Công ty CP Thẩm định giá miền Nam (SIVC) thực hiện thẩm định giá trị Công ty OBF (chủ đầu tư dự án) để tính đến việc thoái vốn. PVOil cũng đã ký hợp đồng với Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI) lập phương án thoái vốn tại OBF và các phương án xử lý khác nếu việc thoái vốn không thành công để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước 31-8-2017.

Dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ - dự án bê bết nhất, đang được nhóm nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục nghiên cứu hợp tác theo hướng tái cấu trúc và tiếp tục đầu tư để đưa nhà máy vào vận hành. PVOil đang triển khai việc định giá tài sản để làm cơ sở xây dựng phương án chuyển nhượng, thoái vốn.

Với những diễn biến này của các dự án nhiên liệu sinh học, việc đảm bảo nguồn cung ethanol để phối trộn sẽ tiếp tục là bài toán đau đầu của Bộ Công Thương. Trả lời PV Báo Công an nhân dân vào giữa tháng 7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết: Với lượng RON 92 cả nước đang tiêu thụ là 5,4 triệu m3/năm, cần khoảng 250.000 – 270.000m3 Ethanol/năm để thay thế. Hiện chỉ có hai nhà máy của Tùng Lâm đang hoạt động với công suất khoảng 200.000m3/năm, nguồn cung ethanol vẫn thiếu khoảng 50.000 – 70.000m3, trông đợi vào khởi động lại nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất và Bình Phước.

Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng, lộ trình phổ biến E5 cũng là một động thái “cứu” các nhà máy đắp chiếu. Tuy nhiên, xem ra chưa chắc các nhà máy đang tận dụng được chiếc “phao cứu mạng” này, vì những vấn đề nội tại chồng chất. Nếu 2 nhà máy này khởi động không thành công, hẳn sẽ phải tính đến nguồn nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa nhập 1 lít ethanol nào, nên cũng chưa rõ các đầu mối tính toán ra sao.

Tại Nghị quyết phiên họp tháng 7 vừa qua, Chính phủ cũng đã phân công Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn, tổng công ty, các dự án, công trình đầu tư không hiệu quả, thất thoát lớn, thua lỗ kéo dài; đẩy nhanh tiến độ xử lý cơ bản 12 dự án thua lỗ, nhất là 5 dự án của ngành dầu khí (trong đó có 3 dự án nhiên liệu sinh học này) trong năm 2017.

Theo Vũ Hân

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên