MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm loạt trái phiếu ngân hàng gọi vốn

09-09-2019 - 17:45 PM | Tài chính - ngân hàng

Thị trường tiếp tục đón thêm loạt phát hành trái phiếu gọi vốn dài hạn của các ngân hàng thương mại, với quy mô lớn.

Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam – Techcombank vừa có thông báo về việc phát hành trái phiếu Techcombank đợt 1 năm 2019.

Theo đó, ngân hàng sẽ thực hiện phát hành riêng lẻ với khối lượng tối đa là 5.000 tỷ đồng với mệnh giá là 1 tỷ đồng/trái phiếu.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo và không kèm chứng quyền với kỳ hạn 3 năm. Thời điểm phát hành dự kiến trong tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay.

Techcombank cũng cho biết, trái phiếu có lãi suất cố định, phù hợp với lãi suất thị trường.

Mục đích phát hành nhằm tăng quy mô vốn hoạt động và cải thiện các tỷ lệ an toàn trong hoạt động kinh doanh của Techcombank.

Techcombank là thành viên tiếp theo trong xu hướng đẩy mạnh phát hành trái phiếu mà nhiều ngân hàng thương mại triển khai từ đầu năm tới nay, đặc biệt trong khoảng một tháng gần đây. Và hầu hết đều có quy mô khá lớn.

Cuối tuần qua, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) công bố chương trình khuyến mại mới nhằm thúc đẩy kế hoạch phát hành trái phiếu đợt mới.

Trong tháng 9 này, BIDV dự kiến sẽ phát hành 300 nghìn trái phiếu với mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu. Trong đó, có 250 nghìn trái phiếu kỳ hạn 7 năm, đáo hạn năm 2026 và 50 nghìn trái phiếu kỳ hạn 10 năm, đáo hạn năm 2029.

Lãi suất cho toàn bộ thời hạn của trái phiếu được thả nổi, xác định bằng lãi suất tham chiếu cộng với 1,2% với kỳ hạn 7 năm và 1,3% với kỳ hạn 10 năm.

BIDV cho biết, 3 nghìn tỷ đồng huy động nhằm tăng quy mô vốn hoạt động, tạo thêm kênh thu hút vốn trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu khách hàng, đảm bảo sự bền vững nguồn vốn. BIDV sẽ bổ sung nguồn tiền đáp ứng nhu cầu cho vay đối với các dự án trung và dài hạn.

Trước đó, hai ngân hàng có vốn Nhà nước khác là Agribank và VietinBank cũng công bố phát hành trái phiếu kỳ hạn dài với khối lượng lớn.

Cụ thể, Agribank phát hành trái phiếu kỳ hạn 7 năm ra công chúng năm 2019 với số lượng đăng ký chào bán là 5.000.000 trái phiếu, tương đương 5.000 tỷ đồng.

Lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng thêm 1,2%/năm, trong đó lãi suất tham chiếu được tính cho mỗi kỳ tính lãi là bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng, gồm Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV.

Trong khi đó, VietinBank từ đầu năm tới nay cũng đã thông báo phát hành tổng cộng 5.650 tỷ đồng trái phiếu qua 4 đợt.

Một loạt các ngân hàng khác như LienVietPostBank, HDBank và ACB cũng đã thông qua phát hành trái phiếu với tổng khối lượng phát hành lên tới 21.100 tỷ đồng từ đầu năm tới nay.

Việc các ngân hàng dồn dập phát hành trái phiếu, mà chủ yếu là kỳ hạn dài được cho là nhằm chuẩn bị cho việc tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ được đưa về mức 30% trong vài năm tới.

Quan trọng hơn, đối với một số ngân hàng, việc phát hành trái phiếu còn có mục đích bổ sung nguồn vốn tự có cấp 2 để tính hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) khi thời hạn áp dụng Basel 2 đã cận kề (từ 01/01/2020).

Bởi, so với việc tăng vốn cấp 1 (vốn chủ sở hữu của ngân hàng), việc nâng vốn cấp 2 từ việc phát hành trái phiếu được xem là nhanh chóng và dễ thực hiện hơn, dù chi phí lãi suất là một điểm được chú ý.

Theo Trần Thúy

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên