Thêm lựa chọn cho "đại bàng" công nghệ
Các doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo được hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu lên tới 50% cùng hàng loạt ưu đãi khác.
Những ngày cuối năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 182/2024/NĐ-CP quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư do Chính phủ vừa ban hành, đặt ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ cao.
Tạo đột phá về thu hút FDI
Nghị định 182 đưa ra các ưu đãi về thuế, miễn giảm chi phí đất đai, hỗ trợ đào tạo nhân lực, hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu cho doanh nghiệp (DN) có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, AI lên tới 50%...
Các DN có dự án đầu tư trung tâm R&D phải có lĩnh vực hoạt động khoa học - công nghệ thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư; có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 3.000 tỉ đồng và phải hoàn thành giải ngân tối thiểu 1.000 tỉ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp quyết định đầu tư.
Bên cạnh đó, DN phải không nợ thuế, nợ ngân sách. Dự án đầu tư trung tâm R&D phải có tác động tích cực đến hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển các công nghệ mới, sản phẩm mới mang tính đột phá của đất nước. Theo quy định mới, các DN còn được hỗ trợ về chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; chi phí đầu tư tạo tài sản cố định; chi phí nghiên cứu và phát triển; chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao…
Chính sách mới được ban hành trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành điểm đến của dòng vốn FDI trong lĩnh vực bán dẫn, AI. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy năm 2024, vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,23 tỉ USD. Trong đó, vốn giải ngân ước đạt 25,35 tỉ USD, tăng 9,4% so với năm 2023.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về những ưu đãi cho DN công nghệ cao, AI, ông Nguyễn Phúc Vinh, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP HCM (HSIA), cho biết Việt Nam đang có lợi thế rất lớn và đã đạt được nhiều kinh nghiệm, thành tựu với ngành vi mạch bán dẫn.
Trong hơn 20 năm qua, có khoảng 50 DN thiết kế vi mạch, 4 DN đóng gói kiểm thử, 3 DN khâu vật liệu, hóa chất và thiết bị sản xuất bán dẫn. Nhưng chưa có DN nào hoạt động khâu sản xuất chất bán dẫn với mức đầu tư hàng tỉ cho đến chục tỉ USD.
"Do đó, mức hỗ trợ lên đến 50% chi phí đầu tư ban đầu cho các DN có dự án R&D về công nghiệp bán dẫn và AI sẽ là ưu đãi rất hấp dẫn để thu hút các "đại bàng", tạo đột phá cho công nghệ" - ông Vinh nói.
Theo các chuyên gia, khi chính sách đủ sức hấp dẫn sẽ thúc đẩy DN FDI R&D về công nghiệp bán dẫn và AI gia nhập thị trường. Việc đầu tư vào R&D sẽ giúp Việt Nam tạo ra các sản phẩm công nghệ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế ở tầm toàn cầu.
Đồng thời, trở thành động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp khác. Các DN cần tận dụng xu hướng này để nâng dần phần giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Cơ chế kết nối doanh nghiệp nội với FDI
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những ưu đãi nói trên vẫn chưa đủ. Ông Nguyễn Phúc Vinh đề xuất nên có hướng dẫn cụ thể và cơ chế thoáng hơn, chẳng hạn chính sách thích hợp để thúc đẩy các DN lớn, tổng công ty nhà nước nâng cao tỉ lệ sử dụng nguồn quỹ cho R&D. Thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ khởi nghiệp, học hỏi kinh nghiệm từ "ông lớn" công nghệ như Singapore, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Đồng thời có các cơ chế khoán cho nghiên cứu khoa học, chính sách hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ, đặc biệt là cơ chế chia sẻ lợi ích cho các nghiên cứu viên từ thu nhập trong ứng dụng các sản phẩm nghiên cứu. Ngoài ra, cần ban hành chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân từ lương, thưởng và chuyển giao cổ phần cho các chuyên gia.
"Nhóm chuyên gia này sẽ là những cánh chim đầu đàn để thu hút các "đại bàng" khác làm tổ và biết đâu trong số họ cũng sẽ là những "đại bàng" trong tương lai. Đặc biệt, Việt Nam nên đặt mục tiêu trong 5 năm tới sẽ thu hút 20 trong danh sách 100 DN có doanh thu cao nhất về công nghiệp bán dẫn đến đầu tư tại Việt Nam" - ông Vinh nói.
Ông Phan Tấn Quốc, Phó Giám đốc Chương trình đổi mới sáng tạo KPMG Việt Nam, đánh giá chính sách mới là sự đột phá để thu hút các DN công nghệ lớn đầu tư vào Việt Nam. Dù vậy, điều kiện về vốn đầu tư tối thiểu 3.000 tỉ đồng và một số điều kiện khác chỉ phù hợp với DN FDI công nghệ lớn. Điều này có thể bỏ sót lượng lớn DN có vốn đầu tư thấp hơn nhưng lợi ích mang lại có thể bằng hoặc chênh lệch không đáng kể so với các DN lớn.
Cần có hướng dẫn cụ thể về điều kiện, quy trình thực hiện, đặc biệt là về hình thức và cơ chế giải ngân hỗ trợ tài chính. Ngoài chính sách này, cần có chương trình xúc tiến đầu tư, như tổ chức các sự kiện công nghệ quốc tế, hỗ trợ trưng bày sản phẩm và có những chuyến mời chào các DN công nghệ lớn trên thế giới sang đầu tư.
Các cơ quan nhà nước liên quan đến thuế, tài nguyên - môi trường cần phối hợp đồng bộ để hỗ trợ nhanh, hiệu quả cho DN FDI khi đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời, cần hỗ trợ DN trong nước phát huy thế mạnh cốt lõi về công nghệ, để họ có thể tham gia chuỗi giá trị với các tập đoàn đa quốc gia. Điều này sẽ giúp DN trong nước cùng phát triển theo xu hướng này, thay vì chịu sự cạnh tranh trực tiếp từ DN FDI.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM, nói rằng các ưu đãi mới là cần thiết nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, chính sách đã hỗ trợ đầu vào nhưng chưa thấy cam kết về đầu ra cho DN khi hưởng những ưu đãi "khủng" này.
Do vậy, cần thêm quy định cam kết cả về đầu ra của sản phẩm trong lĩnh vực AI, chip bán dẫn, công nghệ cao; cam kết về chuyển giao công nghệ cho DN nội địa hoặc kết nối, hỗ trợ để DN trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Việt Nam có lợi thế về xuất khẩu nhưng hơn 70% đến từ khu vực FDI trong khi các DN nội địa vẫn rất khó khăn. Cần chính sách kết nối để hỗ trợ DN trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng. Khi đó, các chính sách ưu đãi sẽ lan tỏa cả khu vực DN trong nước và FDI, thay vì chỉ khu vực FDI hưởng lợi" - PGS Huân nói.
Định vị điểm đến của FDI
Quỹ Hỗ trợ đầu tư là quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập, giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý; hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Nhiệm vụ là tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cấp và nguồn hợp pháp khác và chi hỗ trợ DN.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư mới là cần thiết và phù hợp nhằm tăng tính hiệu quả của hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành, khắc phục những hạn chế, bất cập của chính sách đầu tư hiện có. Nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam và tập trung thu hút đầu tư theo đúng định hướng trong đổi mới cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội, cạnh tranh quốc tế.
Người lao động