MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm một doanh nghiệp thép lỗ kỷ lục trong quý 3, con số chỉ kém 2 “ông lớn” Hòa Phát và Hoa Sen Group

Thêm một doanh nghiệp thép lỗ kỷ lục trong quý 3, con số chỉ kém 2 “ông lớn” Hòa Phát và Hoa Sen Group

Giá vốn tăng cao vượt doanh thu cùng với chi phí tài chính tăng mạnh đã khiến Pomina lỗ ròng gần 716 tỷ đồng trong quý 3, con số kỷ lục kể từ khi hoạt động.

CTCP Thép Pomina (mã POM) đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2022 với doanh thu giảm 4% so với cùng kỳ, xuống còn 2.978 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn lại tăng hơn 19% so với cùng kỳ và vượt doanh thu khiến doanh nghiệp thép này lỗ gộp đến 578 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn lãi gần 120 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu tài chính gần như đi ngang quanh mức 17 tỷ đồng tuy nhiên chi phí tài chính lại tăng mạnh gần 42% lên 119 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp được tiết giảm so với cùng kỳ. Sau khi trừ các chi phí và ghi nhận lỗ khác, Pomina lỗ ròng kỷ lục gần 716 tỷ đồng trong quý 3. Mức lỗ này đến thời điểm hiện tại chỉ thua kém 2 “ông lớn” là Hòa Phát và Hoa Sen Group trong ngành thép.

Thêm một doanh nghiệp thép lỗ kỷ lục trong quý 3, con số chỉ kém 2 “ông lớn” Hòa Phát và Hoa Sen Group - Ảnh 1.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Pomina ghi nhận 11.132 tỷ đồng doanh thu, tăng 16% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại âm đến hơn 707 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn lãi gần 206 tỷ đồng. Với kết quả này, mục liêu lợi nhuận sau thuế 400 tỷ năm nay của Pomina đã trở nên rất xa vời.

Tính đến cuối quý 3, tổng tài sản của Pomina đã giảm gần 3.250 tỷ đồng so với đầu năm, xuống mức 11.376 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự sụt giảm tồn kho và tài sản cố định. Thời điểm 30/9, tồn kho của của Pomina đã giảm gần 1.300 tỷ so với cuối quý trước, xuống còn 3.085 tỷ đồng. Doanh nghiệp không trích lập dự phòng tại thời điểm cuối quý vừa qua.

Cùng với sự thu hẹp quy mô, nợ vay của Pomina cũng đã được cắt giảm hơn 2.200 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, nợ vay tài chính của doanh nghiệp này tại thời điểm cuối quý 3 vẫn ở mức cao gần 6.400 tỷ đồng, tương đương 56% tổng tài sản trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn.

Mới đây, Pomina đã phải thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao (BF) từ ngày 23/9/2022, đồng thời phải chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ công nhân viên của công ty. Theo POM, lý do không thể duy trì được lò cao là do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đẩy giá dầu cùng các loại hàng hoá leo thang. Trong khi đó, giá trị các sản phẩm từ thép, phôi thép giảm liên tiếp. Nhà máy phải đương đầu với khủng hoảng, phải tạm dừng hoạt động.

Dự án lò cao được Pomina đầu tư vào năm 2019 với công suất hệ thống lên đến 1 triệu tấn sản phẩm thép, từng được giới thiệu là dự án then chốt sẽ mang lại lợi nhuận đột biến giai đoạn 2021-2023. Tuy nhiên, sự biến động đảo chiều nhanh chóng của thị trường khiến lò cao từ “vũ khí” trở thành “tội đồ” ăn mòn lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp này.

Pomina cho biết việc chủ động dừng hoạt động sản xuất lò cao để chuyển sang tập trung vào thế mạnh là lò điện. Với quyền lựa chọn nguyên liệu đầu vào là thép phế liệu hoặc quặng sắt để luyện thép, việc sử dụng một lò điện với công suất đạt mức tối đa và tối ưu chi phí, tốt hơn việc duy trì cả hai lò nhưng sản xuất chỉ ở mức tối thiểu. Doanh nghiệp này cũng để ngỏ khả năng mở lại hoạt động lò cao, tùy thuộc vào triển vọng của thị trường thép.

Hà Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên