MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm một đứa con Vinatex chào sàn với giá khởi điểm "vượt mặt" lớp anh chị, vì đâu?

20-04-2018 - 07:18 AM | Doanh nghiệp

Tổng Công ty May Nhà Bè (MNB) – đơn vị do Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, VGT) sở hữu 27,69% vốn – sẽ lên sàn UpCOM với giá khởi điểm 22.000 đồng/cp.

Giá khởi điểm "vượt mặt" lớp anh chị

Nói về họ hàng Vinatex, từ năm 2016 Tập đoàn bắt đầu lần lượt đẩy những đơn vị sở hữu chào sàn. Trong đó, mở đầu là sự xuất hiện của tân binh May Việt Tiến (VGG) vào đầu tháng 3/2016 với vốn điều lệ đạt 441 tỷ đồng. Tháng 1/2017, Vinatex cũng chính thức giao dịch trên UpCOM với vốn đạt đến 5,000 tỷ đồng. Liên tiếp sau đó, Tổng Công ty Việt Thắng (TVT) niêm yết trên HoSE với tổng vốn đạt 210 tỷ, Dệt may Hòa Thọ (HTG) giao dịch vào giữa tháng 6/2017 với tổng vốn 150 tỷ và mới đây nhất là Tổng CTCP Phong Phú (PPH) cũng vừa ra mắt vào tháng 8 với vốn điều lệ hơn 773 tỷ đồng. Mặc dù có lợi thế về quy mô cũng như chuỗi cung ứng, song Vinatex cùng 4 đơn vị VGG, HTG, PPH và TVT đều chịu chung cảnh "ế" với thanh khoản thấp và thị giá thường giảm so với mức khởi điểm ban đầu.

Và hôm nay, thêm một thành viên của họ Vinatex sẽ tham gia thị trường vào ngày 24/4 đến đây với giá tham chiếu 22.000 đồng/cp - vượt mặt những lớp anh chị đi trước, chỉ đứng sau VGG hiện đạt 53.000 đồng/cp. Với mức giá này, vốn hóa của May Nhà Bè sẽ rơi tại mức 400 tỷ đồng.

Điểm lại thị giá của đại gia đình Vinatex, có Phong Phú (PPG) rớt thảm về chỉ còn 700 đồng/cp, Dệt may Hòa Thọ (HTG) sau nhiều biến động hiện dừng tại mức 20.900 đồng/cp, xấp xỉ là Việt Thắng (TVT) với 21.000 đồng/cp, thanh khoản nhìn chung khá lèo tèo. Riêng Tập đoàn Vinatex sau phiên thăng hoa với khối lượng thỏa thuận đột biến hôm 26/3/2018 đang ghi nhận mức giá 14.800 đồng/cp. Như vậy, May Nhà Bè có gì để được định giá đứng thứ hai trong đại gia đình dệt may của mình, thậm chí so với thị trường toàn ngành mức 22.000 đồng cũng là con số tương đối cao?

Thêm một đứa con Vinatex chào sàn với giá khởi điểm vượt mặt lớp anh chị, vì đâu? - Ảnh 1.

Giao dịch cổ phiếu họ Vinatex từ lúc chào sàn đến nay.

90% doanh thu đến từ xuất khẩu

Về May Nhà Bè, Tổng Công ty có vốn điều lệ 182 tỷ đồng tương ứng toàn bộ 18,2 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch. Với tiền thân là 2 xưởng may Ledgien và Jean Symi hoạt động từ năm 1975, May Nhà Bè hình thành, phát triển và tiến hành cổ phần hóa năm 2004 với vốn điều lệ ban đầu 64 tỷ đồng. Hiện, Tổng Công ty đã có hệ thống kinh doanh gồm 12 công ty con là 9 đơn vị liên kết.

Trong chuỗi cung ứng của Vinatex, nếu VGG mang thương hiệu lâu năm về thời trang may mặc, TVT được biết đến là công ty dệt có thâm niên, hay PPH hiện nắm giữ thế mạnh về các sản phẩm như khăn bông, chỉ sợi và vải denim, thì May Nhà Bè là đơn vị chuyên sản xuất, mua bán sản phẩm dệt may, nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng linh kiện phục vụ ngành dệt may. Các sản phẩm chính của May Nhà Bè gồm: Vesten, Jacket, quần âu, quần sọt… được sản xuất từ các loại vải trong nước và nhập khẩu. Hiện, xuất khẩu đang chiếm đến 90% tổng doanh thu May Nhà Bè với một số tên tuổi khách hàng như: Mỹ, Nhật, Canada, EU, ASEAN…

Như vậy, với xu hướng xuất khẩu là chính, May Nhà Bè nhiều khả năng sẽ chịu chung cảnh với các lớp anh chị đi trước khi xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ đều giảm do sự cạnh tranh gay gắt của các công ty nước ngoài và yêu cầu về các tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao hơn của thị trường quốc tế.

Đồng thời, bất cập lớn nhất đến nay của ngành dệt may là nguyên vật liệu, khoảng 70% vải phục vụ may mặc trên thị trường đang nhập khẩu, tạo ra sự phát triển mất cân đối và dễ bị tổn thương cho ngành.

Chính điều này vô hình trung tạo nên một "gông" kiềm hãm tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp dệt may trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai, trong đó May Nhà Bè không ngoại lệ?

Sánh vai cùng May Việt Tiến

Nói là vậy, song thời thế thị trường đến nay có thể đã bước sang một trang mới khi CPTPP vừa được thông qua, tạo một đà tăng trưởng mới cho doanh nghiệp dệt may trên con đường hội nhập. Nhiều đơn vị theo đó đã rục rịch đầu tư nâng cao năng suất chuẩn bị đón đầu một mức cầu lớn hơn, không chỉ gói gọn trong không gian hiện có. Điển hình có May Việt Tiến vừa khánh thành nhà máy Gò Công giai đoạn 1 với tổng công suất dự kiến tăng hơn 15% lên 33,3 triệu sản phẩm trong năm 2018.

Và, nếu đặt lên bàn cân cùng nhau, có lẽ May Việt Tiến là một đơn vị cùng thuộc Vinatex gần gũi nhất với May Nhà Bè với tỷ trọng doanh thu đến từ xuất khẩu đâu đó cũng đạt hơn 80%. Thậm chí, sản phẩm mang lại tên tuổi cho Việt Tiến cũng là Veston, sơ mi và quần, tương tự May Nhà Bè. Khi mà, Nhìn vào cơ cấu doanh thu, chi phí và lợi nhuận theo sản phẩm, có thể thấy được áo Vest là sản phẩm cốt lõi của Tổng Công ty với tỷ trọng chiếm đến 50%, tiếp sau đó là sơ mi và quần.

Thêm một đứa con Vinatex chào sàn với giá khởi điểm vượt mặt lớp anh chị, vì đâu? - Ảnh 2.

Kết thúc năm, May Nhà Bè ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.217 tỷ đồng, xấp xỉ mức trong năm 2016, tuy nhiên nhờ tiết giảm chi phí giá vốn nên lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 58,3 tỷ đồng, tăng 5,8 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ 52,8 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 52,2 tỷ đồng ghi nhận trong năm 2016. Đáng chú ý, "của để dành" của May Nhà Bè đến hết 2017 còn có hơn 63 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, có hơn 45 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển.

Năm 2018, May Nhà Bè đặt mục tiêu đạt 4.500 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng 6,7%; lợi nhuận sau thuế ước đạt 58,5 tỷ đồng, xấp xỉ bằng lợi nhuận đạt được năm 2017.

Nhìn chung, là một mắc xích trong chuỗi cung ứng của Vinatex, May Nhà Bè bên cạnh những ưu điểm riêng đều phải chịu chung những khó khăn của toàn Tập đoàn nói riêng cũng như thị trường dệt may nói chung. Chưa kể, cơ cấu cổ đông của May Nhà Bè hiện cũng khá cô đặc khi tính đến 31/12/2017, Tổng Công ty có 3 cổ đông lớn; trong đó Vinatex nắm giữ 27,69% vốn; CTCP 4M sở hữu 9,78% vốn và một cá nhân, ông Nguyễn Văn Tốn, sở hữu 7,8% vốn điều lệ (ông Tốn không có tên trong danh sách ban lãnh đạo Tổng Công ty).

Song, với việc ký kết thành công CPTPP thì nhiều khả năng bức tranh giao dịch tại May Nhà Bè sau khi lên UpCOM sẽ khởi sắc hơn. Được biết thêm, năm 2017 vừa qua Vinatex đã có văn bản gửi Thủ tướng ý kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp dệt may trong tiếp cận, giải ngân vốn vay; giảm tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước; chính sách thuế hỗ trợ… kỳ vọng sẽ tạo đà phát triển mới cho đơn vị trong ngành.

Nguyên Phong

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên