Thêm nhiều con đường “dát vàng”?
4 tuyến đường mới sẽ được xây dựng theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT), dù không nằm trong các quận trung tâm nhưng đều có kinh phí từ 400 tỷ đến… 800 tỷ đồng/km.
- 20-06-2018Tân Hoàng Minh xây đường gần nghìn tỷ, đổi 20ha đất vàng quận Hoàng Mai
- 18-06-2018Hà Nội: Đổi gần 40 ha đất vàng lấy 2,85 km đường
- 14-06-2018TPHCM chuẩn bị bán đấu giá 9 lô đất vàng Thủ Thiêm và dự án Sài Gòn One Tower
4 dự án BT quy mô lớn
Tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển” thành phố Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư 397.335 tỷ đồng (tương đương với hơn 17 tỷ USD).
Trong đó, riêng các dự án giao thông với tổng chiều dài 13,3km và được thực hiện theo hình thức (BT). Nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng đường, đổi lại được UBND thành phố Hà Nội giao quỹ đất 158ha có giá trị tương ứng. Các dự án BT này gồm các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông, dự án tuyến đường Lê Trọng Tấn đến đường vành đai 3, dự án tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên và dự án tuyến đường từ đê sông Hồng đến khu đô thị mới C2, Gamuda Gardens. Với kinh phí thực hiện mỗi km đường bình quân lên tới 300 tỷ đồng, dư luận không khỏi băn khoăn về những tuyến đường “dát vàng” của Thủ đô.
Tuyến đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3 do Liên danh Cty CP Phát triển nhân lực LOD - Cty TNHH Phát triển Bắc Việt đầu tư với kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng. Tuyến đường có chiều dài 2,85 km, kết nối với đường Vành đai 2, đi qua Vành đai 2,5 và nối với Vành đai 3. Như vậy, nếu đem tổng mức tiền này chia đều cho gần 3km đường dự án thì mỗi km đường cũng ngốn khoản kinh phí khoảng 500 tỷ đồng.
Dự án thứ hai là tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5 do Cty CP đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng đầu tư với kinh phí là 1.373 tỷ đồng. Để xây dựng tuyến đường dài 1,65km này, Hà Nội dự tính đổi cho Cty CP đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng khoảng 47,19 ha đất tại ba khu đất trên địa bàn. Quy đổi tương đương mỗi km đường có giá hơn 800 tỷ đồng.
Dự án thứ ba là dự án xây dựng tuyến đường dài 2,6km, rộng 40m, từ đê sông Hồng đến khu đô thị mới C2 Gamuda Gardens do Cty TNHH TM và DV KS Tân Hoàng Minh đầu tư với kinh phí là 989 tỷ đồng. Với dự án này, mỗi km đường cũng lên tới gần 400 tỷ đồng.
Dự án thứ tư là Dự án xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông sẽ được liên danh Công ty CP đầu tư Văn Phú Invest và Công ty CP đầu tư Hải Phát thực hiện. Tuyến đường với kinh phí là 1.961 tỷ đồng, chiều dài khoảng 6,2 km, mặt cắt ngang từ 17 - 40m, thuộc địa bàn các phường Văn Quán, Phúc La, Kiến Hưng, Phú Lãm, Phú Lương, Dương Nội, quận Hà Đông và 2 xã Đông La, La Phù, huyện Hoài Đức. Dự án có mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng/km đường.
Nhà đầu tư có đủ năng lực?
Cty Cổ phần Phát triển Nhân lực LOD (trước đây là Cty Cổ phần Hợp tác lao động nước ngoài - LOD) – Chủ đầu tư tuyến đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3 là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, xuất nhập khẩu hàng hoá, đào tạo lao động xuất khẩu, công nhân kỹ thuật và các loại hình đào tạo khác; xúc tiến, tư vấn du học, giới thiệu và cung ứng việc làm trong nước; dịch vụ du lịch nội địa và lữ hành quốc tế và các dịch vụ thương mại.
Năm 2014, Cty LOD làm chủ đầu tư Tòa nhà LOD địa chỉ 38 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy), tuy nhiên do chưa đủ điều kiện pháp lý về xây dựng, tự ý thay đổi kết cấu công trình, dự án LOD Building bị bỏ hoang, mới đây đã bị UBND thành phố Hà Nội yêu cầu kiểm tra, xử lý. Ghi nhận tại đây, công trình quây rào kín, cỏ dại mọc đầy và có dấu hiệu xuống cấp. Được biết, dự án đã được chuyển nhượng cho Tập đoàn Phúc Lộc.
Trong khi đó, đơn vị liên danh với Cty LOD là Cty TNHH Phát triển Bắc Việt, theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Bắc Việt được thành lập tháng 10/2008 và có trụ sở tại số 5, lô 15A, đường Trung Yên 3, phường Trung Hoà (quận Cầu Giấy). Trong số 12 nhóm ngành nghề đăng ký kinh doanh, ngành nghề chính được giới thiệu của Bắc Việt là kinh doanh bất động sản. Ngoài ra là bán buôn máy móc, thiết bị y tế; vận chuyển hành khách bằng ô tô; xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thuỷ lợi.
Điểm chung của hai doanh nghiệp này là chưa từng có kinh nghiệm trong việc xây dựng các dự án giao thông như BT trước khi được thành phố Hà Nội trao quyết định chủ trương đầu tư dự án Xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn – Thanh Xuân đến đường Vành đai 3. Dư luận băn khoăn lý do liên danh này trúng thầu dự án BT lớn của Thủ đô, cũng như năng lực hoàn thành dự án của các doanh nghiệp này.
Tiền phong