MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm nhiều vụ đấu giá đất trên trời rồi bỏ cọc

28-02-2022 - 14:30 PM | Bất động sản

Thêm nhiều vụ đấu giá đất trên trời rồi bỏ cọc

Năm 2021, hoạt động đấu giá đất ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước liên tiếp được tổ chức trong bối cảnh giá đất được 'thổi' lên cao gấp nhiều lần giá thị trường. Thế nhưng, sau khi trúng đấu với giá bỏ thầu rất cao, các chủ đầu tư trúng thầu lại chọn cách bỏ cọc, gây ra những hệ luỵ xấu lên thị trường bất động sản.

Hơn 90 ngày sau khi có kết quả trúng đấu giá, 4 lô đất khu X4 (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội), cơ quan chức năng phải làm thủ tục để ra quyết định huỷ quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá do chủ đầu tư bỏ cọc . Đáng chú ý, các lô đất trên không phải là những lô được đấu giá cao nhất trong tổng số 25 lô đất khu X4 đã được đấu giá vào cuối tháng 10/2021.

25 lô đất có tổng diện tích gần 1.457m2, mỗi lô đất từ 38,1 - 84,8m2 có giá khởi điểm từ 104,7 - 182,3 triệu đồng/m2. Sau khi phiên đấu giá kết thúc, kết quả trúng đấu giá các lô đất cao gấp 2-2,6 lần mức giá khởi điểm.

Cụ thể, giá trúng thấp nhất là 162,7 triệu đồng/m2 của lô E23, nằm ở mặt ngách rộng 5m, có diện tích 59,9 m2, mức giá khởi điểm là 104,7 triệu đồng/m2. Giá trúng cao nhất là 364,3 triệu đồng/m2 của lô B12 diện tích 44,5 m2, ở vị trí lô góc của phố Dương Khuê. Lô đấu giá này có giá khởi điểm cao nhất là 182,3 triệu đồng/m2.

Trước đó, việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc hơn 600 tỷ đồng sau khi với trúng đấu giá với mức 2,4 tỷ đồng/m2 tại Thủ Thiêm đã kéo theo làn sóng các nhà đầu tư khác trúng đấu giá tại đây cũng nối gót bỏ cọc.

Việc đấu giá cao rồi bỏ cọc được ghi nhận tại nhiều địa phương trên cả nước khiến cơ quan chức năng đau đầu.

UBND huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) cách đây ít ngày cũng phải ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá 46 lô đất ở xã Xuân Sinh, do những người trúng đấu giá không nộp tiền, bỏ cọc.

46 lô đất này được tổ chức đấu giá vào tháng 4/2021, giá khởi điểm là 250 triệu/lô 125m2. Thời điểm bán hồ sơ có hơn 2.000 bộ hồ sơ tham gia, chủ yếu là người dân địa phương. Tuy nhiên, khi tổ chức đấu giá, một số người ở nơi khác đến bỏ với giá cao dao động từ 1,1 tỷ đến 1,4 tỷ đồng/lô nên người dân địa phương không trúng được lô nào.

Tuy nhiên cũng từ khi có kết quả trúng đấu giá đến nay, những người trúng đấu giá không thực hiện nghĩa vụ tài chính nên đành phải bỏ cọc sau khi hết thời gian theo quy định.

Cũng với tình trạng trên, tại huyện Quảng Xương, lãnh đạo huyện này cho biết, vừa ký hàng loạt quyết định về việc hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với 35 lô đất vì nhà đầu tư không nộp đủ số tiền trúng đấu giá theo quy định. Tất cả số tiền đặt cọc của 35 lô đất trên sẽ được huyện Quảng Xương thu hồi theo quy định.

Tại huyện Yên Dũng (Bắc Giang), đã có 77 lô đất khách hàng bỏ cọc với tổng số tiền trả giá gần 147 tỷ đồng. Trong số này, khu dân cư thôn Xuân Đông, xã Xuân Phú có 38/66 lô; khu dân cư thôn Huyện, xã Tiến Dũng có 21/42 lô; khu đất ở và kinh doanh dịch vụ xã Nội Hoàng có 18/88 lô bỏ cọc.

Theo ghi nhận của Bộ Xây dựng , thời gian qua đã có nhiều trường hợp trúng đấu giá quyền sử dụng đất với mức giá cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm. Mức giá này được dùng làm thông tin tham chiếu, xác định giá đất đã tạo ra một mặt bằng giá mới (thậm chí cao hơn nhiều) cho khu vực lân cận địa điểm đấu giá.

Đáng chú ý là, hiện tượng "hét" giá rất cao một số lô đất, rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá “ảo” để thao túng thị trường, mua đi, bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá khác thu lợi bất chính diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi, thậm chí mang tính tổ chức.

Đánh giá về thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, việc trúng đấu giá quyền sử dụng đất với mức giá cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, kéo theo sự tăng giá của các sản phẩm nhà ở, bất động sản đã hoặc đang chào bán lân cận địa điểm đấu giá.

Ngoài ra, mặt bằng giá đất tăng quá cao sẽ khiến doanh nghiệp, chủ đầu tư không thể có phương án đầu tư, kinh doanh hiệu quả, dẫn đến không thu hút được đầu tư xây dựng trên địa bàn và làm suy giảm, hạn chế nguồn cung trong tương lai.

Trước thực tế nêu trên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những hệ luỵ, tiêu cực đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra về đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đấu giá, có yếu tố trục lợi trong đấu giá quyền sử dụng đất.

Theo Ngọc Mai

Tiền phong

Trở lên trên