Thêm Sacombank, VietinBank tăng lãi suất huy động
Không chỉ những ngân hàng nhỏ mà tại Top 10 nhà băng lớn nhất cũng đã xuất hiện lãi suất trên 7%/năm. Ở nhóm Big 4 cũng lần đầu tiên trong 2 năm gần đây xuất hiện lãi suất trên 6%/năm.
- 09-09-2022Lãi suất liên ngân hàng lên đỉnh 10 năm
- 07-09-2022Cuộc đua hút tiền gửi thêm “nóng”, hôm nay 7/9 một ngân hàng tăng tiếp lãi suất
- 07-09-2022Lãi suất huy động liên tục tăng, tiền mất hút đi đâu?
Tại VietinBank, từ ngày 31/8/2022, ngân hàng đã triển khai chương trình cộng thêm lãi suất tới 0,5%/năm cho các khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm online kỳ hạn từ 1 đến 24 tháng trên VietinBank iPay.
Cụ thể, với kỳ hạn 1, 2, 3, 4, 5, 6 , 9, 12 tháng, VietinBank cộng thêm 0,4%/năm đối với khoản tiền gửi dưới 5 tỷ đồng và 0,5%/năm đối với khoản tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở lên. Theo đó, khi gửi tiết kiệm online, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng là 3,5-3,6%/năm, lãi suất kỳ hạn 3 tháng – 5 tháng là 3,9-4%/năm, lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 4,4-4,5%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 6-6,1%/năm.
Đối với các kỳ hạn 13 tháng, 18 tháng, 24 tháng, VietinBank cộng thêm 0,4%/năm so với gửi tại quầy, không phân biệt số tiền gửi bao nhiêu. Theo đó, lãi suất ở các kỳ hạn này khi gửi online là 6%/năm.
Đây là mức lãi suất cao nhất tại VietinBank kể từ tháng 7/2020 đến nay. VietinBank cũng đang là ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất trong các ngân hàng Big 4. Tại Vietcombank, lãi suất cao nhất là 5,8%/năm kỳ hạn 12 tháng khi gửi online.
Thêm một ngân hàng lớn khác là Sacombank cũng áp dụng biểu lãi suất mới trong tháng 9 và tăng khoảng 0,2 điểm % ở nhiều kỳ hạn, ở cả hình thức gửi tiền tại quầy và gửi tiền online.
Cụ thể, đối với hình thức gửi tại quầy, tại kỳ hạn 6 tháng, ngân hàng tăng 0,2%/năm lên 5,4%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng tăng 0,2%/năm lên 6%/năm. Lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy là 6,5%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 6,5%/năm
Đối với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, lãi suất cũng tăng 0,1-0,2 điểm %. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng 0,1%/năm lên 3,9%/năm. Lãi suất gửi 6 tháng tăng 0,2%/năm lên 5,9%/năm. Ở kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng cũng tăng 0,2%/năm lên lần lượt 6,4%/năm, 6,9%/năm và 7%/năm.
Ngoài ra, khách hàng gửi tiết kiệm và tham gia bảo hiểm nhân thọ thì từ ngày 1/7/2022 sẽ được áp dụng lãi suất cao hơn khoảng 0,2 điểm % so với thông thường. Theo đó, khách hàng Sacombank có thể được hưởng lãi suất cao nhất là 7,2%/năm khi gửi tiết kiệm kỳ hạn 36 tháng.
Quan sát cho thấy, trong tuần cuối tháng 8 và đầu tháng 9 đã có hơn 10 ngân hàng công bố biểu lãi suất huy động mới và đều điều chỉnh tăng. Mặt bằng lãi suất tiền gửi đã lên mức cao hơn so với quý 2/2022.
Không chỉ ở những ngân hàng nhỏ mà tại Top 10 nhà băng lớn nhất, có nhiều tiền gửi nhất hiện nay cũng đã xuất hiện lãi suất trên 7%/năm như tại Sacombank (7,2%/năm), VPBank (7%/năm),….Ở nhóm Big 4 cũng lần đầu tiên xuất hiện lãi suất trên 6%/năm, tính trong 2 năm gần đây.
Theo Chứng khoán Mirae Asset, thanh khoản thắt chặt đã thúc đẩy lãi suất huy động tiếp tục tăng. Trái ngược với tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tiền gửi chỉ đạt hơn 4,5% trong nửa đầu năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng là gần 9,4%. Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có động thái rút ròng khoảng 111 nghìn tỷ qua kênh OMO. Vì vậy, nhiều ngân hàng (đặc biệt là các ngân hàng nhỏ) đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi. Mức tăng lãi suất cũng khá phân hóa giữa các nhóm ngân hàng dao động từ 0,1%/năm đến 0,5%/năm trong giai đoạn cuối quý 2/2022.
Nhóm phân tích kỳ vọng tiền gửi phục hồi từ động lực lãi suất hấp dẫn. Nhằm bù cho các rủi ro đang gia tăng như áp lực lạm phát và tăng lãi suất điều hành của các nền kinh tế lớn, dẫn đến rủi ro mất giá của đồng nội địa, các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất để thu hút dòng tiền tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn. Vì vậy, các đợt điều chỉnh lãi suất sắp tới sẽ thúc đẩy tăng trưởng tiền gửi.
Nhịp sống kinh tế