Ngoài anh trai bầu Thụy, thêm "tay chơi" nhảy vào ngành thép: Một DN vừa được chấp thuận đầu tư DA hơn 60.000 tỷ
Tỉnh Bình Định vừa chấp thuận cho Long Sơn Phù Mỹ đầu tư siêu dự án này.
- 11-11-2022Sau Pomina, Hòa Phát, đến lượt Formosa Hà Tĩnh thông báo cắt giảm sản lượng thép
- 02-11-2022Top những doanh nghiệp lỗ lớn nhất quý 3: Ngành thép chiếm đa số, hai công ty hàng không đứng đầu với khoản lỗ hàng nghìn tỷ
- 01-11-20226 năm sau câu nói kinh điển "ngu gì không làm thép" của ông Lê Phước Vũ: May mà Hoa Sen không làm thép!
Sau thông tin Tập đoàn Xuân Thiện (do ông Nguyễn Văn Thiện - anh trai bầu Thụy làm Chủ tịch HĐQT) vừa khởi công 1 trong 3 dự án thuộc Tổ hợp dự án thép xanh Xuân Thiện quy mô 100.000 tỷ đồng tại Nam Định, thị trường thép đón nhận thêm thông tin UBND tỉnh Bình Định vừa chấp thuận chủ trương đầu tư Khu liên hợp Gang thép Long Sơn ở thị xã Hoài Nhơn, với tổng vốn 53.500 tỷ đồng. Dự án do CTCP Gang thép Long Sơn Phù Mỹ làm chủ đầu tư, được triển khai ở thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ với quy mô 468 ha, công suất 5,4 triệu tấn/năm.
Dự án sẽ chia thành 3 giai đoạn đầu tư, trong đó giai đoạn một dự kiến đưa vào sản xuất cuối năm 2024 (nhà máy sẽ sản xuất thép chế tạo chất lượng, thép xây dựng và thép cuộn).
Phối cảnh dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn
Đồng thời, nhà đầu tư này cũng đang nghiên cứu đầu tư Khu bến cảng Hoài Nhơn trên tổng diện tích khoảng 496,9 héc ta mặt đất và mặt biển. Cảng Hoài Nhơn được nghiên cứu quy hoạch là cảng chuyên dùng phục vụ cho sản xuất của Khu liên hợp Gang thép Long Sơn và hướng đến cảng tổng hợp trong tương lai.
Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 10.000 tỷ đồng với quy mô đầu tư được chia làm 2 giai đoạn.
Khi đi vào hoạt động, hai dự án trên được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ cảng biển, qua đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bình Định và các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
Theo tìm hiểu, CTCP Long Sơn Phù Mỹ mới được thành lập cách đây hơn 1 năm, chính thức hoạt động từ ngày 5/7/2021. Công ty có địa chỉ tại Thôn Lộ Diêu, Xã Hoài Mỹ, Thị xã Hoài Nhơn, Tỉnh Bình Định
Người đại diện pháp luật của công ty là ông Trịnh Quang Hải (SN 1968). Ngành nghề chính của công ty là khai thác quặng sắt, khai thác đá, cát, sỏi, đất sét, sản xuất sắt, thép, gang, sản xuất xi măng...
Kế hoạch đầu tư sản xuất thép của các doanh nghiệp này đã được công bố trước đó, tuy nhiên việc khởi động lại diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh toàn ngành thép đang "thê thảm". Quý III/2022, hàng loạt doanh nghiệp thép lớn (Hòa Phát, Hoa Sen Group, VNSteel, Pomina...) báo lỗ lịch sử và phải tiến hành dừng lò cao, cắt giảm công suất do lượng hàng tồn kho còn nhiều.
Hồi tháng 6/2021, dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 tại Quảng Ngãi của Tập đoàn Hòa Phát được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng diện tích 280ha. Tổng vốn đầu tư khoảng 85.000 tỷ đồng với mục tiêu sản xuất gang, thép đạt công suất 5,6 triệu tấn/năm. Tuy nhiên đến ngày 20/6/2022, dự án vẫn còn 57,81ha chưa giải phóng mặt bằng.
Quý III vừa qua, bức tranh tài chính của Hòa Phát cũng rất bi quan khi lỗ lịch sử 1.800 tỷ, buộc dừng hoạt động 4 lò cao. Một báo cáo mới công bố của SSI Research dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Hoà Phát sẽ giảm xuống 10.200 tỷ đồng, giảm 70% so với năm 2021.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đưa ra dự báo, thị trường thép trong nước quý IV/2022 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do hoạt động xuất khẩu kém khả quan, cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất; các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành thép.
Nhịp sống thị trường