Thêm thị trường, xuất khẩu trái cây sẽ đột phá
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đang gấp rút chuẩn bị đưa nhiều loại trái cây xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường cao cấp. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, ngay từ bây giờ, các vùng trồng phải khẩn trương tổ chức sản xuất an toàn, có mã vùng trồng để sẵn sàng xuất khẩu.
- 07-01-2022Trái cây xuất khẩu “giải cứu” nằm la liệt phố Hà Nội
- 31-12-2021'Xuất khẩu trái cây sang TQ như đi chợ huyện, đi bán chưa biết người mua là ai'
- 26-08-2020Dưa lưới đắt đỏ ế thừa mùa dịch, tìm mở lại đường xuất khẩu trái cây đặc sản
Hàng loạt trái cây sắp được xuất chính ngạch
Một tin vui với nông sản Việt là Bộ NN&PTNT đang gấp rút quá trình đàm phán với nhiều thị trường cao cấp để xuất khẩu chính ngạch một số loại trái cây. Theo đó, đối với thị trường Nhật Bản, Bộ NN&PTNT cho biết, theo cam kết của Chính phủ 2 nước, đến tháng 9 sẽ mở cửa cho quả nhãn Việt Nam sang thị trường này.
Theo các chuyên gia, để xuất khẩu chính ngạch thành công, người dân, DN cần thay đổi thói quen trong sản xuất
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, trong tháng 6 vừa qua, đơn vị này và cơ quan chức năng phía Nhật Bản đã kết thúc đàm phán. Hiện, hai bên đã thống nhất phần kỹ thuật, dự kiến cuối tháng 7 sẽ hoàn thiện bản dự thảo về xuất khẩu và chính thức công bố kết quả.
Ngoài ra, Việt Nam và Mỹ đã hoàn tất các khâu đàm phán, chuẩn bị về kỹ thuật đối với quả bưởi. Trong tháng 7, dự kiến đoàn chuyên gia của Mỹ sẽ sang Việt Nam cùng với Cục Bảo vệ thực vật và các nhà máy chiếu xạ trên cả nước thống nhất liều lượng chiếu xạ đối với trái bưởi.
“Việc đàm phán thành công mở ra cơ hội cho gần 950 nghìn tấn bưởi của Việt Nam chinh phục thị trường cao cấp như Mỹ. Sau khi đàm phán xuất khẩu chính ngạch bưởi sẽ đến trái dừa. Chúng tôi cũng đề nghị với Mỹ đàm phán theo phương thức rút gọn vì đã nhiều năm chúng ta xuất khẩu qua thị trường Mỹ”, ông Trung nói.
Cũng theo ông Trung, Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn thiện các dự thảo nghị định thư đối với trái sầu riêng và đang chờ phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký rồi gửi lại. Sau đó, hai bên sẽ thống nhất thời gian công bố. Dự kiến trong năm nay, Việt Nam có thể xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc.
Với sản lượng mỗi năm đạt khoảng 650 nghìn tấn sầu riêng, trong đó Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất, việc đàm phán xuất khẩu chính ngạch thành công sẽ tạo điều kiện cho loại “vua trái cây” của Việt Nam đường đường chính chính thâm nhập vào thị trường này, thay vì xuất tiểu ngạch tiềm ẩn nhiều rủi ro như thời gian qua.
“Ngay bây giờ, các vùng trồng phải khẩn trương tổ chức sản xuất an toàn, có mã vùng trồng để khi Bộ NN&PTNT đàm phán mở cửa xong thì sẵn sàng xuất khẩu, tận dụng được cơ hội. DN, người trồng Việt Nam cần thực hiện cuộc cách mạng trong sản xuất”.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt
Đặc biệt, Trung Quốc đang đề nghị nhập khẩu chính ngạch quả chanh leo theo hình thức tạm thời giống như quả ớt, dự kiến bắt đầu từ tháng 7. Theo lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, đây là mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu sản lượng lớn, giá trị cao. Dự kiến, trái chanh leo tươi của nước ta được Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu vào tỉnh Quảng Đông (qua cửa khẩu 2 tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh) để thí điểm với điều kiện sản phẩm phải xuất phát từ vùng có mã số vùng trồng, có mã số đóng gói...
Cách mạng trong sản xuất
Theo Bộ NN&PTNT, trong 6 tháng cuối năm 2022, sản lượng cây ăn quả chính ở phía Nam ước tính 4,1 triệu tấn. Việc trái cây Việt Nam đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang các thị trường có giá trị xuất khẩu cao là tín hiệu tích cực.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, để trái cây xuất sang các thị trường cao cấp thành công, chúng ta không thể yêu cầu các nước nhập khẩu hạ tiêu chuẩn xuống mà buộc chúng ta phải nâng tiêu chuẩn sản xuất để đáp ứng yêu cầu của đối tác.
“Ngay bây giờ, các vùng trồng phải khẩn trương tổ chức sản xuất an toàn, có mã vùng trồng để khi Bộ NN&PTNT đàm phán mở cửa xong thì sẵn sàng xuất khẩu, tận dụng được cơ hội. DN, người trồng Việt Nam cần thực hiện cuộc cách mạng trong sản xuất”, ông Tùng cho hay.
Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cho biết, hiện các thị trường như Nhật Bản, Mỹ, Úc…đều yêu cầu rất nhiều tiêu chí khắt khe, với nhiều công đoạn công phu. Chẳng hạn, đối với quả nhãn, trước khi xuất sang Nhật cần phải xử lý bằng hơi nước nóng, xử lý xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide, xử lý chiếu xạ, xử lý lạnh…Phía Nhật Bản sẽ cử cán bộ kiểm dịch sang Việt Nam giám sát từng lô hàng mới đồng ý cho xuất khẩu.
“Đặc biệt, các thị trường đều yêu cầu vùng trồng phải có biện pháp giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, có ghi chép nhật ký đồng ruộng, khuyến khích áp dụng GAP trong quá trình sản xuất và áp dụng các biện pháp quản lý sinh vật gây hại. Nếu chúng ta vẫn duy trì sản xuất theo kiểu cũ sẽ không ai mua”, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cho hay.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh, trong khi tăng mạnh ở các thị trường “khó tính” như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản rất rõ nét. Cho nên đây là cơ hội để nông sản Việt bứt phá cải thiện tình hình.
Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 28 tỷ USD (tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó nhóm nông sản chính đạt 11,3 tỷ USD; lâm sản chính đạt 9,1 tỷ USD; thủy sản 5,8 tỷ USD… Tốc độ tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78% (đóng góp 5,07% trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế). Thặng dư thương mại toàn ngành đạt khoảng 5,75 tỷ USD, gấp 2 lần so với 6 tháng đầu năm 2021.
Trí Thức Trẻ