Thêm trách nhiệm cho Ngân hàng Nhà nước
Nhiều ý kiến cho rằng, những yêu cầu mới đặt ra với NHNN sẽ giúp doanh nghiệp và nền kinh tế “dễ thở hơn”, tuy nhiên với ngành ngân hàng thì khó lại thêm khó.
- 18-07-2017Thống đốc: Đã có giải pháp huy động vàng, USD trong dân
- 18-07-2017Thủ tướng: “Không nên để vốn ngân hàng chỉ chảy vào các đại gia”
- 18-07-2017Gập ghềnh đường về mệnh giá của 2 cổ phiếu Ngân hàng
-
Biến số lạm phát trong nước luôn cần được dự đoán, phân tích khi muốn biết đường hướng của chính sách tiền tệ và lãi suất ở Việt Nam
-
Một khi đã đạt đến các ngưỡng an toàn và các cân nhắc vĩ mô tổng thể thì việc mua hay bán cần thiết phải dừng lại hoặc đảo chiều một cách cũng linh hoạt, thông qua điều chỉnh tỷ giá mua, bán tương ứng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, mới đây đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có giải pháp hạ lãi suất, tăng cường cho vay các doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp khởi nghiệp, đồng thời có giải pháp huy động ngoại tệ thay vì gửi với lãi suất 0% để hòa vào các nguồn lực khác cho đầu tư. Kèm với đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đặt ra là 18%-20%, cao hơn mức 18% mà NHNN tuyên bố mới đây sau động thái hạ các lãi suất điều hành hôm 7/7 vừa qua.
Nhiều ý kiến cho rằng, những yêu cầu đặt ra với NHNN sẽ giúp doanh nghiệp và nền kinh tế “dễ thở hơn”, tuy nhiên với ngành ngân hàng thì khó lại thêm khó. Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Phan Minh Ngọc, một chuyên gia về kinh tế tài chính.
PV: Thưa ông, nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho NHNN là điều hành chính sách phù hợp cùng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18-20% - cao hơn so với mục tiêu ban đầu NHNN đưa ra ở mức 18%, phải chăng điều này sẽ làm cho NHNN thêm gánh nặng?
TS. Phan Minh Ngọc: Đúng vậy. Có thể nói là trách nhiệm của NHNN lại càng trở nên nặng nề và khó khăn hơn. Bởi, một mặt, họ phải nới lỏng thêm chính sách tiền tệ để đảm bảo đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn so với trước, trong khi đó vẫn phải đặt ưu tiên lên hàng đầu việc kiềm chế lạm phát dưới 5% trong năm nay, trong khi lạm phát trung bình nửa đầu năm đã đạt trên 4%. Sự thận trọng trước nhiệm vụ khó khăn này cũng được minh họa ngay ở động thái cắt giảm lãi suất điều hành rất khiêm tốn, chỉ 0,25 điểm phần trăm hôm 7/7, trong khi NHNN chủ trương ổn định tăng trưởng tín dụng ở mức 18%.
Nếu không muốn nới lỏng chính sách tiền tệ quá mức làm tăng áp lực lạm phát, NHNN buộc phải dùng đến giải pháp hành chính buộc các ngân hàng thương mại phải giảm lãi suất cho vay 0,5 đến 1 điểm phần trăm/năm. Nhưng trong việc này, do sự hỗ trợ của NHNN dưới dạng cung cấp vốn đầu vào cho hệ thống ngân hàng thương mại chỉ có hạn (hiện tại mới chỉ giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất điều hành) nên việc buộc các ngân hàng thương mại phải giảm lãi suất ở mức nhiều hơn mức giảm của NHNN sẽ làm ảnh hưởng trầm trọng đến doanh thu và lợi nhuận của các ngân hàng thương mại.
Nhưng các ngân hàng vẫn phải tuân thủ theo mệnh lệnh của NHNN chứ?
Khi doanh thu và lợi nhuận của hệ thống ngân hàng thương mại tụt giảm sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng tái đầu tư, bổ sung vốn, củng cố tính an toàn của hệ thống, cũng như làm giảm mức độ nộp ngân sách thông qua thuế thu nhập doanh nghiệp từ các ngân hàng.
Đó là chưa nói đến khả năng thực tế có thể xảy ra là các ngân hàng thương mại tuy một mặt sẽ chấp hành chỉ đạo cắt giảm lãi suất của NHNN, nhưng mặt khác lại thu hẹp cho vay trong những lĩnh vực mà NHNN chỉ đạo phải tăng cường cho vay, trong bối cảnh có sự thiếu vắng quy định bắt buộc các ngân hàng thương mại phải dành tối thiểu bao nhiêu phần trăm dư nợ cho một lĩnh vực, ngành cụ thể nào đó. Hoặc cũng có thể các ngân hàng thương mại sẽ lách chỉ đạo này bằng cách áp dụng các loại phí, lệ phí lên khách hàng doanh nghiệp và cá nhân vay vốn để bù đắp vào phần lãi suất bị cắt giảm theo chỉ đạo của NHNN.
Chính phủ yêu cầu các ngân hàng tăng cho vay với nhóm doanh nghiệp mới thành lập hoặc khởi nghiệp, đây là một chủ trương rất đúng đắn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tiếp thêm sức mạnh cho họ. Về phía các ngân hàng liệu có vấn đề gì không thưa ông?
Với chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu hệ thống ngân hàng tăng cường cho vay doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp khởi nghiệp, đây cũng là một khó khăn, thách thức lớn, đặc biệt với NHNN khi phải chỉ đạo và theo dõi việc cho vay của các ngân hàng thương mại. Bởi các ngân hàng thương mại thường rất e dè cho các doanh nghiệp mới vay khi các doanh nghiệp này chưa hoặc mới bắt tay vào sản xuất, kinh doanh, chưa có lịch sử hoạt động và đủ thời gian để chứng tỏ năng lực, tính cạnh tranh, khả năng tồn tại, khả năng trả nợ v.v… Nếu không có các biện pháp hành chính, bắt buộc từ NHNN thì các ngân hàng thương mại sẽ luôn tìm cách giảm thiểu việc cho vay với những doanh nghiệp loại này.
Nhưng việc áp dụng biện pháp hành chính, bắt buộc của NHNN sẽ có khả năng được đối phó lại bởi các hành động lách quy định của ngân hàng thương mại như đối với trường hợp cắt giảm lãi suất cho vay đến một số lĩnh vực và ngành ưu tiên nói ở trên. Do đó, chủ trương tăng cường cho vay các doanh nghiệp mới và doanh nghiệp khởi nghiệp có thể sẽ không đạt được như ý muốn.
Chính phủ cũng chỉ đạo NHNN nghiên cứu biện pháp huy động ngoại tệ trong dân. Đối với việc này nhiều chuyên gia cho rằng sẽ khó khả thi vì lãi suất USD hiện nay bằng 0%. Còn ông nhận định thế nào?
Đối với chỉ đạo huy động ngoại tệ trong dân, đây cũng là một tình huống khó xử với NHNN. Chủ trương hạ lãi suất tiền gửi ngoại tệ về 0% trước đây là một động thái được cho là cần thiết để không chỉ giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế mà còn có mục đích quan trọng là giảm áp lực lên ổn định tỉ giá và lạm phát.
Nay, với chỉ đạo mới của Chính phủ, NHNN có thể sẽ sớm phải nâng trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ lên trên 0%. Và cái khó thêm ở đây là nếu chỉ nâng trần này lên ở mức “gọi là”, ví dụ, 0,25%/năm, thì mức này vẫn là chưa đủ để hấp dẫn người dân gửi ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng, và tức là lượng ngoại tệ huy động qua kênh này sẽ hạn hẹp. Nhưng nếu nâng trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ lên cao quá thì lại có rủi ro không chỉ là làm trầm trọng thêm nạn đô la hóa cũng như đe dọa sự ổn định của tỉ giá, mà còn làm cho chi phí huy động qua kênh phát hành trái phiếu ngoại tệ của Chính phủ (thông qua hệ thống ngân hàng) trở nên đắt đỏ hơn, không rẻ hơn nhiều so với nếu huy động từ nước ngoài.
Tóm lại, với các yêu cầu mới, ông cho rằng trách nhiệm của NHNN sẽ nặng nề và khó khăn hơn?
Đúng vậy. Trách nhiệm của NHNN trong thời gian tới sẽ trở nên nặng nề và khó khăn hơn nhiều khi họ trở thành chủ thể chính trong việc thúc đẩy tăng trưởng nhưng vẫn phải đảm bảo ổn định vĩ mô và an toàn hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh này, có lẽ NHNN buộc phải thực thi các chính sách “dò và tiến” vừa để Chính phủ thấy nỗ lực của mình đồng thời không làm tăng thêm đáng kể các rủi ro cho nền kinh tế.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!