MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm trợ lực cho doanh nghiệp bứt tốc

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Nghị quyết 02/2024 sẽ tháo gỡ mạnh mẽ những nút thắt trong môi trường đầu tư, kinh doanh để phát triển bứt phá.

Nghị quyết 02/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã "trở lại" sau một năm lồng ghép vào Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước.

Còn nhiều khó khăn

Nghị quyết 02/2024 nêu rõ gần đây, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh có xu hướng chậm lại, thậm chí có lĩnh vực còn tạo thêm thủ tục không cần thiết, khiến doanh nghiệp (DN) đối mặt với rủi ro. Những khó khăn liên quan quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, thực hiện dự án đầu tư... tiếp tục là rào cản lớn.

Thêm trợ lực cho doanh nghiệp bứt tốc - Ảnh 1.

Cuối tháng 12-2023, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có công văn gửi Chính phủ, phản ánh tình trạng DN phải tiếp quá nhiều đoàn thanh - kiểm tra trong năm. Theo VASEP, cùng một nội dung, lĩnh vực nhưng lại có nhiều đơn vị thanh - kiểm tra khác nhau, đặc biệt là ở nhóm nội dung về hải quan, thuế, môi trường. Hơn nữa, hoạt động này diễn ra với tần suất quá dày, cách thức thực hiện phiền hà dẫn đến DN phát sinh chi phí, gián đoạn sản xuất - kinh doanh và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh. Trong bối cảnh DN thiếu đơn hàng, lao động và giá cả sụt giảm, hoạt động thanh - kiểm tra đã khiến gánh nặng gia tăng. Đáng chú ý, tình trạng này chỉ là một trong số những khó khăn mà DN đang đối mặt.

Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), do trên thế giới có xung đột địa chính trị nên tình hình hiện nay rất khó dự báo, có thể hôm trước thị trường ấm lên nhưng hôm sau lại khác. Chẳng hạn, căng thẳng tại Biển Đỏ khiến chi phí vận tải tăng, đẩy nhiều DN xuất khẩu vào thế khó. "Do đó, sự hỗ trợ từ nhà nước qua việc cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư - kinh doanh, giảm rủi ro chính sách, nâng cao sức chống chịu của DN là rất cần thiết lúc này" - ông Hiếu bày tỏ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn nhìn nhận thể chế phát triển các loại thị trường chưa theo yêu cầu, sự vận động nhanh, đa dạng của xu thế phát triển. Việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh có nơi, có lúc còn chậm, chưa thực sự tạo môi trường thông thoáng. Năm 2024, bộ sẽ nắm bắt phản ánh của DN để tham mưu, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh; hỗ trợ phát triển DN lớn, đầu đàn, DN tư nhân vươn ra thế giới.

Doanh nghiệp là trung tâm cải cách

Chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh kỳ vọng với Nghị quyết 02/2024, Chính phủ, các bộ, ngành sẽ tập trung sâu hơn vào mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh với những nhiệm vụ cụ thể, chi tiết. Hiện nay, DN vẫn đối mặt nhiều khó khăn nên việc cải thiện môi trường kinh doanh sẽ tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đây chính là cơ sở để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra.

TS Vũ Đình Ánh góp ý các bộ, ngành cần quyết liệt hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh, nắm rõ những điểm nghẽn từ phản ánh của DN để tháo gỡ kịp thời. Bên cạnh đó, việc duy trì những chính sách hỗ trợ DN như giảm thuế GTGT, giãn - hoãn các loại thuế. phí, giảm lãi suất cho vay... và bổ sung chính sách hỗ trợ mới trong năm 2024 là rất cần thiết.

Trong khi đó, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, cần coi DN là trung tâm cải cách để việc cải cách đi vào thực chất.

Tại Nghị quyết 02/2024, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thường xuyên phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội DN tổ chức các hoạt động đối thoại thực chất với người dân, DN để kịp thời nắm bắt phản hồi chính sách; giải quyết ngay khó khăn, vướng mắc. Đáng chú ý, trước ngày 20-1, các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hành động để triển khai Nghị quyết 02/2024, báo cáo về Chính phủ.

Phó Tổng Thư ký VCCI, ông Đậu Anh Tuấn, cho rằng cần có sự đồng bộ ở các cấp trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, quyết liệt cắt bỏ rào cản, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, chú trọng cắt giảm chi phí không cần thiết cho DN trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, DN khó tìm kiếm đơn hàng. 

Tránh thanh tra trùng lặp, chồng chéo

Tại Nghị quyết 02/2024, Chính phủ xác định cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho DN. Đồng thời, kế hoạch thanh - kiểm tra được rà soát, bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo, cản trở, gây khó khăn cho DN. Chính phủ cũng tập trung tháo gỡ bất cập về pháp lý, cải cách danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn cho DN. Đồng thời, hoàn thiện chính sách và nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh.


Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên