MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cước tàu biển tăng phi mã, doanh nghiệp "ngồi trên lửa"

Cước vận chuyển tàu biển đến Mỹ, châu Âu có tuyến tăng tới 350% từ đầu năm 2024, khiến doanh nghiệp xuất khẩu lo lắng

Đang tất bật với những chuyến hàng cuối năm để phục vụ bà con Việt kiều ở Mỹ ăn Tết, ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods), cho biết vừa nhận được thông báo của hãng tàu về việc tăng thời gian vận chuyển lên 7-10 ngày so với trước vì một số chuyến tàu đổi lịch trình. "May mắn sản phẩm của Sông Hương Foods là hàng đông lạnh nên đến nơi vẫn bán được. Sang năm 2024, việc các hãng tàu tăng cước mạnh, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu" - ông Tuấn nói.

Cước tàu biển tăng tới 350%

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dẫn thông tin tổng hợp từ các doanh nghiệp (DN) hội viên cho thấy từ tháng 1-2024, hàng loạt hãng vận tải lớn như: Yang Ming Line, One, Evergreen Line, HMM, Maersk… đã thông báo sẽ thu thêm phụ phí do phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á - châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực Biển Đỏ.

Theo các DN, từ tháng 1-2024, cước vận chuyển container bằng tàu biển đi Mỹ/Canada và EU đều tăng cao so với tháng 12-2023, tùy hãng và tùy tuyến. Cụ thể, cước tàu từ Việt Nam sang Mỹ, Canada đến Bờ Tây từ mức 1.850 USD/container tháng 12-2023 lên 2.873-2.950 USD/container cho tháng 1-2024, tức tăng 55%-60%. Các chuyến tàu đến Bờ Đông tháng 12-2023 giá ở mức 2.600 USD/container tăng lên 4.100-4.500 USD/container cho tháng 1-2024, tức tăng 58-73%. Cước tàu sang EU còn tăng mạnh hơn như tuyến đến cảng Hamburg (Đức) có giá 1.200-1.300 USD/container trong tháng 12-2023 tăng lên 4.350 USD-4.450 USD/container trong tháng 1, tức tăng 350%.

Xuất khẩu hàng hóa qua cảng Cát Lái (TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Xuất khẩu hàng hóa qua cảng Cát Lái (TP HCM) .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nguyên nhân là do căng thẳng tại Biển Đỏ ảnh hưởng đến an toàn và đường vận tải của nhiều hãng tàu, nên họ buộc phải thay đổi hành trình, dẫn đến thời gian vận chuyển dài hơn, chi phí tăng lên.

Các chuyên gia cho biết khoảng 80% lượng hàng đến Bờ Đông nước Mỹ/Canada và EU đều qua kênh đào Suez nhưng do bất ổn tại khu vực này nên các hãng buộc phải vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi), hành trình mất thêm 7-10 ngày. Điều này dẫn đến vòng quay của con tàu lâu hơn, phát sinh chi phí vận tải nhiều hơn.

Dưới góc nhìn của ngành logistics, ông Đặng Đình Long, Tổng Giám đốc Công ty Logistics Mega A, cho rằng cước tàu biển tăng do yếu tố khách quan và các hãng tàu đã có thông báo cụ thể đến khách hàng. "Cũng may là mùa cao điểm xuất khẩu giá cước vẫn còn ổn định. Thông lệ hằng năm từ đầu năm đến tháng 4 là mùa thấp điểm xuất nhập khẩu nên cước tàu thường giảm nhưng nay ngược lại. Chỉ khi nào tình hình ở Biển Đỏ được giải quyết, an toàn hàng hải trở lại, cước tàu mới có cơ hội giảm" - ông Long nói.

Nguy cơ bị ép giá

Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Long Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, cho biết năm 2023 hầu hết DN trong ngành đều bị lỗ. Qua năm 2024 lại gặp cước tàu tăng gây khó khăn thêm. Bởi lẽ, ngành điều đang trong bối cảnh cung vượt cầu nên bị bên mua hàng ép. "Cụ thể, với các hợp đồng cũ bán hàng giao tại cảng đến (CIF) DN Việt Nam sẽ chịu lỗ phần cước tàu còn các hợp đồng mua tại cảng đi (FOB) DN Việt Nam có thể bị ép giá để bù cước tàu tăng. DN Việt Nam cần bán hàng để xoay đồng vốn trả nợ ngân hàng, lấy nguyên liệu nên bắt buộc phải bán" - ông Sơn nêu.

Ông Sơn thông tin hiện tại ông đang ở Mỹ và rất buồn khi thấy hầu hết giá cả hàng hóa tại đây đều tăng nhưng hạt điều lại giảm giá. Như siêu thị Costco trước đây bán 1 hộp hạt điều chiên 1,1 kg giá 16 USD thì nay chỉ còn 12,4 USD. "Chúng tôi chưa có giải pháp nào để chống đỡ, chỉ chờ kinh tế thế giới khởi sắc, sức mua tăng lên cho ngành điều qua giai đoạn thừa cung. Ngoài ra, các nước giải quyết được căng thẳng Biển Đỏ, các hãng tàu cạnh tranh thì giá cước tàu mới về mức hợp lý" - ông Sơn bày tỏ.

Còn đại diện VASEP cũng cho hay cước tàu tăng là thách thức mới cho DN thủy sản trong năm 2024. Nếu căng thẳng tại vùng Biển Đỏ tiếp diễn hoặc leo thang, có thể dẫn đến hệ lụy là chi phí vận tải tăng, giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và lợi nhuận của ngành. "Các cơ quan chức năng cần sớm có các giải pháp để hỗ trợ cộng đồng DN xuất nhập khẩu giảm áp lực lớn về chi phí vận tải tăng cao như hiện nay" - VASEP đề nghị. 

Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo gì?

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, đã có văn bản khuyến cáo về việc hạn chế tác động của tình hình phát sinh tại khu vực Biển Đỏ. Cục Xuất nhập khẩu dự báo cước phí vận chuyển và phí bảo hiểm cho hàng hóa trao đổi giữa châu Á với EU và Bờ đông Bắc Mỹ sẽ tăng lên và hiện tượng thiếu container rỗng có thể xảy ra cục bộ.

Đơn vị này đề nghị các DN theo dõi sát tình hình, chủ động lên phương án thích hợp, trao đổi với đối tác để trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thời gian đóng hàng, nhận hàng. Các DN tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung để hạn chế ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng. Ngoài ra, có thể tìm hiểu về phương thức vận chuyển đường sắt để có lựa chọn khác nhau về phương thức giao hàng.

Ngoài ra, DN khi ký kết và đàm phán hợp đồng thương mại, hợp đồng vận chuyển nên có điều khoản về bồi thường, miễn trách nhiệm trong các tình huống khẩn cấp. Cần mua bảo hiểm đầy đủ để phòng ngừa rủi ro và tổn thất khi hàng hóa kéo dài thời gian vận chuyển hoặc gặp sự cố khi đi qua tuyển đường này.


Theo Ngọc Ánh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên