MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Theo dõi 700 cặp vợ chồng trong suốt 40 năm, tôi tìm ra 3 vấn đề quan trọng cốt lõi trong hôn nhân: Đổ vỡ hay bền lâu đều phụ thuộc vào điều này!

19-07-2020 - 00:02 AM | Sống

Chứng kiến 40 năm hôn nhân của hàng trăm gia đình, chuyên gia tâm lý nhận ra rằng: 69% các vấn đề rắc rối luôn luôn tồn tại. Khi đã trải qua thì người ta mới càng hiểu thấu bản chất.

John Mordecai Gottman là một nhà nghiên cứu tâm lý và bác sĩ lâm sàng người Mỹ. Ông đã làm việc suốt bốn thập kỷ để nghiên cứu về các vấn đề trong hôn nhân. Ông cũng là một diễn giả, tác giả, và một giáo sư danh dự về tâm lý học nổi tiếng, được nhiều người kính ngưỡng.

Trong các nghiên cứu của mình, John Gottman đã từng làm một cuộc khảo sát như sau: Ông tiến hành quan sát 700 cặp vợ chồng khác nhau trong suốt 40 năm hôn nhân của họ.

Cuối cùng, một kết luận đáng ngạc nhiên đã được rút ra: 69% các rắc rối trong hôn nhân sẽ luôn luôn tồn tại, từ chuyện lớn như mua nhà, sinh con, cho tới chuyện nhỏ như vứt rác, bóp kem đánh răng… Tất cả đều có thể châm ngòi cho những cuộc cãi vã, tranh chấp. Nếu không lựa chọn bao dung hay tiếp nhận thì xích mích ngày một tích lũy, sớm muộn gì cũng dẫn tới đổ vỡ trong hôn nhân.

"Khi chúng lựa chọn bạn đời cũng là lúc chúng ta chọn về cho mình một tổ hợp rắc rối." John Gottman nói.

Với các tranh chấp và khó khăn luôn luôn tồn tại, vấn đề bản chất của nó nằm ở đâu?

01. Vấn đề đến từ quan hệ thân mật của đôi bên

Một mối quan hệ mật thiết, được hiểu theo đúng nghĩa đen, là đề cập đến sự kết nối chặt chẽ và gần gũi giữa con người với nhau.

Trong cuốn sách "Intimate Relationships" của tác giả Rowland Miller đã viết, quan hệ thân mật ít nhất phải bao gồm 6 đặc điểm là thấu hiểu, quan tâm, ỷ lại lẫn nhau, tương tác, tin tưởng và có sự cam kết.

Về bản chất, những khía cạnh này đại biểu cho hai con người có sự đồng thuận về các giá trị và nhận thức cốt lõi.

Theo dõi 700 cặp vợ chồng trong suốt 40 năm, tôi tìm ra 3 vấn đề quan trọng cốt lõi trong hôn nhân: Đổ vỡ hay bền lâu đều phụ thuộc vào điều này! - Ảnh 1.

Chẳng hạn như, nếu trong hôn nhân, một người coi trọng hạnh phúc gia đình, một người lại ưu tiên tuyệt đối cho công việc và sự nghiệp, như vậy, trong quá trình sinh hoạt, chắc chắn hai người sẽ phát sinh xung đột lớn.

Trong 700 cặp đôi được John Gottman quan sát, vợ chồng nhà Lisa cũng rơi vào trường hợp như vậy. Trong khi Lisa luôn mong muốn chồng quan tâm đến gia đình nhiều hơn thì chồng cô đã quen với tư duy “Đàn ông kiếm tiền, đàn bà chăm sóc gia đình”. Mỗi lần đến ngày kỷ niệm, chồng Lisa lại bận rộn công tác mà không để tâm. Khi con cái đến ngày họp phụ huynh, anh cũng không bao giờ nhớ. Về lâu dài, Lisa bắt đầu cảm thấy không hài lòng và chôn vào cuộc hôn nhân một quả bom hẹn giờ.

Thực tế là, chồng Lisa nỗ lực làm việc cũng chỉ để vợ con được sống một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng do bất đồng quan điểm, thứ anh muốn “cho” lại không phải là thứ mà vợ anh muốn “nhận”.

Bản chất sự mâu thuẫn này đến từ việc thiếu đi nhân tố thấu hiểu, quan tâm và tương tác giữa đôi bên. Không đủ gắn kết để tạo nên mối quan hệ thân mật nên giá trị cốt lõi giữa hai người ngày một khác biệt hơn.

Vào thời điểm này, đôi bên cần phải khống chế cảm xúc, cẩn trọng quan tâm tới lời nói và hành động của nhau, sử dụng các tín hiệu này để đảo ngược các giá trị đối nghịch hoặc trực tiếp thảo luận để đi đến một cơ sở đồng thuận, tức là tìm kiếm điểm chung trong khi bảo lưu sự khác biệt. Tất nhiên, các giá trị không nhất thiết phải nhất quán. Chỉ cần cơ sở đồng thuận càng nhiều, sự thân mật càng cao thì tự nhiên, cả hai sẽ đồng ý tiếp nhận phần khác biệt còn lại của nhau.

02. Vấn đề đến từ “tài khoản” cảm xúc

Đôi khi, cảm xúc cũng giống như tiền mặt nằm trong một tài khoản ngân hàng. Chúng ta tiêu xài tiết kiệm thì sẽ có “của ăn của để” cho tương lai lâu dài. Còn nếu hoang phí mỗi ngày, sớm muộn gì chúng cũng trở nên cạn kiệt.

Trong tài khoản tình cảm, dù là quan hệ bạn bè hay quan hệ hôn nhân, phương pháp tiết kiệm tích lũy quan trọng nhất là niềm tin và sự quan tâm.

Nếu đôi bên đều đóng góp và tích lũy đều đặn thì không có vấn đề gì xảy ra. Nhưng nếu xuất hiện tình cảnh không muốn tiết kiệm, nhưng luôn đòi hỏi tiêu xài thì khi đến thời điểm tài khoản trống rỗng, tình cảm có thể tan vỡ chỉ vì một điều nhỏ nhặt bất kỳ. Đó chính là lý do mà nhiều cặp đôi từng rất yêu nhau vẫn đi tới ly hôn vì tranh chấp vụn vặt thường ngày.

Theo dõi 700 cặp vợ chồng trong suốt 40 năm, tôi tìm ra 3 vấn đề quan trọng cốt lõi trong hôn nhân: Đổ vỡ hay bền lâu đều phụ thuộc vào điều này! - Ảnh 2.

03. Giao tiếp tiêu cực

Trong suốt quá trình khảo sát, nhà tâm lý học nhận ra rằng: Các cuộc cãi nhau của 700 gia đình chia ra 2 xu hướng rõ rệt. Một là, càng cãi càng dở. Hai là, càng cãi càng thân.

Sự khác nhau về quá trình đã dẫn tới kết quả khác biệt.

Với một cuộc tranh cãi mang tính chất xây dựng, không ẩn chứa ngôn từ kích động hay thù địch, chỉ cần đủ năng lực kiểm soát cảm xúc một chút, đôi bên có thể gia tăng sự thấu hiểu và quan tâm lẫn nhau. Như vậy, tranh chấp có thể phục vụ cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Khi nghiên cứu về giao tiếp tích cực, tâm lý học Haim Ginott đề xuất Định luật X-Y-Z trong tranh luận giải quyết vấn đề với mẫu câu như sau: Khi bạn làm X, tôi cảm thấy Y và tôi hy vọng bạn chuyển sang Z.

Ví dụ: Anh đã trễ hẹn trong buổi tiệc tối vào ngày sinh nhật em, em cảm thấy bị tổn thương và tức giận phần nào vì sự vô tâm này, em mong rằng sau này anh sẽ không đi trễ nữa.

Một tuyên bố tích cực, trực tiếp và rõ ràng sẽ đem tới tác dụng khác hẳn với cách giao tiếp tiêu cực, gắn liền với ngôn từ công kích cá nhân như là “Anh là đồ vô tâm”, “Anh chỉ ích kỷ biết lo cho chính mình”, “Anh không còn quan tâm gì đến tôi nữa đúng không?”...

Đối với những tranh chấp nổ ra từ khía cạnh sai lệch quan điểm, đừng để bản thân bị ám ảnh bởi đúng hay sai. Chúng ta hẳn nên hiểu rõ, thế giới này không có đúng - sai hay tốt - xấu tuyệt đối. Vì thế, cuộc cãi vã chứng minh mình đúng và đối phương sai trở thành dư thừa.

Nếu đứng trước một vấn đề khó có khả năng giải quyết, hãy bỏ qua. Vì sao? Vì hai người là một gia đình.

Hôn nhân của bất cứ ai cũng có nhiều vấn đề. Chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ, bỏ mặc các rắc rối lớn dần nhưng cũng không nhất thiết phải giải quyết được 100%. Đôi khi, sự bao dung, thỏa hiệp và chấp nhận cho nhau, cùng nhau đối mặt với các yếu điểm và khác biệt mới là điều quan trọng nhất.

Phương Thúy

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên