MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Theo đuổi mô hình Zero Fee, công ty chứng khoán tìm nguồn thu từ đâu?

Theo đuổi mô hình Zero Fee, công ty chứng khoán tìm nguồn thu từ đâu?

Với tệp khách hàng thu hút được nhờ Zero Fee, các công ty chứng khoán có thể triển khai bán chéo thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ khác để bù đắp sự thiếu hụt nguồn thu từ môi giới. Một trong những mảng hoạt động đang phát triển mạnh mẽ là cho vay.

"Zero Fee" là cụm từ không còn xa lạ trong ngành chứng khoán. Tuy nhiên, mức độ lan toả của xu hướng này tại Việt Nam vẫn còn tương đối hạn chế. Đến thời điểm hiện tại, số lượng công ty chứng khoán miễn phí trọn đời cho nhà đầu tư mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, có thể kể đến như TCBS, DNSE, Pinetree, JBSV, AIS hay mới nhất là MBS.

Theo đuổi mô hình Zero Fee, doanh thu môi giới của các công ty chứng khoán bị thu hẹp đáng kể. Điển hình như TCBS, doanh thu môi giới năm 2023 của CTCK này giảm hơn 46% trong khi chi phí mảng này lại tăng gần 19% so với năm trước. Biên lãi gộp bị thu hẹp từ 82,6% xuống còn 61,5% tương ứng lợi nhuận gộp giảm 60% so với năm 2022.

DNSE, Pinetree đều ghi nhận doanh thu môi giới năm 2023 sụt so với năm trước và cùng chịu lỗ cho mảng hoạt động này. Trong khi đó, doanh thu môi giới của JBSV gần như không đáng kể do là tên tuổi mới xuất hiện trên thị trường. AIS không lỗ mảng môi giới nhưng doanh thu hoạt động này năm 2023 cũng giảm gần 27%, lợi nhuận gộp giảm đến 79% so với năm 2022.

photo-1706587966118

Thực tế, phí giao vẫn là một trong những nguồn thu quan trọng, đóng góp lớn vào tổng doanh thu của các công ty chứng khoán. Vì thế, mô hình Zero Fee chưa được áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, doanh thu môi giới thấp do tác động từ Zero Fee, không đồng nghĩa với việc thiếu khách hàng.

Ngược lại, Zero Fee là một trong những "con bài" chiến lược giúp các công ty chứng khoán cạnh tranh với các "tên tuổi" trong ngành. Như trường hợp của DNSE, tính đến hết năm 2023, CTCK có 560.000 tài khoản, bình quân mỗi ngày có 1.500 tài khoản mở mới, chiếm 26,5% thị phần mở mới trên toàn thị trường.

Lãi từ cho vay ngày càng chiếm tỷ trọng lớn

Với tệp khách hàng thu hút được nhờ Zero Fee, các công ty chứng khoán có thể triển khai bán chéo thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ khác để bù đắp sự thiếu hụt nguồn thu từ môi giới. Một trong những mảng hoạt động đang phát triển mạnh mẽ là cho vay.

Ngoại trừ AIS, các công ty chứng khoán theo đuổi Zero Fee đều ghi nhận lãi từ cho vay và phải thu năm 2023 tăng trưởng so với năm trước, đặc biệt là DNSE với mức tăng hơn 28%. Cần phải nhấn mạnh rằng, mặt bằng lãi suất cho vay margin trong năm 2023 tại các công ty chứng khoán là thấp hơn khá nhiều so với năm 2022 trước đó.

photo-1706587987828

Nhìn vào cơ cấu, lãi từ cho vay và phải thu ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu hoạt động của các công ty chứng khoán theo đuổi Zero Fee. TCBS thậm chí còn thu về hơn 1.600 tỷ đồng từ lãi cho vay và phải thu trong năm 2023, cao nhất ngành chứng khoán. Mảng này chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng doanh thu hoạt động của công ty, gần bằng tự doanh.

Trong khi đó, với DNSE, lãi từ cho vay và phải thu chính là nguồn thu lớn nhất chiếm 40% tổng doanh thu hoạt động. Tương tự, Pinetree cũng chủ yếu dựa vào cho vay, lãi từ cho vay và phải thu chiến hơn 55% doanh thu. Những con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai khi dư địa cho vay tại các công ty chứng khoán vẫn còn rất lớn.

TCBS là cái tên cho vay nhiều nhất tại thời điểm cuối năm 2023 nhưng tỷ lệ Margin/VCSH rất thấp dưới 70%. Tỷ lệ này đối với DNSE, Pinetree cũng dưới 80%. Thêm nữa, DNSE đang trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) dự kiến tăng vốn lên 3.300 tỷ. Ước tính, công ty chứng khoán này sẽ còn khoảng 5.000 tỷ có thể cho vay nhà đầu tư sau khi IPO thành công.

Xu hướng Zero Fee, giảm phí giao dịch còn tiếp diễn

Nhìn chung, phí giao dịch có xu hướng về 0 và sẽ không bất ngờ nếu có thêm nhiều công ty chứng khoán theo đuổi mô hình Zero Fee trong tương lai. Ngay trong những ngày đầu năm 2024, đã có thêm MBS tham gia vào cuộc đua này. Nhiều công ty chứng khoán dù chưa miễn phí nhưng cũng đã giảm phí, đưa phí giao dịch về dưới 0,1% (bao gồm cả phí trả về Sở Giao dịch). Ngoài ra, nhiều Công ty chứng khoán khác như FPTS, Yuanta...cũng tiến hành giảm mạnh phí giao dịch cho nhà đầu tư.

Nhận định về xu hướng này, báo cáo mới đây của Chứng khoán DSC cho rằng việc hy sinh một phần lợi nhuận mảng môi giới sẽ còn tiếp tục trong năm 2024. Các công ty chứng khoán sẽ phải cạnh tranh bằng các biện pháp cung cấp dịch vụ tốt hơn, đào tạo nhà đầu tư tự giao dịch… hướng tới các nguồn thu ngoài phí giao dịch. 5 năm gần đây, lợi nhuận từ mảng margin luôn đóng góp 35-45% vào lợi nhuận gộp của các các công ty chứng khoán. Vì vậy, DSC kỳ vọng mảng này sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng lợi nhuận của nhóm chứng khoán.

Bên cạnh mảng cho vay, hoạt động tư vấn cũng được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn khi chất lượng tệp khách hàng ngày càng được cải thiện và hàng hoá trên thị trường đa dạng hơn. Nhu cầu tư vấn chắc chắn sẽ gia tăng khi nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm kênh tích sản, tạo ra thu nhập thụ động nhiều hơn thay vì lao vào "trading" theo guồng quay thị trường đầy rủi ro.

Thực tế, đa số các công ty chứng khoán hiện vẫn sử dụng một đội ngũ môi giới truyền thống đông đảo để giành thị phần. Trong khi đó, ngoại trừ MBS mới gia nhập cuộc đua đầu 2024, các công ty chứng khoán theo đuổi Zero Fee đều không có nhân viên môi giới. Nếu Zero Fee trở nên phổ biến chắc chắn sẽ tạo ra một làn sóng dịch chuyển nhân sự trong ngành chứng khoán.

Để đón đầu được xu hướng này, nhân viên môi giới cũng phải tự nâng cao kiến thức, đầu tư nhiều chất xám hơn cho hoạt động tư vấn vì cần hiểu rõ về kinh tế vĩ mô, biến động các thị trường, kiến thức đầu tư các loại tài sản. Đội ngũ môi giới sẽ tập trung vào nâng cao chất lượng tư vấn, đồng hành cùng nhà đầu tư sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển bền vững hơn.

Hà Linh

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên