MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thép Nam Kim (NKG): Cổ phiếu lên cao nhất mọi thời kỳ, 1 Phó Tổng liền bán ra phần lớn cổ phần ngay đỉnh

Thép Nam Kim (NKG): Cổ phiếu lên cao nhất mọi thời kỳ, 1 Phó Tổng liền bán ra phần lớn cổ phần ngay đỉnh

Trên thị trường, NKG liên tục đi lên với tốc độ tăng mạnh, thậm chí kịch trần trong phiên sáng (10/5/2021) với 32.100 đồng/cp.

Phó Tổng Giám đốc Thép Nam Kim (NKG) – bà Trần Ngọc Diệu - đã hoàn tất bán ra 1 triệu cổ phiếu Công ty, giao dịch thực hiện trong khoảng thời gian 6-10/5/2021. Sau giao dịch, bà Diệu vẫn còn nắm giữ 286.966 cổ phiếu NKG, tương ứng tỷ lệ sở hữu 0,17%.

Trên thị trường, cổ phiếu này liên tục đi lên với tốc độ tăng mạnh, thậm chí kịch trần trong phiên sáng (10/5/2021) với 32.100 đồng/cp. Tính riêng quý 1/2021, thị giá NKG đã bật tăng hơn 2 lần từ mức giá 15.000 đồng/cp (đầu năm 2021).

Đà tăng cổ phiếu được hỗ trợ bởi sự bùng nổ giá thép trên trường thế giới, đặc biệt trước lo ngại hụt cung khi Trung Quốc siết chặt các lò cao nhằm bảo vệ môi trường. Riêng NKG, kết thúc quý 1/2021, Công ty đạt 4.861 tỷ doanh thu - tăng gấp đôi so với con số 2.459 tỷ cùng kỳ năm 2020. Khấu trừ chi phí, NKG thu về gần 319 tỷ lãi ròng, cao gấp 7,7 lần cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi kỷ lục theo quý của Công ty từ trước đến nay.

Nói về giá thép, ông Vũ Hoàng Vũ, Tổng Giám đốc cho biết giá thép tăng cao chắc chắn sẽ giảm. Riêng NKG cũng đã có những kế hoạch quản trị rủi ro chặt chẽ. Tính đến nay, đầu ra Công ty đã chốt giá bán đến hết quý 3/2021.

Thép Nam Kim (NKG): Cổ phiếu lên cao nhất mọi thời kỳ, 1 Phó Tổng liền bán ra phần lớn cổ phần ngay đỉnh - Ảnh 1.

Nhìn chung, quý 1/2021 là quý thành công đối với các nhà sản xuất thép phẳng hạ nguồn khi doanh số bán tôn mạ và ống thép đều tăng trưởng mạnh mẽ. Tiêu thụ tôn mạ tăng khoảng 50%, trong đó sản lượng xuất khẩu tăng 134%. Hầu hết các nhà sản xuất lớn đều đang vận hành hết công suất các nhà máy tôn mạ, bao gồm Hoa Sen (HSG), Nam Kim (NKG), SMC và Hoàn Phát (HPG).

Trong đó, hạn ngạch của EU đối với thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc tạo điều kiện xuất khẩu cho các nhà sản xuất Việt Nam kể từ 2 tháng đầu năm. Ngoài ra, giá thép phẳng có sự chênh lệch cao giữa Việt Nam và các thị trường này, mang đến mức lợi nhuận cao hơn cho các nhà xuất khẩu. Sản lượng tiêu thụ tôn mạ tại thị trường nội địa thậm chí giảm 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái do các nhà sản xuất tập trung vào thị trường nước ngoài.

Ở mảng tôn mạ, các công ty có khả năng nắm bắt cơ hội xuất khẩu đã mở rộng thêm thị phần, bao gồm HSG, NKG và HPG. HSG và NKG tiếp tục dẫn đầu với mức thị phần lần lượt đạt 35,5% và 15,5%.

Tri Túc

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên