Thép Nam Kim (NKG): Nửa đầu năm vượt 94% kế hoạch lãi ròng với 1.166 tỷ đồng, thậm chí cao gấp 4 lần tổng lãi cả năm 2020
Giải trình kết quả đột biến trên, NKG cho biết doanh thu tăng mạnh nhờ Công ty đẩy mạnh kênh bán hàng trong và ngoài nước. Đặc biệt xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, riêng mặt hàng tôn mạ, 6 tháng qua NKG xuất khẩu 304.597 tấn - tương đương hơn 64% tổng sản lượng sản xuất trong kỳ.
CTCP Thép Nam Kim (NKG) vừa công bố BCTC quý 2/2021 với doanh thu 7.016 tỷ đồng, tăng cao gấp 3 lần so với cùng kỳ. Khấu trừ giá vốn, Công ty thu về 1.306 tỷ lợi nhuận gộp, tăng cao gấp hơn 12 lần so với mức 107 tỷ đồng hồi quý 2/2020. Biên lợi nhuận gộp vào mức 18,6%, cũng tăng bằng lần so với mức 4,6% cùng kỳ năm ngoái.
Khấu trừ chi phí, NKG đạt lãi sau thuế 847,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020 chỉ lãi hơn 17 tỷ. Quý 2 theo đó là quý NKG tiếp tục phá kỷ lục lợi nhuận từ trước đến nay, sau khi đạt đỉnh vào quý 1/2021.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu NKG đạt 11.877 tỷ đồng – cao gấp 2,5 lần doanh thu nửa đầu năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế tương ứng thu về 1.166 tỷ đồng – cao gấp 20 lần con số 6 tháng đầu năm 2020, thậm chí cao gấp 4 lần lợi nhuận cả năm ngoái.
So với kế hoạch 16.000 tỷ doanh thu và 600 tỷ LNST, nửa đầu năm NKG thực hiện được hơn 74% chỉ tiêu doanh thu và vượt xa 94% chỉ tiêu lợi nhuận.
Giải trình kết quả đột biến trên, NKG cho biết doanh thu tăng mạnh nhờ Công ty đẩy mạnh kênh bán hàng trong và ngoài nước. Đặc biệt xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, riêng mặt hàng tôn mạ, 6 tháng qua NKG xuất khẩu 304.597 tấn - tương đương hơn 64% tổng sản lượng sản xuất trong kỳ.
Được biết, nửa đầu năm giá thép tăng cao, cùng với nhu cầu tại các quốc gia cũng nhảy vọt đẩy toàn ngành tăng trưởng mạnh mẽ. Dự báo 6 tháng cuối năm, nhu cầu thép tại Châu Âu và Bắc Mỹ tiếp tục duy trì ở mức cao, nhờ được thúc đẩy bởi sự phục hồi của hoạt động xây dựng khi dịch bệnh đang được kiểm soát tốt hơn.
Bên cạnh đó, EU sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu thêm ba năm nữa. Các biện pháp này chủ yếu nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Trung Quốc. Do đó, chính sách này tiếp tục duy trì điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ Việt Nam.
Chưa kể, chênh lệch giá thép giữa Châu Âu, Bắc Mỹ và Việt Nam ngày càng tăng, đồng nghĩa với mức biên lợi nhuận tốt cho các nhà xuất khẩu nội địa. Vì vậy, VDSC kỳ vọng sản lượng xuất khẩu vẫn sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm 2021 như trong 6 tháng đầu năm.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị