Thị giá mới 8.x, lãnh đạo API hùng hồn tuyên bố giá 200.000 đồng/cp không phải là đắt
Chốt phiên 3/11, cổ phiếu API giảm mạnh 7,8% về mức 83.000 đồng/cổ phiếu.
Tăng vốn để đẩy mạnh các dự án M&A
Tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2021 diễn ra chiều 3/11, CTCP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (mã CK: API) đã thông qua nhiều nội dung quan trọng liên quan đến việc tăng vốn điều lệ lên 1.130 tỷ đồng và điều chỉnh tăng các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2021.
Theo đó, API đã thông qua 4 phương án phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ lên 1.130 tỷ đồng, gấp 3 lần vốn điều lệ hiện tại.
Thứ nhất, API thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ phát hành là 30%, tổng số lượng cổ phiếu phát hành dự kiến là 10.920.000 cổ phiếu, không hạn chế chuyển nhượng.
Nguồn vốn chủ sở hữu để tăng vốn cổ phần được căn cứ trên báo cáo tài chính soát xét 6 tháng Công ty mẹ năm 2021 là 109 tỷ đồng đến từ nguồn thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Thời gian dự kiến thực hiện từ quý 4/2021 – quý 1/2022 sau khi được UBCKNN chấp thuận.
Thứ hai, Đại hội tiếp tục thông qua phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với tỷ lệ 5% trên tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành của Công ty (tương đương 1,82 triệu cổ phiếu).
ĐHĐCĐ CTCP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương diễn ra vào chiều ngày 3/11
Thứ ba, sau khi hoàn thành việc phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành cổ phiếu ESOP, API sẽ tiến hành thực hiện việc chào bán thêm chứng khoán ra công cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền là 1:1 (cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu tương ứng với 01 quyền mua, cứ 01 quyền mua được mua thêm 01 cổ phiếu mới).
Số lượng cổ phần chào bán thêm dự kiến là 49.14 triệu phiếu với giá chào bán dự kiến không thấp hơn 20.000đ/cổ phiếu. Tổng số lượng cổ phiếu dự kiến sau phát hành là 98.2 triệu cổ phiếu, nâng tổng vốn điều lệ Công ty lên 982 tỷ đồng.
Theo đó, số tiền dự kiến thu từ đợt chào bán cổ phiếu được dùng để triển khai các dự án hiện tại của Công ty, M&A các dự án tiềm năng và chi trả các khoản vay nợ và bổ sung vốn lưu động.
Cụ thể, API sử dụng hơn 530 tỷ đồng thực hiện M&A các dự án tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Địa ốc Toàn cầu (dự án Tổ hợp khu thương mại dịch vụ và khách sạn cao cấp - Toàn Cầu - Bắc Giang); CTCP thương mại và du lịch Kim Bôi (dự án APEC Mandala Retreat Kim Bôi); Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Thiên Đường Hồng; tăng vốn chủ sở hữu tại CTCP Apec Land Huế.
Bên cạnh đó, API dùng 140 tỷ đồng để đầu tư vào dự án Apec Golden Place Lạng Sơn, dự án Aqua Park Lạng Sơn. Còn 262 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu dùng để trả nợ cho CTCP Lagoon Lăng Cô, CTCP Đầu tư Quốc tế Apec Dubai, CTCP Apec Thái Nguyên, CTCP Tập đoàn Apec Group, CTCP Apec Land Huế.
Thứ tư, API cũng trình Đại hội thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ với số lượng đăng ký chào bán là 14.7 triệu cổ phiếu, giá chào bán không thấp hơn 60.000đ/cổ phiếu theo vốn điều lệ hiện tại.
Kế hoạch chào bán riêng lẻ sẽ được thực hiện sau khi chào bán ESOP, phát hành cổ phiếu thưởng, phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, vì vậy mức giá 60.000 đồng sẽ bị pha loãng bởi các đợt phát hành nêu trên.
Ngoài thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, Công ty cũng đã thống nhất nâng kế hoạch kinh doanh năm 2021 lên 946 tỷ đồng doanh thu và 150 tỷ đồng LNST, tăng lần lượt 63% và 169% so với kế hoạch đề ra trước đó.
Sau 9 tháng đầu năm, API ghi nhận doanh thu 624 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 72 tỷ đồng. Như vậy, Công ty đã hoàn thành 66% doanh thu và 48% lợi nhuận sau thuế so với kế hoạch kinh doanh vừa điều chỉnh.
Lãnh đạo tuyên bố giá cổ phiếu lên 200.000 đồng không phải là đắt
Thời gian vừa qua, cổ phiếu API đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư khi tăng phi mã chỉ trong thời gian rất ngắn. Cụ thể, mã API chạy thẳng một mạch từ vùng giá 17.000 đồng/cp đầu tháng 8 lên mức 98.500 đồng/cp vào phiên 2/11, tăng gấp 5,8 lần chỉ sau 3 tháng. Đây cũng là mức giá cao nhất của API kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.
Trả lời cổ đông về động lực tăng trưởng của cổ phiếu API, ông Nguyễn Đỗ Lăng – Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương cho biết, kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh cùng việc sở hữu nhiều dự án và quỹ đất đắt giá là một trong những nguyên nhân giúp cổ phiếu API bứt phá.
Cổ phiếu API tăng phi mã trong thời gian ngắn
Chia sẻ về kết quả kinh doanh tháng 10/2021, ông cho biết lợi nhuận trước thuế của Công ty đạt 32 tỷ đồng, vượt cả khoản lãi trước thuế trong cả quý 2/2021. Nguyên nhân của đà tăng trưởng này đến từ các dự án thực hiện đang được bàn giao mang lại dòng tiền liên tục cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Công ty cũng quản lý tài chính tốt khi vận dụng linh hoạt nguồn tài chính trả trước từ khách hàng và nguồn tiền nhàn rỗi của các nhà đầu tư để chủ động nguồn vốn, duy trì tỷ lệ vay thấp, đảm bảo phát triển bền vững.
"Ngoài việc kinh doanh thuận lợi, quỹ đất của API còn rất lớn. Hiện tại, Công ty đang triển khai dự án khắp các miền, dù ở các tỉnh khó khăn nhất vẫn kiếm được lợi nhuận. Tương lai trong vòng 3-5 năm, doanh thu của API có thể đạt ngưỡng 1 tỷ USD. Tất cả những yếu tố trên là động lực giúp cổ phiếu API tăng trưởng tốt.", ông Lăng chia sẻ.
Trả lời cổ đông về nghi vấn thao túng giá khiến cổ phiếu API tăng phi mã, ông Lăng khẳng định Công ty làm đúng luật. Nếu phát hiện dấu hiệu gian lận, Công ty cam kết xử lý nghiêm.
Nhận định về định giá cổ phiếu API trong tương lai, ông Nguyễn Quang Huy - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Apec cho biết: "Cổ phiếu API thời gian trước như lò xo bị nén đang chờ được bứt phá. Với những tiềm lực sẵn có, mức định giá 200.000 đồng/cổ phiếu cho mã API trong dài hạn không phải là đắt".
Chốt phiên 3/11, cổ phiếu API điều chỉnh về mức 83.000 đồng/cổ phiếu, giảm 7,8% so với phiên trước đó.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị