Thí nghiệm kẹo dẻo và bài học “khổ trước sướng sau”: Muốn chống lại cám dỗ, trước tiên hãy tôi luyện cho mình một ý chí vững vàng cái đã!
Trong cuộc sống đôi khi có quá nhiều cám dỗ khiến chúng ta đánh mất ý chí để hoàn thành mục tiêu mà mình đã đề ra. Để không bị xao lãng, bạn cần rèn luyện để có một ý chí vững vàng.
Vào những năm 60-70 của thế kỷ trước, một nhóm trẻ con khoảng 4-5 tuổi lần lượt được dẫn tới một căn phòng nọ và mời ăn kẹo dẻo. Những người có mặt tại đó đã đưa ra một đề nghị với các em. Họ sẽ để kẹo dẻo trên bàn và đi ra khỏi phòng, nếu các em chờ họ quay lại trong vòng 15 phút, các em sẽ có thêm một cái kẹo nữa. Nhưng nếu các em chọn cách ăn kẹo trước khi họ quay lại, các em sẽ không có thêm bất kỳ cái nào.
Ăn ngay và chỉ có 1 cái kẹo, hay chờ đợi 15 phút để có 2 cái? Đó là bài toán hóc búa nhất đối với những đứa trẻ trong căn phòng ngày hôm ấy.
Rốt cuộc, chỉ có 30% số trẻ chọn phương án chờ đợi để có kẹo nhiều hơn. Những đứa trẻ khác đều nhanh chóng bỏ chiếc kẹo dẻo vào miệng ngay khi người lớn vừa rời đi. Một số em cố gắng kiềm chế, nhưng rồi cũng thất bại chỉ sau một vài phút. Và chính những đứa trẻ đã kiên trì chờ đợi, chống lại cám dỗ bằng tất cả ý chí của mình hôm đó, sau hàng chục năm, lại là những người học giỏi hơn, khỏe mạnh hơn, ít ly hôn hơn và xử lý stress tốt hơn...
“Thí nghiệm kẹo dẻo” nổi tiếng này của nhà tâm lý học Walter Mischel là minh chứng rõ nét nhất cho thấy tầm quan trọng của ý chí trong việc đạt được thành công. Muốn được hưởng quả ngọt, bạn cần phải chịu “khổ trước sướng sau”. Thế nhưng, không phải ai cũng làm được điều này. Cứ mỗi khi không hoàn thành một mục tiêu đã đề ra trong năm mới, bạn lại thường tự nhủ với bản thân rằng sự tự chủ không phải là điểm mạnh của mình. Bạn sẽ nhanh chóng đầu hàng và nói: “Ừ thì… Vấn đề là mình chẳng có chút ý chí nào cả.”
Dù vậy, ý chí không phải là một loại tài năng mà chỉ vài người mới có. Nó là một kỹ năng cần được rèn luyện. Ai cũng có thể học cách sử dụng ý chí sao cho hiệu quả hơn, vậy nên hãy tham khảo một số cách sau đây để bạn có thể tăng cơ hội thành công của mình.
Hiểu rõ bản thân
Theo Frank Ryan - nhà tâm lý học, tác giả của cuốn sách “Willpower for Dummies”, để dễ dàng hoàn thành mục tiêu, chúng ta cần biết rõ ý chí của mình. “Chẳng hạn, có những người bốc đồng hơn những người khác. Cái đó thuộc về tính cách”, ông cho biết.
Những người hướng nội thường có xu hướng phấn khích nhờ các suy nghĩ và ý tưởng. Nếu thuộc nhóm này, bạn sẽ dễ bị thôi thúc bởi góc nhìn nội tâm hơn là những người hướng ngoại - những người tỏ ra năng động hơn khi được mọi người và xã hội ủng hộ.
Nếu là người hướng nội, hãy dành thời gian để nhìn lại cả quá trình của mình, chẳng hạn như bằng cách viết nhật ký. Nếu là người hướng ngoại, hãy đăng ký tham gia các nhóm chạy bộ trong công viên hay các nhóm kiểm soát giảm cân, nơi mà mọi người đều có chung một mục tiêu duy nhất. Điều này sẽ giúp bạn kiên trì thực hiện mục tiêu của mình, cũng như chia sẻ sự tiến bộ của mình với nhiều người khác.
“Bạn cần phải học các kỹ năng cơ bản nhất nhằm đối phó với cám dỗ - thứ xuất hiện hàng ngày trong môi trường bạn sống. Chúng có thể là con người, địa điểm, và những thứ đóng vai trò như những thỏi nam châm thôi thúc nhằm thách thức ý chí của bạn”, Ryan bổ sung. Nói theo cách khác, nếu bạn đang ăn kiêng, hãy cố gắng tránh xa con đường có các cửa hàng bánh kẹo.
Lập kế hoạch
Một nghiên cứu ở Anh đã chỉ ra, 91% số người biết lập kế hoạch với thời gian và địa điểm thực hiện rõ ràng sẽ thành công trong việc hoàn thành mục tiêu đã đề ra. “Lập kế hoạch là một bước quan trọng, bởi bộ não thích sự ngăn nắp và có kiểm soát,” Magdalena Bak-Maier - một chuyên gia về thần kinh và là huấn luyện viên đời sống - cho biết. “Nếu bạn không lập kế hoạch, não bộ sẽ không hình dung được bạn sẽ làm như thế nào, và thế thì còn lâu bạn mới có thể hoàn thành mục tiêu của mình.”
Theo bà, bộ não của con người khá lười biếng và thích bảo toàn năng lượng. Vì vậy, việc nhắc nhở bản thân hàng ngày bằng các hình ảnh trực quan sẽ rất có ích. “Tôi đặt ra mục tiêu sẽ chống đẩy 100 cái/ngày,” Bak-Maier nói. “Đó là một mục tiêu tốt, nhưng không đủ để tôi bắt tay vào thực hiện. Để biến nó thành ưu tiên hàng đầu trong tâm trí mình, tôi dán các tờ giấy nhớ ở khắp nơi trong nhà. Khi tôi bước vào cửa, sẽ có một bức tranh tôi đang tập chống đẩy. Trong bếp cũng có một cái như thế. Bất cứ khi nào nhìn thấy miếng giấy nhớ ấy, tôi sẽ dừng lại và tập chống đẩy.”
Vị huấn luyện viên này cũng cho biết, chúng ta cần cụ thể hơn khi lập kế hoạch. “Bạn có thể tuyên bố: ‘Tôi sẽ viết tiểu thuyết trong năm nay’, hay ‘Tôi sẽ chạy marathon’. Nhưng đó chỉ là ý tưởng, không phải kế hoạch.” Một kế hoạch chỉn chu phải là: “Tôi sẽ dậy sớm vào lúc 6:30 từ thứ hai đến thứ sáu và viết 500 từ cho kịch bản của mình trước khi đi làm.”
Tập trung vào một kế hoạch duy nhất
Thời điểm đầu năm là lúc mà chúng ta luôn luôn hào hứng muốn làm một cuộc “cách mạng” với bản thân mình. “Năm nay tôi sẽ bỏ rượu, tìm cho mình nửa kia, và được thăng chức.” Có thể bạn đang làm rất tốt, nhưng một ngày nọ, bạn tình cờ gặp một người đồng nghiệp quyến rũ và được mời đi uống. Kết quả là, sáng hôm sau bạn tỉnh dậy trong trạng thái nôn nao, mệt mỏi, và phải đối mặt với vị sếp bỗng dưng khó tính của mình.
Vậy làm thế nào để giải quyết những mối xung đột như thế này? Câu trả lời là: Đừng thực hiện quá nhiều mục tiêu cùng lúc. Một nghiên cứu về tâm lý đã chứng minh, bạn chỉ có thể hoàn thành những gì đã đề ra khi tập trung vào một mục tiêu duy nhất. Những người cố chấp thực hiện nhiều mục tiêu cùng lúc ít khi hoàn thành được đúng dự định của mình.
Đối mặt với nỗi sợ hãi
“Những người không dám hoàn thành mục tiêu thường sợ điều gì đó sẽ xảy ra nếu họ đạt được mục tiêu,” Bak-Maier cho biết. “Khi viết cuốn sách thứ ba, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Nó là một mục tiêu quan trọng mà tôi rất muốn hoàn thành. Rốt cuộc, tôi nhận ra rằng mình sợ cuốn sách sẽ thất bại và không ai thèm mua. Hơn nữa, khi viết xong, tôi biết mình sẽ phải làm điều mà mình vô cùng ghét: quảng bá sách.”
Bà cũng khuyên mọi người nên chú ý đến những dấu hiệu của cơ thể, chẳng hạn như cảm thấy mệt mỏi bất thường, đau người, nôn nao mỗi khi thực hiện mục tiêu nào đó. Những điều này xảy ra khi bạn quá lo lắng về mục tiêu của mình.
Sử dụng ý chí một cách khôn ngoan
Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Roy Baumeister, ý chí là một nguồn sức mạnh hữu hạn có thể bị cạn kiệt sau một thời gian dài sử dụng. Hiện tượng này được gọi là ego depletion (sự suy yếu cái tôi). Hãy tưởng tượng rằng bạn đang dự định đi tập gym sau một ngày làm việc mệt mỏi. Thay vào đó, bạn lại dành cả tối nằm ườn trên ghế và nhai chóp chép bim bim. Bạn cảm thấy mình xứng đáng được nghỉ ngơi như vậy. Đó chính là sự thiếu hụt ý chí trong hành động.
Vì vậy, bạn cần phải học cách sử dụng ý chí của mình sao cho thật hiệu quả. Hãy đi tập gym và viết kịch bản vào sáng sớm, cho dù bạn không phải tuýp người thích dậy sớm. Tại sao ư? Bởi vì thật không may, bạn chẳng thể chia ý chí của mình thành các phần để dùng dần. Nếu bạn đã dành cả tiếng đồng hồ để kiếm chế không cãi sếp thay vì thoải mái trình bày quan điểm của mình, bạn sẽ chẳng còn chút năng lượng hay ý chí nào cho những mục tiêu của mình sau đó.
Mặc dù ý chí không thể chia thành từng phần, nhưng nếu bạn rèn luyện ý chí trong một lĩnh vực, nó cũng sẽ tác động tốt đẹp lên các hành vi khác không liên quan. Các nhà nghiên cứu ở Úc đã mời một số tình nguyện viên tham gia chế độ luyện tập thể dục kéo dài trong vòng 2 tháng. Kết quả là những người có ý chí vững vàng để hoàn thành mục tiêu đã uống ít rượu hơn, hút thuốc ít hơn, chi tiêu tiết kiệm hơn, và cải thiện cả thói quen học tập của mình.
Tìm kiếm động lực
Ai trong số chúng ta cũng đều có một nguồn dự trữ ý chí của riêng mình. Nhà nghiên cứu Mark Muraven cho biết, một số tình nguyện viên đột nhiên cảm thấy dễ dàng hoàn thành mục tiêu hơn sau khi biết mình sẽ được trả tiền cho những nỗ lực bỏ ra, hoặc biết rằng những nỗ lực đó sẽ có lợi cho nhiều người khác, chẳng hạn như giúp tìm ra một phương thuốc chữa bệnh. Vì thế, bạn cần tìm ra nguồn động lực của riêng mình, để có thể bước ra khỏi giường và hoàn thành mục tiêu chạy bộ mỗi ngày.
Quan tâm tới tương lai của chính mình
Theo Kelly McGonigal - một nhà tâm lý học tại Đại học Stanford, mọi người thường hay thất bại là do họ không quan tâm đến tương lai của chính mình. Điều này lý giải tại sao chúng ta lại gặp nhiều khó khăn trong việc tiết kiệm tiền lương hưu. Bởi lẽ, ta coi tương lai của bản thân là điều gì đó xa vời, và tiết kiệm tiền cũng giống như trao cho người lạ số tiền mà mình đã phải đánh đổi bằng biết bao mồ hôi và nước mắt.
“Những người biết quan tâm, lo lắng cho tương lai sẽ đầu tư nhiều hơn cho sự hạnh phúc và thành công của bản thân,” McGonigal nói. Việc nhận thức được những khía cạnh quan trọng của cuộc sống và lên kế hoạch để đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn là những hành động cần thiết để giúp chúng ta dễ dàng hoàn thành mục tiêu của mình.
Không được nhụt chí
Cuối cùng, hãy đối xử tốt với bản thân mình. “Hãy sẵn sàng cho những sai lầm và có phương án đối mặt với chúng,” Ryan khuyên. “Đừng tự trách móc mình. Hãy tha thứ cho bản thân nếu mắc phải sai lầm. Bạn nên tự thưởng cho mình vì những nỗ lực đã bỏ ra chứ không phải vì kết quả. Việc thay đổi hay hình thành thói quen mới là cả một con đường dài mà đôi khi bạn sẽ không thể nào không vấp ngã.”
Suy nghĩ quá tiêu cực hoặc tự chỉ trích bản thân cũng có thể làm hao mòn ý chí của bạn. Theo Ryan, “tâm trạng tiêu cực là kẻ thù của ý chí, còn việc trách móc bản thân chính là thủ phạm giết chết ý chí của bạn”.
The Guardian