MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị phần điện đám mây Cloud: Cơ hội nào cho doanh nghiệp nội?

13-10-2022 - 12:33 PM | Kinh tế số

Thị phần điện đám mây Cloud: Cơ hội nào cho doanh nghiệp nội?

Thị trường điện toán đám mây Việt Nam phần lớn nằm trong tay các nhà cung cấp nước ngoài. Vậy đâu là giải pháp giúp doanh nghiệp nội giành thị phần?

Việt Nam được các hãng nghiên cứu thị trường như McKinsey, IDC, Gartner, Research And Markets đánh giá là một trong 10 thị trường mới nổi trên bản đồ trung tâm dữ liệu toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, năng lực cung cấp dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế và số lượng các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi hạ tầng lớn. Theo đó, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam đạt 858 triệu USD vào năm ngoái và được dự báo sẽ phát triển với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm từ 20-30% cho đến năm 2026.

Tuy nhiên, thị trường điện toán đám mây Việt Nam phần lớn lại nằm trong tay các nhà cung cấp nước ngoài. Theo các số liệu trong và ngoài nước, Việt Nam hiện có 39 nhà cung cấp dịch vụ đám mây, 27 trung tâm dữ liệu của 11 doanh nghiệp, các doanh nghiệp Việt chiếm thị phần 19,68%, các doanh nghiệp nước ngoài chiếm tới hơn 80%. Trong 80% thị phần do các nhà cung cấp nước ngoài nắm giữ thì Amazon Web Services chiếm nhiều nhất với 33%, Google và Microsoft cùng chiếm 21%.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn tại Việt Nam, nguyên nhân đến từ việc, doanh nghiệp Việt Nam mới cung cấp chủ yếu dịch vụ hạ tầng điện toán đám mây, còn dịch vụ nền tảng và phần mềm trên điện toán đám mây chưa khai thác được nhiều dù mảng này mới đem lại doanh thu và tăng trưởng lớn.

Thị phần điện đám mây Cloud: Cơ hội nào cho doanh nghiệp nội? - Ảnh 1.

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn chưa khai thác nhiều dịch vụ nền tảng và phần mềm trên điện toán đám mây dù đây là mảng đem lại doanh thu cũng như tăng trưởng lớn

Thực tế, SMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ) và startup cần công nghệ đáp ứng hầu như đầy đủ những thứ họ cần, họ cần một hệ sinh thái cung cấp đầy đủ các dịch vụ. Song dịch vụ đám mây ở Việt Nam chưa đủ năng lực xây dựng hạ tầng tốt như các Big Tech.

Vì các doanh nghiệp này phát triển nhanh, cần nhiều công cụ và môi trường để phát triển phần mềm, nhiều người đi thuê ngay dịch vụ đám mây của nước ngoài. Do chưa phát triển mạnh nên rào cản như đường truyền, chi phí, hỗ trợ kỹ thuật không phải vấn đề lớn, nên họ chấp nhận giai đoạn đầu dùng dịch vụ đám mây nước ngoài. Chỉ với các doanh nghiệp lớn, họ mới gặp sự cố về đường truyền, chi phí, nên để tối ưu cả về trải nghiệm khách hàng và chi phí, họ mới chuyển dần về các dịch vụ cloud của nhà cung cấp Việt Nam.

"Chúng ta thua Big Tech (các công ty công nghệ lớn trên thế giới) là chưa có market place (chợ điện tử) cho bên thứ ba trên nền tảng Cloud. Sản phẩm Cloud mà các nhà cung cấp Việt Nam đang cung cấp đơn thuần chỉ là hạ tầng Cloud, chứ chưa có hệ sinh thái sản phẩm" – lãnh đạo này nói. "Muốn cạnh tranh với các Big Tech thì cần có hệ sinh thái này. Nếu không có thì vừa không cạnh tranh được mà vừa không đáp ứng được nhu cầu khách hàng".

Các lãnh đạo doanh nghiệp cloud khác cũng nhận định rằng, hạ tầng số như cloud ở Việt Nam thua nhà cung cấp nước ngoài, chủ yếu là câu chuyện hệ sinh thái. Khi doanh nghiệp muốn đưa toàn bộ dịch vụ lên đám mây, họ mong muốn có đủ thành phần, tính năng cần thiết để vận hành hệ thống.

Thị phần điện đám mây Cloud: Cơ hội nào cho doanh nghiệp nội? - Ảnh 2.

Trong lĩnh vực cloud, cần có những "sếu đầu đàn" dẫn dắt và tạo ra một hệ sinh thái đủ mạnh, với nhiều dịch vụ, giúp các doanh nghiệp, tổ chức trong nước có thể sử dụng dịch vụ dễ dàng.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% các cơ quan chính phủ sử dụng điện toán đám mây, 70% các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp nội cung cấp. Như thế, để phát triển ngành cloud trong nước, nút thắt cần được gỡ bỏ là cần có những "sếu đầu đàn" trong nước đủ tiềm lực dẫn dắt lĩnh vực này, kết hợp với chính sách hỗ trợ.

Hiện nay, khi nói về thị trường điện toán đám mây, người ta vẫn nói nhiều như một giải pháp lưu trữ thay cho những trung tâm dữ liệu vật lý. Trong số các nhà cung cấp lớn của Việt Nam, Viettel là công ty có nhiều dịch vụ số được chạy trên nền tảng đám mây như logistics, an ninh mạng, tài chính… đi kèm với hạ tầng cloud lớn nhất. Nguồn tin từ Viettel cho biết, Tập đoàn này chuẩn bị ra mắt hệ sinh thái Viettel Cloud – một nền tảng tích hợp nhiều giải pháp số dựa trên điện toán đám mây đầu tiên tại Việt Nam. Đây được coi là một bước ngoặt trong hành trình xây dựng hạ tầng số cho cuộc cách mạng 4.0 của Viettel.

Đại diện Viettel cho biết, hệ sinh thái này sẽ cho phép cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp triển khai môi trường số rất nhanh chóng chỉ với vài cú click chuột. Những công việc trước đây mất vài tuần sẽ được xử lý chỉ trong vài phút. Đi kèm với đó, hệ sinh thái Cloud kết hợp với hạ tầng viễn thông của Viettel, sẽ giúp đảm bảo kết nối, tăng khả năng sao lưu và khôi phục dữ liệu…

Theo Thu Hà

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên