Thi THPT 2020: "Học gì thi nấy, giảm độ khó, độ phân hóa thí sinh"
ĐT nhấn mạnh sự cần thiết của việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo đúng chuẩn đầu ra, bảo đảm giáo dục toàn diện, tránh học tủ học lệch.
- 15-04-2020Bộ GD-ĐT trình Chính phủ phương án thi THPT quốc gia 2020, đề nghị giảm số môn thi
- 10-04-2020Thi THPT quốc gia nếu học sinh trở lại trường trước 15-6
- 26-03-2020Những điều mới nhất trong quy chế thi THPT Quốc gia năm nay
Học gì thi nấy, giảm độ khó
Trong bối cảnh ngành giáo dục phải điều chỉnh chương trình cả về khối lượng và thời gian do dịch bệnh Covid-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ diễn ra sau ngày 1/7, thời điểm Luật Giáo dục 2019 và Luật Giáo dục đại học chính thức có hiệu lực.
Ngày 21/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành trung ương về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPTnăm 2020.
Theo đó, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương; Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Bộ Tư pháp; Văn phòng Chính phủ, các chuyên gia giáo dục… nhất trí tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 theo nguyên tắc "học gì thi nấy, giảm độ khó, độ phân hoá thí sinh".
Thi THPT 2020: "Học gì thi nấy, giảm độ khó, độ phân hóa thí sinh".
. |
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh sự cần thiết của việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT để có căn cứ đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông trên toàn quốc theo đúng chuẩn đầu ra, bảo đảm giáo dục toàn diện, tránh tình trạng học tủ, học lệch, trên cơ sở đó cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ để điều chỉnh chương trình, phương pháp giảng dạy cho phù hợp với thực tiễn theo hướng nâng cao chất lượng giáo dục.
"Để bảo đảm kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, chất lượng, bên cạnh các giải pháp hành chính, về mặt kỹ thuật, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tổ chức các môn thi trắc nghiệm nhằm giảm thiểu tác động của con người trong quá trình thi cử. Các môn thi trắc nghiệm được chấm bằng máy với quy trình giám sát chặt chẽ (bản chất là chấm tập trung trong toàn quốc). Các địa phương tổ chức chấm các bài thi tự luận như những năm trước", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Sau khi có kết quả thi, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành phân tích, đánh giá, công khai dữ liệu so sánh giữa phổ điểm học bạ và phổ điểm thi tốt nghiệp của các địa phương để dư luận giám sát.
Bộ GD-ĐT cũng tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ ngành, ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia, các em học sinh… để sớm hoàn thiện phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp năm 2020 để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Đảm bảo kỳ thi khách quan, trung thực
Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đề thi thống nhất trong toàn quốc (1 đề chính, 1 đề dự phòng); với các môn thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh có 1 mã đề thi riêng; đảm bảo chất lượng kỳ thi và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Các đại biểu đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố đề cương để các trường tổ chức giảng dạy và ôn tập cho học sinh sau khi đi học trở lại.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên kỳ thi năm nay phải tổ chức lùi lại sau thời điểm Luật Giáo dục 2019 đã có hiệu lực. Vì vậy, kỳ thi phải đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Và phương án được thảo luận đến bây giờ Bộ Tư pháp thấy rằng cơ bản đáp ứng đúng yêu cầu.
Theo đó, các ý kiến cũng thống nhất giao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, tổ chức kỳ thi; trong đó, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong từng mắt xích của quy trình tổ chức thi (quản lý đề, in sao đề, coi thi, chấm thi, công bố kết quả…); việc tổ chức coi thi do địa phương quyết định, có đảo giáo viên coi thi giữa các trường trong tỉnh.
Hội đồng thi của tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, in sao đề thi; trong những ngày thi thực hiện quản lý đề thi, bài thi tại điểm thi. Sau khi thi kết thúc, Hội đồng thi quản lý bài thi, tổ chức chấm thi, công bố kết quả thi.
Để bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, chất lượng, chặt chẽ việc tổ chức thanh tra kỳ thi sẽ được thực hiện theo 2 cấp ở trung ương và địa phương. Trong đó, ở địa phương có Thanh tra Nhà nước của tỉnh và Thanh tra của Sở Giáo dục và Đào tạo; ở Trung ương là Thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh tán thành đề xuất giao sâu thẩm quyền cho địa phương trong tổ chức kỳ thi để đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, chất lượng, tiết kiệm kinh phí cho xã hội…, phù hợp với hoàn cảnh đất nước đang phải chống dịch.
Câu chuyện thi cử luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội và nhân dân, do vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi, sớm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời để học sinh, giáo viên, kể cả các trường đại học chủ động phương án học tập, ôn thi cũng như chuẩn bị phương án tuyển sinh phù hợp./.
VOV