Thị trấn "bị nuốt chửng" hé lộ những thách thức của các quốc gia ven biển trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu
Theo The Wall Street Journal, một thị trấn tại Brazil đã mất 500 ngôi nhà từ những năm 1960, đường bờ biển rút khoảng 5,4 m/năm và gây ra tổn thất lớn cho người dân.
- 11-04-2023Trung Quốc ‘tung chiêu’ mới: Đặt cược 1,8 nghìn tỷ USD vào ‘1 giỏ’, hứa hẹn thúc đẩy cả nền kinh tế
- 11-04-2023Từng thu về 12 nghìn tỷ đồng nhờ IPO nay lại ‘ngậm ngùi’ vì bị ‘từ chối’: Chuyện gì khiến công ty được tỷ phú top 1 thế giới hậu thuẫn vẫn thất bại?
- 11-04-2023‘Phù thuỷ truyền thông’ của Apple qua đời
Sônia Ferreira cố gắng nhớ lại cảnh thị trấn đánh cá bỏ hoang gần Rio de Janeiro trông như thế nào khi bà chuyển đến đây khoảng 50 năm trước. Chủ yếu là bởi phần lớn của nó giờ đã nằm dưới đáy Đại Tây Dương.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy, đường bờ biển đang rút đi khoảng 5,4m mỗi năm tại cửa sông Paraíbado Sul ở Atafona - nơi sinh sống của 7.000 người. Còn trong thời kỳ từ năm 1984 đến 2016, hơn 167m đã “bốc hơi”.
Các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu đã làm tăng mực nước biển, phần lớn nước của dòng sông đã chuyển hướng đến các thành phố, trang trại và nhà máy lân cận.
Khi quan sát “đống đổ nát” ở mép nước - nơi từng là ngôi nhà mà bà Ferreira (78 tuổi) nuôi nấng 3 người con, bà nói rằng tình trạng đó diễn ra như 1 thước phim quay chậm và bạn không biết chính xác khi nào ngôi nhà của mình sẽ sụp đổ nhưng chắc chắn nó sẽ xảy ra.
Cảnh tượng mất mát
Những gì diễn ra ở Atafona là ví dụ điển hình về những thách thức phía trước mà một quốc gia có đường bờ biển dài hơn 7.400 km như Brazil phải đối mặt.
Theo Climate Central, 1 tổ chức nghiên cứu về khoa học khí hậu, một số khu vực ven biển khác cũng tương tự Brazil - đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi mực nước biển dâng cao và Brazil thuộc top 10.
Tại các điểm du lịch hấp dẫn như João Pessoa trên bờ biển phía Đông Bắc, các chủ khách sạn đã đề nghị chính phủ xây dựng các rạn san hô nhân tạo để bảo vệ bãi biển khỏi thủy triều dâng cao.
Ở Atafona, khung cảnh tại đường biển dài hơn 3km từ nơi sông Paraíba do Sul gặp đại dương như đã trải qua 1 cuộc “hỗn chiến”. Những ngôi nhà bị chia cắt làm đôi nằm trên cát. Một chiếc tivi bị hỏng “vắt vẻo” trên cành cây. Toàn bộ đường phố trống không và bị chính phủ phong tỏa.
Theo Liên Hợp Quốc, mực nước biển trung bình toàn cầu đang tăng lên do các tảng băng ở hai cực tan chảy và sự giãn nở thể tích của nước khi ở nhiệt độ cao hơn. Eduardo Bulhões, nhà địa lý biển tại Đại học Liên bang Fluminense cho biết biến đổi khí hậu cũng dẫn đến các cơn bão thường xuyên và gây nhiều thiệt hại ở Atafona.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tổ chức cuộc tranh luận đầu tiên về mực nước biển dâng vào tháng 2, đồng thời cảnh báo tác động toàn cầu của nó.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres trích dẫn dữ liệu từ Tổ chức Khí tượng Thế giới cho thấy kể từ năm 1900, mực nước biển trung bình trên thế giới đã tăng nhanh hơn so với bất kỳ thế kỷ nào trước đó trong 3.000 năm qua. Ngoài ra theo WMO, kể từ năm 1993, tốc độ nước biển dâng cũng đã tăng gấp đôi.
Các vấn đề của Atafona đã trở nên trầm trọng hơn do sản xuất và phát triển nông nghiệp diễn ra ở thượng nguồn. Nhiều thập kỷ trước, nước ở sông Paraíba do Sul đã đổ xuống thung lũng để chảy ra Đại Tây Dương, làm chậm tình trạng biển xâm thực ở Atafona.
Nhưng giờ đây, khoảng 2/3 lượng nước của sông được chuyển hướng ngược dòng để cung cấp cho thành phố Rio de Janeiro, cũng như cho các nhà máy và trang trại dọc theo dòng chảy dài hơn 700 dặm - gần 1.126 km của nó. Rừng được quy hoạch để xây dựng trang trại mía cũng một phần làm hư hại bờ sông. Ông Bulhões nói: “Ở cửa sông, từ lâu đã xảy ra cuộc chiến giữa sông và biển.
Nước biển “nuốt chửng” 500 ngôi nhà
André Pinto, một nhà sử học và quan chức tại đô thị São João da Barra cho biết khoảng 500 ngôi nhà đã “biến mất” trong biển cả kể từ những năm 1960 (khoảng 63 năm đến nay). Bãi cát xuất hiện nhiều mảnh kim loại và gạch vỡ khiến việc xuống nước trở nên nguy hiểm.
Đôi mắt của bà Ferreira rưng rưng khi nhìn khắp đại dương trống rỗng để tìm những tàn tích trong quá khứ của mình. “Con đường đó từng có 5 dãy nhà, những biệt thự tuyệt đẹp, một nhà thờ, những quán ăn bán cua và cá tươi và cũng là nơi mà mọi người sẽ gặp nhau”, bà kể lại.
Eliane Silva (60 tuổi) đã có những cảm xúc lẫn lộn khi nói về đại dương. Kể từ khi ngư dân đầu tiên đến Atafona vào những năm 1600, biển đã trở thành nguồn của cải, mang lại kế sinh nhai cho người dân ở thị trấn đánh cá này, bao gồm cả 2 con trai của bà. Nhưng bây giờ biển sắp lấy đi tất cả những gì bà có.
Ngôi nhà nghỉ dưỡng nơi bà làm quản gia trong 30 năm qua cũng sắp biến mất.“Tôi mất việc chỉ là vấn đề thời gian”, bà nói, đồng thời cho biết bà ngày càng sợ nước.
Bờ biển này từng xuất hiện 1 dãy các ngôi nhà lớn nhất tại Atafona - nơi ở vào mùa hè của những ông trùm làm mía đường giàu có. Tuy nhiên, họ cũng là những người đầu tiên rời đi, Joca Delbons, một trong số ít người kinh doanh bất động sản đã gắn bó với Atafona cho biết.
Các nhà nghiên cứu của trường đại học về xói mòn bờ biển đã đề xuất những giải pháp tương ứng, từ xây một bức tường đá khổng lồ để giữ nước biển cho đến lớp ngăn dưới nước để giữ cát cố định. Nhiều người cũng thảo luận về việc bổ sung thêm các đụn cát giúp tạo vùng đệm cho các ngôi nhà ở xa hơn hay xây dựng cầu cảng dài 240m ra biển.
Talis Santiago, người có ngôi nhà nhỏ chỉ cách biển vài mét, nó đang dần dần bị cát lấp khi biển xâm thực. Mỗi tuần, ông lại phải loại bỏ những đống rác tích tụ trên mái nhà của mình - chúng có thể làm sụp ngôi nhà từ trên cao khi biển xâm thực bên dưới.
Tham khảo WSJ
Nhịp sống thị trường