MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trấn Trung Quốc đột ngột "mất" 31% dân số: Đáng sợ đến mức nào mà làm dư luận bùng nổ?

27-10-2021 - 23:11 PM | Tài chính quốc tế

Thị trấn Trung Quốc đột ngột "mất" 31% dân số: Đáng sợ đến mức nào mà làm dư luận bùng nổ?

Dư luận Trung Quốc kêu gọi giới chức địa phương giải thích rõ về sự biến đổi dân số mạnh mẽ ở một thị trấn, giữa những lo ngại dân số sụt giảm.

Tính xác thực của cuộc điều tra dân số quốc gia gần đây nhất (năm 2020) của Trung Quốc đang bị dư luận nghi ngờ sau khi chính quyền một thị trấn ở tỉnh Cát Lâm thuộc vùng Đông Bắc đột ngột báo cáo dân số giảm 31,44%.

Thị trấn Trung Quốc "mất" hơn 31% dân số

Thị trấn Trung Quốc đột ngột mất 31% dân số: Đáng sợ đến mức nào mà làm dư luận bùng nổ? - Ảnh 1.

Điều tra dân số 10 năm một lần của Trung Quốc cho thấy mức sinh tiếp tục giảm, trong khi dân số tiếp tục già đi nhanh chóng. Ảnh: AP

Ngày 26/10, thị trấn Pingtai thuộc thành phố Bạch Thành, tỉnh Cát Lâm, ra thông báo chính thức: dân số của bốn ngôi làng Yongle, Minsheng, Daling và Taifu trong thị trấn chỉ còn 1.195 người, giảm 31,44% so với kết quả điều tra dân số quốc gia được công bố vào tháng 5 là 1.743 người.

Sau khi đăng tải lên mạng xã hội, thông báo của chính quyền thị trấn Pingtai nhanh chóng làm bùng nổ những nghi ngờ lớn. Theo nhiều chuyên gia, nếu kết quả điều tra dân số này là đúng, thì tình trạng sụt giảm dân số ở Trung Quốc càng trở nên đáng báo động hơn nữa.

Trong một tuyên bố nhằm đập tan tin đồn về nguy cơ sụt giảm dân số tổng thể, Bắc Kinh cho biết, cuộc điều tra dân số được tiến hành 10 năm một lần cho thấy dân số Trung Quốc vẫn tăng. Theo kết quả điều tra dân số vào năm 2020, dân số Trung Quốc là 1,41 tỷ người, tăng khoảng 72 triệu so với mức 1,34 tỷ người của cuộc điều tra dân số năm 2010; nhưng mức sinh giảm năm thứ 4 liên tiếp, từ 18 triệu năm 2016 xuống 12 triệu năm 2020. Trong khi đó, dân số nước này cũng đang già đi nhanh chóng, số người trên 65 tuổi hiện chiếm 13,5% tổng dân số Trung Quốc, tăng so với mức 8,9% của năm 2010.

Chính quyền thị trấn Pingtai giải thích rằng, sở dĩ dân số địa phương này giảm sốc là do họ phải điều chỉnh số lượng nhân khẩu thường trú để thể hiện chính xác hơn số người đã được xét nghiệm Covid-19. Họ cũng cho biết cư dân trong khu vực này thường xuyên di chuyển đến những nơi khác làm việc khiến cho báo cáo dân số giảm mạnh.

Tuy nhiên, những lời giải thích này chưa thuyết phục được dư luận và các chuyên gia nhân khẩu học.

Bùng nổ nhiều tranh cãi

Thị trấn Trung Quốc đột ngột mất 31% dân số: Đáng sợ đến mức nào mà làm dư luận bùng nổ? - Ảnh 2.

Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc công bố kết quả điều tra dân số năm 2020 hồi tháng 5/2021. Ảnh: Tân Hoa Xã

Yi Fuxian - nhà nghiên cứu cấp cao và chuyên gia dân số tại Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) - cho biết: "Người dân và các giới chức cần quan tâm đúng mức đến sự việc này".

Theo ông, tại Trung Quốc, các mục tiêu cho chiến dịch tiêm chủng và xét nghiệm Covid-19 đều dựa trên cuộc điều tra dân số quốc gia lần thứ 7 (năm 2020) nên đòi hỏi tính chính xác cao. "Nhưng giờ đây, chỉ trong một thị trấn ở tỉnh Cát Lâm, họ đã phải báo cáo giảm 30% dân số", ông nói với vẻ lo lắng.

"Tôi thật sự nghi ngờ rằng các quan chức địa phương đã báo cáo sai sự thật về dân số trong cuộc điều tra dân số vừa qua", chuyên gia này nhận định.

Vào cuối tháng 4, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cũng từng đưa ra tuyên bố bác bỏ báo cáo của tờ Financial Times rằng, dân số của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm vào năm ngoái, đánh dấu sự sụt giảm lần đầu tiên kể từ năm 1961.

"Dữ liệu dân số của một quốc gia là rất quan trọng vì nó giúp xác định một loạt các khoản chi tiêu công và thuế, cũng như lượng tiền được phân bổ cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe và xóa đói giảm nghèo, cộng với các khoản thanh toán chuyển khoản hàng năm từ chính quyền trung ương", ông Yi Fuxian - cũng là tác giả của cuốn sách viết về vấn đề già hóa dân số "Big Country with a Empty Nest" - nhận định thêm.

Trên thực tế, nguy cơ dân số sụt giảm đang thực sự khiến giới chức Trung Quốc lo lắng. Nhiều cuộc điều tra cho thấy, người dân nước này đang có xu hướng thích sống độc thân, không muốn kết hôn và sinh con. Thậm chí, vì quá chán nản với cuộc sống hiện tại, giới trẻ Trung Quốc đã theo đuổi trào lưu tang ping - tức là "nằm yên và mặc kệ đời" - khiến ban lãnh đạo Trung Quốc đau đầu.

Đã có những tranh cãi và suy đoán về lý do đằng sau sự thay đổi của thị trấn Pingtai, cũng như đặt câu hỏi liệu các nơi khác liệu có cần điều chỉnh tương tự hay không.

"Làm sao một địa phương nhỏ lại có thể giảm hơn 30% dân số trong một khoảng thời gian ngắn như vậy? Đây có phải trường hợp cá biệt hay những nơi khác cũng gặp vấn đề tương tự?", một người dùng đặt câu hỏi trên trang Weibo của Trung Quốc.

Một người khác viết: "Nếu dân số thực tế giảm đúng như vậy, thì số lượng công chức và chi tiêu công cũng phải được giảm càng sớm càng tốt".

Tuy nhiên, còn có người cho rằng, có thể cư dân đã rời khỏi thị trấn sau cuộc điều tra dân số.

Theo Bản tin điều tra dân số quốc gia lần thứ 7 của thành phố Bạch Thành, nhân khẩu thường trú bao gồm những người sống trong thị trấn và có hộ khẩu tại đây; người đến từ bên ngoài và sống ở thị trấn trên 6 tháng; người có hộ khẩu tại thị trấn nhưng đi vắng chưa quá 6 tháng; hoặc là những người đang làm việc và học tập ở nước ngoài.

Theo Nam Anh

Doanh nghiệp & Tiếp thị

Trở lên trên