Thị trường bảo hiểm: Phát huy kênh huy động vốn
TTBH đang chứng kiến sự cạnh tranh rất gay gắt, tập trung vào các lĩnh vực bảo hiểm tài sản, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm các dự án, bảo hiểm thân tàu... Tuy nhiên, sự cạnh tranh chủ yếu diễn ra dưới các hình thức hạ phí, mở rộng điều khoản, điều kiện bảo hiểm dưới chuẩn.
- 16-10-2016“Dân” ngân hàng, bảo hiểm khoe "bí kíp" chạy chỉ tiêu
- 05-10-2016Thanh tra "bóc" hàng loạt vi phạm của ông lớn bảo hiểm
- 17-09-2016Thu nhập đáng mơ ước của những nhân viên tư vấn bảo hiểm thành công
- 16-09-20167 tháng, phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới đạt gần 4.000 tỷ đồng
Thị trường bảo hiểm (TTBH) nửa đầu năm 2016 đạt mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng 25,92% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu ước đạt trên 38.600 tỷ đồng, tổng tài sản bảo hiểm 6 tháng ước đạt 218.200 tỷ đồng. Con số đáng chú ý nhất là vốn đầu tư trở lại nền kinh tế từ hơn 60 doanh nghiệp bảo hiểm trong 6 tháng đạt khoảng 171.171 tỷ đồng, cho thấy đây là một kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế trong những năm tới. Bộ Tài chính đặt mục tiêu đến năm 2020 tổng vốn huy động cho nền kinh tế từ TTBH đạt tương đương 4% GDP.
Tăng trưởng 16,8%/năm
Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính đến hết năm 2015 toàn TTBH có 61 doanh nghiệp bảo hiểm. Trong đó, có 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT), 1 chi nhánh doanh nghiệp BHPNT nước ngoài, 17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (BHNT), 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 12 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
Dù TTBH đang đạt mức tăng trưởng ấn tượng qua từng năm, nhưng để đạt được mục tiêu trên cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về kinh doanh bảo hiểm, hướng đến việc nâng cao tính an toàn hệ thống, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm theo chuẩn mực quốc tế. Đồng thời cần sớm hình thành cơ sở dữ liệu chung của toàn thị trường phục vụ cho việc định phí bảo hiểm, tạo mặt bằng phí sàn, đảm bảo công khai, minh bạch góp phần lành mạnh hóa thị trường.
Tổng doanh thu bảo hiểm năm 2015 đạt 84.506 tỷ đồng, trong đó doanh thu phí bảo hiểm đạt trên 70.165 tỷ đồng, tăng 191% so với năm 2011, doanh thu đầu tư bảo hiểm đạt 14.341 tỷ đồng. Nhìn chung, giai đoạn 2011-2015, TTBH tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng khá tích cực, tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm bình quân đạt 16,8%/năm.
Riêng 6 tháng đầu năm 2016, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 38.613 tỷ đồng, tăng 25,92% so với cùng kỳ; tổng tài sản bảo hiểm đạt 218.219 tỷ đồng; tổng nguồn vốn chủ sở hữu các doanh nghiệp bảo hiểm đạt 49.515 tỷ đồng. Chi trả quyền lợi bảo hiểm trong nửa đầu năm nay ước đạt 16.045 tỷ đồng, vốn đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 171.171 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của các công ty bảo hiểm dẫn đầu thị trường trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 cũng cho thấy nhiều tín hiệu khả quan.
Cụ thể, trong năm 2015 Manulife Việt Nam đạt mức tăng trưởng kỷ lục 69% so cùng kỳ năm trước, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới đạt 1.680 tỷ đồng, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 4.510 tỷ đồng. Tổng CTCP Bảo Minh đạt doanh thu phí bảo hiểm hơn 3.138 tỷ đồng, tăng trưởng 112% so với cùng kỳ năm trước. Công ty TNHH BHNT Chubb Việt Nam doanh thu năm 2015 đạt khoảng 1.662 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm nay, Tổng công ty Bảo hiểm BIDV đạt kết quả kinh doanh khả quan, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm ước đạt hơn 614 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2015, lợi nhuận trước thuế ước đạt trên 93 tỷ đồng.
Các yếu tố thu hút khách hàng
Khảo sát TTBH trong nước được CTCP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố mới đây, cho thấy sự phân chia rõ rệt về thị phần giữa các nhà đầu tư nội và ngoại. Trong khi thị trường BHNT được thống trị bởi các nhà đầu tư ngoại, thì thị trường BHPNT chỉ diễn ra sự cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp trong nước.
TTBH Việt Nam dù tăng trưởng cao song quy mô vẫn còn nhỏ so với tiềm năng. Tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP hiện nay mới đạt mức 2%, thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN (3,35%), châu Á (5,37%) và thế giới (6,3%). Vì thế, chiến lược phát triển TTBH Việt Nam đến năm 2020 đặt mục tiêu tổng nguồn vốn huy động cho nền kinh tế đạt tương đương 4% GDP, đóng góp cho ngân sách nhà nước tăng gấp 4 lần năm 2010.
Khảo sát nghiên cứu, đánh giá xếp hạng được Vietnam Report thực hiện dựa trên 3 tiêu chí chính là năng lực tài chính (35% số điểm), uy tín truyền thông (30% số điểm) và mức độ hài lòng của khách hàng đối với các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm (35% số điểm). Bên cạnh đó, các yếu tố về quy mô vốn, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch phát triển các sản phẩm/dịch vụ mới và triển vọng kinh doanh năm 2016 cũng được xem như yếu tố bổ sung để xác định vị thế của các công ty.
Báo cáo trên cũng cho thấy TTBH đang chứng kiến sự cạnh tranh rất gay gắt, tập trung vào các lĩnh vực bảo hiểm tài sản, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm các dự án, bảo hiểm thân tàu... Tuy nhiên, sự cạnh tranh chủ yếu diễn ra dưới các hình thức hạ phí, mở rộng điều khoản, điều kiện bảo hiểm dưới chuẩn. Nó cho thấy các doanh nghiệp bảo hiểm đang rất thiếu các gói sản phẩm mới, hợp lý để thu hút khách hàng. Thời gian tới, khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào kinh tế toàn cầu, sẽ có nhiều loại hàng hóa và doanh nghiệp vào hoạt động, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm cần nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh để tăng trưởng và phát triển.
Theo nhiều chuyên gia tài chính, tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất để đánh giá uy tín của một công ty bảo hiểm là năng lực tài chính và hiệu quả quản trị thông tin bên ngoài. Đa số khách hàng sử dụng bảo hiểm cũng cho rằng họ thường lựa chọn công ty bảo hiểm dựa trên yếu tố tiên quyết là có năng lực tài chính mạnh, kinh doanh tốt, đồng nghĩa với việc doanh thu cao và tăng trưởng đều, vốn nhiều, thị phần lớn. Các yếu tố này được coi như một phần đảm bảo cho khả năng thanh toán các hợp đồng bảo hiểm của công ty. Ngoài ra, khách hàng cũng rất chú ý đến thông tin về công ty từ bạn bè, báo chí, internet...
Đối với sản phẩm bảo hiểm, khách hàng dường như nhạy cảm hơn với những nguồn thông tin xấu bên ngoài, do vậy ngoài sự thấu hiểu khách hàng, các công ty bảo hiểm cần xây dựng và quản trị tốt hình ảnh truyền thông, song song với việc tăng cường công tác tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực phù hợp cho công ty.
Các yếu tố quyết định lựa chọn thương hiệu bảo hiểm của khách hàng hiện nay xếp theo thứ tự ưu tiên như sau: công ty có tiềm lực tài chính mạnh, kinh doanh tốt; nhận được đánh giá tốt từ khách hàng trên báo chí; có chính sách chăm sóc khách hàng tốt; có mẫu hợp đồng bảo hiểm rõ ràng không gây hiểu nhầm; có quy trình thủ tục bồi thường đơn giản, nhanh chóng; có nhiều gói sản phẩm cho nhiều đối tượng; mức phí đóng bảo hiểm cạnh tranh; có nhiều văn phòng đặt tại Việt Nam và có nhiều năm hoạt động.
Lạc quan với triển vọng thị trường
Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, tính đến hết năm 2015 tổng doanh thu toàn TTBH ước đạt 2% GDP. Về triển vọng thị trường trong năm nay, có tới 40% doanh nghiệp BHNT và khoảng 60% DN bảo hiểm phi nhân thọ BHPNT dự kiến đạt mức tăng trưởng trên 10%. Những con số dự báo tăng trưởng này cho thấy tiềm năng phát triển của ngành bảo hiểm khá lớn.
Bên cạnh đó, TTBH nông nghiệp vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển. Qua 3 năm thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đã đạt được kết quả đáng khích lệ, thu hút được 304.017 hộ nông dân, tổ chức sản xuất tham gia, với tổng giá trị được bảo hiểm hơn 7.747,9 tỷ đồng. Tổng số phí bảo hiểm đạt 394 tỷ đồng và tổng số tiền bồi thường bảo hiểm lên đến 712,9 tỷ đồng.
Để phát triển TTBH nông nghiệp thời gian tới, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ NN-PTNT, các địa phương và doanh nghiệp bảo hiểm tại các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, hoàn chỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện bảo hiểm nông nghiệp theo hướng không giới hạn đối tượng được bảo hiểm, không giới hạn địa bàn triển khai bảo hiểm nông nghiệp, thực hiện trên cơ sở tự nguyện, có sự hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm của ngân sách địa phương theo nguyên tắc tự cân đối nguồn.
Để phát triển bền vững và toàn diện TTBH trong những năm tới, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng phê duyệt việc đánh giá thực hiện chiến lược phát triển TTBH Việt Nam giai đoạn 2015-2020. Trong 5 năm này Bộ Tài chính sẽ tập trung thực hiện các giải pháp về hoàn thiện khuôn khổ pháp luật; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm để trình Quốc hội thông qua vào năm 2020; trình Chính phủ thông qua Nghị định 73/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Bên cạnh đó, bộ này cũng đang hướng đến việc nâng cao tính an toàn hệ thống, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm, như ban hành quy định về quản trị rủi ro, quản trị tài chính doanh nghiệp bảo hiểm theo chuẩn mực quốc tế; xúc tiến việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung của toàn thị trường phục vụ cho việc định phí bảo hiểm, tạo mặt bằng phí sàn, đảm bảo công khai, minh bạch góp phần lành mạnh hóa TTBH
Bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ
Định hình phân chia thị phần
Trong khi thị trường BHNT gần như là cuộc đua của các ông lớn ngoại, mảng BHPNT lại có nhiều ưu thế cho khối nội và ở cả 2 mảng này đều đang diễn ra một cuộc đua gay gắt để chiếm thị phần.
Nhân thọ: ngoại tăng tốc
Theo ước tính hiện chỉ có khoảng 8% dân số Việt Nam tham gia BHNT, chính vì thế khoảng trống thị trường còn rất lớn để các doanh nghiệp khai thác và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Thực tế, tăng trưởng của nhóm ngành BHNT luôn nằm ở mức cao.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng doanh thu khai thác mới của ngành này trong năm 2015 và quý I-2016 luôn ở mức hơn 40% - mức tăng trưởng đáng mơ ước và khó có thể đạt được đối với nhiều ngành kinh tế khác trong bối cảnh hiện nay. Vì thế, đang có một cuộc đua giành thị phần khá gay gắt trong mảng BHNT hiện nay.
Theo đó, các doanh nghiệp chưa nằm trong top 3, top 5 đang đặt ra những mục tiêu hết sức cụ thể để chen chân vào nhóm dẫn đầu. Theo số liệu của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, đến cuối năm 2015, vị trí dẫn đầu BHNT thuộc về Prudential Việt Nam với 29,9% thị phần, Bảo Việt nhân thọ đứng thứ 2 với 25,7% thị phần, vị trí thứ 3 là Manulife Việt Nam với 12,1% thị phần, AIA Việt Nam (9,2%) đứng thứ 4 và Dai-ichi Việt Nam (9,1%) xếp thứ 5.
Với những doanh nghiệp khác, mục tiêu tăng trưởng thị phần cũng đang được đề ra khá rõ. Trong buổi gặp mặt báo chí cách đây ít lâu, bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Generali Việt Nam, chia sẻ: “Hiện tại, chúng tôi đã lọt vào top 6 thương hiệu đứng đầu thị trường và đặt mục tiêu đến năm 2018 sẽ lọt vào top 5 và 2 năm sau sẽ vào top 3".
Để làm được điều này, Generali đang nỗ lực xây dựng đội ngũ đại lý chuyên nghiệp để khai thác khách hàng phân khúc thu nhập vừa và cao. Generali đang tung ra những sản phẩm với quyền lợi cao cho khách hàng, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ qua việc sử dụng công nghệ tiên tiến.
Cũng đặt tham vọng tiến lên phía trước, Công ty TNHH Bảo hiểm Hanwha Life Việt Nam cho biết đang hướng tới mục tiêu đạt điểm hòa vốn và 1.000 tỷ đồng doanh thu phí trong năm 2016, tiến tới trở thành công ty bảo hiểm hàng đầu về chất lượng dịch vụ và vào top 5 công ty bảo hiểm lớn nhất Việt Nam vào năm 2020.
Thị phần của các doanh nghiệp BHNT và BHPNT đang có những thay đổi lớn về ưu thế chiếm lĩnh với doanh nghiệp ngoại ở phân khúc BHNT và doanh nghiệp nội ở BHPNT. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, ở cả 2 phân khúc này, cạnh tranh thị phần không chỉ khốc liệt ở những doanh nghiệp bảo hiểm top đầu mà cả những doanh nghiệp top sau, khi các đơn vị đều đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động đầu tư, phát triển mạng lưới, sản phẩm, dịch vụ… nhằm tăng trưởng doanh thu và gia tăng thị phần nhanh chóng.
Ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm
Tất nhiên những ông lớn trong top đầu cũng không đứng yên để nhìn các doanh nghiệp khác tung chiêu. Như Prudential dù đang là doanh nghiệp bảo hiểm dẫn đầu thị phần trong khối BHNT nhưng cũng đang tích cực làm mới mình.
Từ đầu năm đến nay, Prudential Việt Nam đã liên tục phát triển kênh phân phối và chỉ riêng trong tháng 6, công ty này đã khai trương 14 tổng đại lý với thương hiệu và chất lượng dịch vụ đồng nhất. Nhìn tốc độ tăng trưởng có thể thấy thị trường rất nhiều hứa hẹn, song thực tế các doanh nghiệp BHNT cũng phải đối mặt với việc khách hàng Việt Nam chưa mặn mà với loại hình bảo hiểm này. Cũng cần phải nói thêm rằng hiện nay BHNT được xem là cuộc đua của riêng khối ngoại. Bởi trong top các công ty dẫn đầu có bảo hiểm Bảo Việt nhân thọ nhưng công ty này lại có cổ đông chiến lược là Sumitomo life (Nhật Bản).
Phi nhân thọ: nội thắng thế
Giống như BHNT, mảng BHPNT cũng có mức tăng trưởng đúng như kỳ vọng. Cụ thể, theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2016, thị trường BHPNT đạt mức tăng trưởng khả quan, với tổng doanh thu ước đạt 17.753 tỷ đồng, tăng trưởng 15,81% so với cùng kỳ. Về xếp hạng doanh nghiệp 6 tháng đầu năm, Bảo hiểm PVI tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu thị trường, với doanh thu 3.611 tỷ đồng, tăng trưởng 8%. Vị trí thứ hai thuộc về Bảo hiểm Bảo Việt, với doanh thu 2.969 tỷ đồng, tăng trưởng 6%.
Bảo hiểm PTI sau một thời gian dài nỗ lực đã bứt phá vươn lên vị trí thứ 3 thị trường, với doanh thu 1.501 tỷ đồng, tăng trưởng 36%. Bảo hiểm Bảo Minh lùi về vị trí thứ 4 sau nhiều năm giữ ở vị trí thứ 3, đạt doanh thu 1.445 tỷ đồng, tăng trưởng 9%. Vị trí thứ 5 thuộc về Bảo hiểm PJICO, với doanh thu 1.182 tỷ đồng, tăng trưởng 8%. Như vậy 5 ông lớn này - đều là doanh nghiệp trong nước - đã chiếm tới 60% thị phần BHPNT Việt Nam. Một báo cáo gần đây của Vietnam Report cũng chỉ ra top 10 doanh nghiệp BHPNT uy tín và cả 10 đều là doanh nghiệp nội. Báo cáo này cũng đưa ra dự đoán tăng trưởng khá cao cho nhóm này.
Cụ thể, trong năm 2016 dự báo có tới 60% doanh nghiệp BHPNT đạt tăng trưởng trên 10%. Lý do giải thích cho điều này được đưa ra do kinh tế Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu với kinh tế toàn cầu, trên thị trường có nhiều loại hàng hóa và doanh nghiệp đủ các lĩnh vực hoạt động. Đây được coi là mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp BHPNT có nhiều cơ hội mở rộng thị trường và tăng trưởng mạnh mẽ.
Tuy vậy trên thị trường BHPNT câu chuyện nhức nhối chính là việc cạnh tranh không lành mạnh như hạ phí, mở rộng điều khoản điều kiện dưới chuẩn. Đặc biệt trong năm 2016 khi Chính phủ ban hành nghị định về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, trong đó có bảo hiểm công trình xây dựng, bảo hiểm trách nhiệm nhà khảo sát thiết kế và bảo hiểm tai nạn người lao động, là cơ hội cho các doanh nghiệp nhưng cũng đặt ra yêu cầu khắt khe hơn về việc nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng yêu cầu bảo hiểm, đặc biệt đối với các công trình lớn.
Mới đây, trong hội nghị “Tổng giám đốc các doanh nghiệp BHPNT”, cơ quan quản lý về bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm đã cùng nhau bàn bạc và thống nhất một chương trình hành động chung. Theo đó, các bên đã đồng ý biện pháp xử lý doanh nghiệp cạnh tranh phi kỹ thuật khi bị phát hiện, đồng thời các tập thể, cá nhân có thể tố giác và gửi bằng chứng về hiệp hội để báo cáo Bộ Tài chính làm căn cứ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Sài Gòn Đầu tư Tài chính