Thị trường bất động sản đang diễn biến giống giai đoạn 2011 - 2012?
Thị trường bất động sản hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, song các chuyên gia cho rằng không toàn giống giai đoạn 2012 và chỉ cần thêm một thời gian ngắn sẽ phục hồi.
- 09-07-2023Môi giới “sống khoẻ” thời khó nhờ bán căn hộ chuyển nhượng
- 09-07-2023Nghịch cảnh đầu tư chục tỷ làm homestay: Người thu trăm triệu đồng mỗi tháng, người thấm khổ bán tháo
- 09-07-2023Một tỉnh thuộc Duyên hải Bắc bộ có giá đất nền lên tới 80 triệu đồng/m2, tiếp tục tăng trong lúc thị trường trầm lắng
Thị trường bất động sản trong những năm gần đây liên tục lên cơn sốt, thậm chí có những khu vực chỉ trong thời gian ngắn giá đã tăng lên 2 - 3 lần, điều này dẫn tới những bất ổn của thị trường hiện tại. Nhiều người có nhu cầu sở hữu nhà nhưng không có khả năng mua; nhà đầu tư đứng trước nguy cơ chôn vốn một thời gian dài.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, có 3 yếu tố dẫn tới sự trầm lắng của thị trường ở giai đoạn hiện nay. Cụ thể, thứ nhất là sự bùng nổ về sốt đầu tư, đầu cơ chiếm tới 70%, mà không phải do nhu cầu thực. Từ đó, dẫn tới việc giá liên tục tăng mạnh, thậm chí vượt qua giá trị thực của sản phẩm bất động sản gây nhiễu loạn và lũng đoạn tại thị trường nhiều khu vực.
Thứ hai, sự mất cân đối về cơ cấu sản phẩm bất động sản. Có thể thấy, trong bối cảnh nền kinh tế phát triển, nhu cầu tăng lên nhưng lại thiếu nguồn cung dẫn tới việc giá đẩy lên cao. Trong khi đó, thiếu bất động sản phục vụ nhu cầu thực vừa túi tiền, mà phần lớn trên thị trường là các dự án nhà ở cao cấp và các sản phẩm đầu tư. Ví dụ như bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng; biệt thự; shophouse.
Thứ ba, các chính sách hiện nay chưa tháo được hết những khó khăn của những dự án phù hợp với nhu cầu thiết thực của người dân.
Ông Đính cho rằng, thị trường hiện nay đang rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp địa ốc đang vật lộn với nhiều thách thức và tìm cách để tồn tại. Tuy nhiên, không có nghĩa là thị trường bất động sản đang khủng hoảng như giai đoạn 2012.
“Năm 2012, nguồn hàng bị dư thừa trầm trọng nên được gọi là khủng hoảng thừa, còn hiện nay thị trường không hề thừa nguồn hàng, thậm chí là khan hiếm. Vì vậy, giai đoạn này chỉ được xem là giai đoạn suy giảm của thị trường bất động sản, chỉ cần một thời gian ngắn sau là có thể vực dậy”, ông Đính nhận định.
Đánh giá về thị trường bất động sản hiện nay, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội cho biết, giai đoạn hiện nay cũng có điểm tương đồng nhưng có nhiều sự khác biệt hơn so với chu kỳ suy giảm trước đây. Thị trường tại hai thời điểm đều bị ảnh hưởng bởi thắt chặt tín dụng cho bất động sản, lãi suất cao, thanh khoản sụt giảm mạnh.
Tuy nhiên, theo bà Hằng, quy mô thị trường ở giai đoạn trước đây nhỏ hơn, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn thì nay thị trường bất động sản phát triển mạnh rất nhiều địa phương. Giá bán tại thời điểm ghi nhận tới quý I năm nay đều ở mức cao hơn so với thời điểm trước Covid-19, việc điều chỉnh giá giảm không rõ nét.
Trong khi đó, cuối 2012, giá nhà ở thấp tầng trong dự án đã giảm mạnh đến 30% so với cùng kỳ năm 2011 - thời điểm thị trường Hà Nội bước vào giai đoạn suy thoái.
Hiện nay thị trường đang phải đối mặt với các thách thức lớn hơn trước đó về tiếp cận nguồn vốn phát triển, đầu tư cũng như việc giải quyết các vấn đề pháp lý dự án kéo dài khiến nguồn cung hạn chế, thiếu các sản phẩm phù hợp, giá thành phát triển gia tăng do các chi phí đầu vào dự kiến tăng. Đi kèm với việc này là sự chờ đợi thông qua các dự án Luật lớn trong năm như Luật Đất đai sửa đổi, Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi, Luật Đấu thầu sửa đổi.
Bà Hằng cho rằng, thời điểm và khả năng hồi phục của thị trường phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố bao gồm tháo gỡ về pháp lý, nguồn vốn, sản phẩm phù hợp… Theo đánh giá của Savills, thị trường sẽ có những chuyển biến tích cực hơn vào cuối năm khi các Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi, dự kiến được thông qua cùng với nỗ lực của Nhà nước, Chính phủ trong việc tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của thị trường. Người dân có thể tiếp cập vốn vay với mức lãi suất hợp lý hơn nửa đầu năm 2023.
Đánh giá về triển vọng thị trường bất động sản nhà ở, đội ngũ chuyên gia của CTCP Chứng khoán VnDirect (mã chứng khoán: VND) cho rằng, thị trường sẽ vẫn trầm lắng trong năm tới, sự hồi phục sẽ rõ ràng hơn từ nửa cuối 2024 khi chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng hơn.
VnDirect cũng nhấn mạnh rằng, có một sự khác biệt lớn giữa thời điểm hiện tại và giai đoạn 2011 - 2012. Giai đoạn trước đó thị trường trong trạng thái dư cung và lạm phát ở mức rất cao, trong khi hiện tại nguồn cung dự án rất hạn chế và nguồn cầu vẫn trực chờ ở mức cao. Vì vậy, VnDirect cho rằng thị trường hiện tại sẽ hồi phục nhanh hơn.
Nhịp sống thị trường