Phó Thủ tướng 'đốc' tiến độ xây dựng các nghị quyết trình Quốc hội về đất đai
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc sớm thi hành Luật Đất đai năm 2024 cũng như thí điểm các cơ chế, chính sách mới, đột phá nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn nóng bỏng của địa phương, doanh nghiệp.
- 08-05-2024Nghe góp ý để chính sách đất đai gần dân hơn
- 05-05-2024Luật Đất đai có hiệu lực sớm sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế
- 04-05-2024Chuẩn bị đủ điều kiện để Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/7
Sáng 9/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành, địa phương nghe báo cáo, cho ý kiến về công tác chuẩn bị dự thảo nghị quyết trình Quốc hội cho phép thi hành Luật Đất đai năm 2024 vào 1/7/2024 (sớm hơn so với quy định trong Luật là 1/1/2025), và một số cơ chế, chính sách quan trọng khác về đất đai.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương báo cáo, đến nay, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội cho phép thi hành Luật Đất đai năm 2024 vào ngày 1/7/2024 và dự thảo Nghị quyết về phân cấp cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh đang được khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ theo đúng trình tự, thủ tục và tiến độ đặt ra.
Đối với, dự thảo nghị quyết thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, đối tượng thực hiện là danh mục dự án đầu tư công nhóm B, C đang vướng mắc do các bộ, ngành, địa phương lựa chọn, đề xuất và cam kết đủ nguồn lực thực hiện.
Lãnh đạo các địa phương cho rằng, nếu tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập tại một số dự án giao thông sẽ giúp địa phương rút ngắn thời gian chuẩn bị, triển khai dự án, giảm tình trạng đầu cơ đất…
Về dự thảo nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, chính sách này nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các dự án sử dụng đất sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ… đã được Nhà nước điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thành đất ở.
Bộ TN&MT đề xuất ưu tiên thực hiện thí điểm đối với khu vực đô thị, khu vực quy hoạch phát triển đô thị đã được phê duyệt.
Đại diện các địa phương đề nghị rà soát, quy định chặt chẽ tỉ lệ dự án, diện tích nhà ở thương mại được thực hiện thí điểm trên tổng diện tích nhu cầu phát triển dự án nhà ở được phê duyệt của chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đến năm 2030; có tiêu chí, danh mục dự án cụ thể.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng các nghị quyết của Quốc hội để thí điểm cơ chế, chính sách mới, đột phá về đất đai nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn nóng bỏng của địa phương, doanh nghiệp, theo tinh thần phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm soát, giám sát, bảo đảm điều kiện thực thi.
Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của công tác giải phóng mặt bằng trong triển khai dự án đầu tư, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương đề xuất danh mục cụ thể dự án nhóm B, C theo tiêu chí, hoặc những dự án cần tách công tác giải phóng mặt bằng để đưa vào nghị quyết thí điểm; và chịu trách nhiệm bảo đảm nguồn vốn tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra.
Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ, trình tự thủ tục trình Quốc hội ban hành nghị quyết về phân cấp cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh.
Cho ý kiến về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở, Phó Thủ tướng nêu rõ, phạm vi thực hiện là đất thuộc những cơ sở thương mại, dịch vụ, sản xuất trong đô thị thuộc diện phải di dời do ô nhiễm, ùn tắc giao thông... phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đai, xây dựng. Những doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở thương mại phải có đủ năng lực theo quy định của pháp luật.
Chinhphu.vn