Thị trường bất động sản vẫn trong bức tranh đầy ảm đạm khi giao dịch bế tắc
Kỳ vọng về kịch bản sáng của thị trường địa ốc đến sớm chưa xuất hiện khi nhiều tín hiệu khó khăn xuất hiện như giao dịch suy giảm, nhu cầu mua giảm sút, tâm lý đầu tư yếu…
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, những kỳ vọng về sự hồi phục của thị trường bất động sản dường như chưa đạt được. Dù ngay từ cuối năm 2022, bước sang đầu năm 2023, Chính phủ liên tục có động thái gỡ khó cho thị trường địa ốc bằng việc ban hành hàng loạt nghị quyết, nghị định, thông tư, cùng với đó là rất nhiều cuộc họp đầu ngành được tổ chức để tìm hướng giải quyết những khó khăn trên thị trường bất động sản.
Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhận định: “Thị trường bất động sản chưa sôi động lại, nhiều dự án chưa triển khai được, kể cả những dự án bất động sản thương mại và bất động sản nhà ở xã hội chưa được triển khai nhiều mặc dù NHNN tạo điều kiện về tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, sẵn sàng đẩy mạnh những lĩnh vực tỉ lệ rủi ro thấp”.
Theo Báo cáo nhà ở và thị trường bất động sản quý I/2023 của Bộ Xây dựng, số lượng doanh nghiệp giải thể trên thị trường là 341 doanh nghiệp (tăng 30,2%), số doanh nghiệp ngừng kinh doanh có thời hạn là 1.816 doanh nghiệp (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước.
Với các sàn giao dịch, do không có nguồn tiền từ môi giới bán sản phẩm, chỉ 43% doanh nghiệp có thể trụ được đến hết năm 2023, khoảng 23% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được tới hết quý III/2023. Số doanh nghiệp còn lại sẽ buộc phải rời khỏi thị trường sớm hơn dự kiến.
Trong buổi chia sẻ tổng quan về tình hình thị trường chung, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc PropertyGuru Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản trải qua 6 tháng đầu năm với khó khăn, thách thức chưa thể khắc phục.
Ông Quốc Anh chỉ ra hàng loạt các vấn đề của thị trường địa ốc đang gặp phải, đó là giao dịch suy giảm, nhu cầu mua tiếp tục rơi vào thấp điểm, tâm lý đầu tư yếu, thanh khoản chung chưa có dấu hiệu phục hồi.
Dữ liệu của đơn vị này cũng ghi nhận, chỉ số về giao dịch giảm. Cụ thể, lượng tìm mua toàn quốc trong nửa đầu năm 2023 giảm 33% so với cùng kỳ năm trước, lượng tin đăng bán bất động sản cũng giảm đến 44%. Đặc biệt, lượng quan tâm tìm mua đất nền giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2022.
Lý giải từ báo cáo này đưa ra, xuất phát từ niềm tin của người mua, nhà đầu tư bị ảnh hưởng và những khó khăn về hạn mức tín dụng, lãi suất vay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Cả nguồn cung và lực cầu bất động sản vẫn đang đối diện nhiều thách thức.
Thị trường cũng đang xuất hiện tâm lý người mua giữ tiền chờ bất động sản giảm thêm. Một số khác cảm thấy hoang mang, nghi ngại thị trường BĐS sẽ vẫn còn tiêu cực nên chưa dám bỏ tiền vào.
Cũng theo ông Quốc Anh, dù Chính phủ đã có những động thái quyết liệt gỡ khó, từ tháo gỡ pháp lý cho hàng loạt dự án, hạ lãi suất điều hành, liên tục giảm lãi suất huy động…, các chính sách này vẫn chưa thẩm thấu vào thị trường bất động sản. Mức lãi suất cho vay ở mức cao, kênh huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa hồi phục.
Thị trường bất động sản vẫn trong bức tranh đầy ảm đạm khi giao dịch vẫn bế tắc. Dòng tiền và niềm tin của giới đầu tư chuyên hoàn toàn quay lại thị trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản chật vật với nhiều khó khăn về dòng tiền.
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho rằng, dự báo thị trường địa ốc phục hồi vào thời điểm năm 2024 là quá lạc quan. Theo ông Hiển, cần ít nhất 3 năm để thị trường hồi sức trở lại do thời gian vừa qua, giá bất động sản tăng quá mạnh.
Nhịp sống thị trường