MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường BĐS "đứng hình", môi giới mỏi mòn đợi tiền hoa hồng

21-08-2021 - 09:16 AM | Bất động sản

Thị trường BĐS "đứng hình", môi giới mỏi mòn đợi tiền hoa hồng

Đây là giai đoạn khó khăn nhất của thị trường. Hiện tượng môi giới bị sàn, bị chủ đầu tư "bùng" hoa hồng diễn ra phổ biến hơn, nhiều hơn so với các năm trước.

Thực trạng này được khá nhiều môi giới bất động sản chia sẻ thời điểm này. Bởi theo họ, thị trường BĐS hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề, gần như "đứng hình" do giãn cách xã hội kéo dài ở những thị trường trọng điểm, người dân không thể di chuyển nên hoạt động mua bán, giao dịch BĐS vì thế cũng gần như đóng băng.

Thị trường bất động sản đang trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn. Thời điểm đầu năm 2020 khi dịch bệnh mới bùng phát, số liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy khoảng 1/3 số sàn giao dịch trong tổng số hơn 1.000 sàn giao dịch trên cả nước buộc phải đóng cửa. Còn theo số liệu của Bộ Xây dựng công bố đầu năm 2021 thì do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2020, ngành bất động sản có 978 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 15,5% so với năm 2019.

Hồi đầu năm 2021, thị trường có đợt sốt đất kéo dài khoảng 3 tháng, đây cũng là giai đoạn giao dịch nhà đất bùng nổ khiến nhiều người lao vào môi giới mua bán nhà đất kiếm lời, thậm chí nhiều người bỏ cả sản xuất để làm môi giới. Kể từ tháng 5 đến nay, thị trường BĐS trùng xuống và đi vào trầm lắng do tác động của dịch bệnh khiến rất nhiều môi giới phải bỏ nghề, mỏi mòn chờ tiền hoa hồng, thậm chí họ còn bị "bùng" tiền phí hoa hồng.

Chị Hoa, một môi giới (sale) bán căn hộ tại thị trường Hà Nội, cho rằng hiện đang giãn cách nên chị cũng không có nhiều việc để làm ngoại trừ hàng ngày nhắn tin đòi tiền hoa hồng. Chị Hoa kể, hồi cuối năm ngoái chị có ký hợp đồng cộng tác bán nhà với một sàn BĐS nhỏ, chuyên bán căn hộ trên thị trường thứ cấp. Chị đã bán được 3 căn hộ và theo thỏa thuận sẽ nhận được tiền hoa hồng theo thỏa thuận hợp đồng. Thế nhưng, chị mới nhận được một nửa tiền hoa hồng, một nửa còn lại chưa đòi được. Từ tháng 4 đến nay chị thường xuyên nhắn tin đòi nhưng chủ sàn viện lý do sàn kinh doanh khó khăn, không có doanh thu nên đều khất lần việc trả phí.

Một môi giới khác là anh Nam, môi giới thành công một căn biệt thự đắt tiền vào hồi tháng 3 đầu năm nhưng nay cũng chưa thể đòi được tiền hoa hồng. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến cả chủ đầu tư và sàn giao dịch kinh doanh khó khăn, chủ dự án thì trả hoa hồng rất chậm và khi về tới sàn thì cũng không trả hết hoa hồng cho nhóm của anh, sàn còn dùng tiền hoa hồng của môi giới để bù đắp chi phí công ty và nợ nần khác.

Theo chia sẻ của nhiều môi giới, do khó khăn nên họ rất khó đòi tiền hoa hồng từ các sàn giao dịch, nhất là những sàn nhỏ, hoạt động tự phát, thiếu chuyên nghiệp nên họ đành chuyển nghề hoặc chuyển việc sang làm cho sàn khác.

Thậm chí, nhiều sàn nhà đất mọc lên như nấm trong cơn sốt đất hồi đầu năm, kéo theo nhiều môi giới lao vào làm việc cộng tác cho các sàn nhà đất này. Khi bán thành công đất nền nhưng dịch bùng phát, nhiều sàn phá sản, đóng cửa khiến nhiều môi giới còn không thể đòi được phí hoa hồng, vì không thể liên lạc được với chủ sàn.

Theo nhiều môi giới BĐS, đây là giai đoạn khó khăn nhất của thị trường mà. Hiện tượng môi giới bị sàn, bị chủ đầu tư "bùng" hoa hồng diễn ra phổ biến hơn, nhiều hơn so với các năm trước. Chia sẻ trên báo chí mới đây, anh Nguyễn Hải Thắng, giám đốc kinh doanh một sàn có quy mô tại Hà Nội cho biết, nợ và bùng tiền hoa hồng của môi giới thường diễn ra ở những chủ đầu tư, những sàn nhỏ tiềm lực tài chính yếu kém. Cách làm ăn không chuyên nghiệp, chộp giật của những đơn vị này sẽ không thể trụ được trên thị trường. Sàn giao dịch sẽ né bán hàng cho những chủ đầu tư nợ hoặc không trả phí và môi giới sẽ không làm việc cho những sàn nợ hoặc không trả hoa hồng. "Môi giới nên chọn làm việc với những sàn đã có uy tín trên thị trường để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra", anh Thắng đưa ra lời khuyên.

Bình An

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên