Thị trường BĐS nghỉ dưỡng Hòa Bình hiện nay ra sao?
Sau giai đoạn đoạn trầm lắng, thời gian gần đây bất động sản nghỉ dưỡng Hòa Bình có phần sôi động trở lại với sự góp mặt của hàng loạt ông lớn trong ngành.
Cách thủ đô Hà Nội 70 km, Hoà Bình được coi là điểm dừng chân lý tưởng để du lịch, nghỉ dưỡng với nét văn hóa độc đáo, cảnh sắc thiên nhiên tươi xanh mang vẻ đẹp nguyên sơ hiếm hoi. Đến Hòa Bình, du khách đã có cơ hội tham quan và chiêm ngưỡng những di tích lịch sử như đền thờ Bà Chúa Thác Bờ nổi tiếng, thưởng ngoạn cảnh đẹp tự nhiên của núi rừng và được trải nghiệm nếp sống giàu bản sắc riêng biệt của người dân tộc Mường, Tày, Thái, Dao,...tại Hoà Bình.
Cuối năm 2018, tuyến đường nối Đại lộ Thăng Long với thành phố Hoà Bình chính thức thông xe đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến trung tâm Hoà Bình xuống còn 1 tiếng. Bên cạnh đó còn có cầu Văn Lang với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đã hoàn thành, kết nối Hoà Bình với Phú Thọ. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch đầu tư 22.000 tỷ đồng để xây dựng đường cao tốc Hoà Bình – Mộc Châu, từ đó mở toang cánh cửa đưa Hoà Bình trở thành một trung tâm du lịch của vùng Tây Bắc và cận kề Hà Nội.
Với cảnh quan tự nhiên hiếm có cùng giao thông thuận tiện, thời gian vừa qua khách du lịch đến Hòa Bình liên tục tăng trưởng mạnh. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, 9 tháng đầu năm 2019, khách du lịch đến tỉnh Hòa Bình đạt hơn 2,5 triệu lượt khách bằng tổng lượng khách đến Hòa Bình trong cả năm 2018. Trong đó, khách quốc tế đạt 290.000 lượt, khách nội địa đạt 2.210.000 lượt. Tổng thu từ khách du lịch là 1.650 tỷ đồng, đạt 82,5% kế hoạch năm. Hòa Bình cũng đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ đón được 6,3 triệu lượt khách trong đó khách quốc tế chiếm 10%, số ngày lưu trú bình quân của khách đạt 1,5 ngày.
Với sự tăng trưởng mạnh về khách du lịch cùng tiềm năng nghỉ dưỡng từ lâu Hòa Bình đã lọt vào "mắt xanh" của các doanh nghiệp BĐS. Tuy nhiên, các dự án thời gian trước phát triển manh mún, nhiều chủ đầu tư kém về tài chính gặp bối cảnh thị trường suy giảm đã phải tạm dừng triển khai dự án. Hiện nay, một thế hệ các nhà đầu tư mới đang đổ về Hoà Bình, với những dự án mang lớn, tầm cỡ cùng sự quyết tâm đưa Hòa Bình trở thành trung tâm nghỉ dưỡng núi của miền Bắc.
Cụ thể, thang 7/2019 Vincom Retail - thương hiệu bán lẻ được phát triển bởi Tập đoàn Vingroup đã chính thức khai trương trung tâm thương mại với diện tích 11.000 m2 trong quần thể có thêm 30 căn nhà phố thương mại ở trung tâm thành phố Hoà Bình.
Geleximco đã tỏ rõ động thái muốn đầu tư lâu dài tại Hòa Bình khi đồng loạt triển khai nhiều dự án. Năm 2018, Tập đoàn này đã trúng thầu hai dự án khu đô thị lớn là dự án khu đô thị sinh thái Trung Minh – Geleximco 60 ha với tổng vốn đầu tư 1.740 tỷ đồng và dự án khu đô thị mới Hoà Bình – Geleximco 3.602 tỷ đồng. Đầu năm 2019 Geleximco cũng vừa khai trương sân golf 27 lỗ tại huyện Kỳ Sơn.
Cùng với đó, Tập đoàn FLC cũng lên kế hoạch đầu tư 4 dự án lớn với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 36.000 tỷ đồng. Trong đó, ở phân khúc nghỉ dưỡng, chủ đầu tư này sẽ phát triển 3 dự án, quy mô hơn 1.441 ha. Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí tại xã Yên Lạc, huyện Yên Thuỷ (690 ha), Khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí núi Viên Nam tại huyện Kỳ Sơn (567ha) và Khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái Thung Nai (184ha). Tại thành phố Hoà Bình, Tập đoàn này dự kiến triển khai dự án khu trung tâm đa chức năng Quỳnh Lâm ở thành phố Hoà Bình với quy mô 79ha.
Tập đoàn T&T vừa làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, đề xuất nghiên cứu đầu tư xây dựng 7 dự án vào các lĩnh vực đô thị, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp là những khu vực có dư địa phát triển. Trong đó, tại thành phố Hoà Bình, tập đoàn đề xuất đầu tư 5 dự án gồm: Khu đô thị mới Tân Hoà, phường Tân Hoà (257 ha), Khu đô thị thể thao Hoà Bình (15 ha), Khu đô thị dịch vụ hỗn hợp Phương Lâm (1,75 ha), Khu nhà ở đô thị Thịnh Lang (1,1 ha); Khu nhà ở đô thị phường Đồng Tiến (1,1 ha).
Ngoài ra, tại Khu vực lòng hồ Hoà Bình cũng là điểm đến đang được nhiều nhà đầu tư nhắm đến. Riêng xã Ngòi Hoa đã có 7 nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát, thực hiện dự án đầu tư với tổng diện tích 1.714 ha. UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho ba dự án trong khi những dự án còn lại đang lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư và nghiên cứu, khảo sát.
Cùng với loạt dự án đang được đề xuất nghiên cứu, hiện tại nhiều doanh nghiệp có sẵn quỹ đất tại đây cũng rục rịch tái khởi động dự án cũ và khởi công loạt dự án mới.
Cụ thể, Dự án khu công nghệ thực phẩm và dịch vụ Sannam Hoà Bình (Kỳ Sơn, Hoà Bình) với quy mô lên tới 405 ha là một trong những dự án đầu tiên được giao cho doanh nghiệp triển khai từ năm 2004. Tuy nhiên, sau hơn chục năm, nhiều lần gia hạn tiến độ, hiện dự án đã được chuyển nhượng cho chủ đầu tư mới là Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, đổi tên thành dự án Khu đô thị Phú Hưng Khang. Phú Mỹ Hưng đặt kế hoạch phát triển Khu đô thị Phú Hưng Khang với hơn 1.000 đơn vị nhà ở cùng 2 trường học và một bệnh viện. Ngoài ra, dự án còn có một khách sạn 75 phòng.
Ngày 15/11 Công ty TNHH MTV BĐS HASKY Hoà Bình (thuộc Tập đoàn An Thịnh) sẽ khởi công dự án Legacy Hill. Với diện tích 60ha, dự án này sở hữu 9 quả đồi, 18 dòng suối và hồ nước tự nhiên ẩn chứa nhiều sa khoáng và thảm thực vật nguyên thủy. Legacy Hill bao gồm nhiều loại hình như: Home-villas, Home-tel, khu điều dưỡng chăm sóc sức khỏe. Được biết, dự án này được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn cho bất động sản khu vực Lương Sơn.
Một loạt dự án khác tại huyện Kỳ Sơn và Lương Sơn cũng vừa được công bố như Khu du lịch làng văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình (Lâm Sơn - Cẩm Tú) rộng 140ha, dự án Melody Villas rộng 36 ha... Tại Lương Sơn.
Có thể nói, sau thời gian BĐS nghỉ dưỡng biển phát triển mạnh mẽ, bất động sản nghỉ dưỡng núi đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Đây cũng là lý do khiến thị trường BĐS Hòa Bình phát triển trở lại trong thời gian gần đây.