MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường biến động, lợi nhuận của nhóm ngành chứng khoán sẽ ra sao?

Nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu ngành tài chính dù thị trường đang biến động khôn lường-Ảnh: Quốc Tuấn

Nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu ngành tài chính dù thị trường đang biến động khôn lường-Ảnh: Quốc Tuấn

Bất ổn của nền kinh tế thế giới cùng các chính sách quản lý thị trường vốn đang khiến thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) biến động. Nhóm chỉ báo thị trường, các CTCK cũng chịu ảnh hưởng.

Trong quý 2/2022, chỉ số các cổ phiếu ngành tài chính giảm 24,6%, trong đó chỉ số các công ty chứng khoán giảm tới 44,4% trong điều kiện giá trị giao dịch thấp. Dữ liệu từ 25 công ty chứng khoán (bao gồm 16 công ty niêm yết, 1 công ty UpCOM và 8 công ty thị trường OTC) thể hiện khoảng 90% doanh thu toàn ngành sụt giảm mạnh.

Doanh thu ngành trong quý 2/2022 đạt 15.878 tỷ đồng đi ngang so với cùng kỳ năm 2021 nhưng giảm 12,3% so với quý trước . Lợi nhuận sau thuế quý 2/2022 cũng không khả quan với mức giảm lần lượt là 57% và 63,4% . Trong đó, 7 trên tổng số 25 công ty ghi nhận lỗ kế toán. Mảng môi giới ghi nhận sự sụt giảm ở mức 2 con số liên tiếp trong 2 quý đầu năm. Trong khi đó, nghiệp vụ cho vay có doanh thu giảm 9% trong quý 2.

Thị trường biến động, lợi nhuận của nhóm ngành chứng khoán sẽ ra sao? - Ảnh 1.

Hiệu suất đầu tư cổ phiếu nhóm ngành chứng khoán: Nguồn: Maybank Investment Bank

Doanh thu từ hoạt động đầu tư tự doanh vẫn là động lực chính trong phát triển doanh thu của ngành chứng khoán. Tuy nhiên tỷ trọng trong doanh thu tổng đã giảm so với trung bình năm 2021 Giá trị giao dịch trong quý 2 lại chuyển biến theo hướng ngược lại khi giảm còn 20.525 tỷ đồng mỗi ngày, thấp hơn mức giao dịch bình quân ngày trong năm 2021 là 26.589 tỷ đồng.

Báo cáo của CTCK Maybank Investment Bank (MSVN) kỳ vọng thanh khoản sẽ sớm hồi phục khi những thông tin về thắt chặt chính sách quản lý lắng xuống trong quí 4/2022, thời điểm Chính phủ hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường vốn (thông qua Nghị định 153 sửa đổi, Thông tư 39,…). Tuy nhiên, MSVN cho rằng nền tảng cơ bản của thị trường vốn nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung vẫn vững chắc. Điều này thấy được thông qua số liệu tăng trưởng GDP Việt Nam quý 2/2022 đạt 7,7% (cao nhất trong vòng 10 năm qua) và dự báo tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp (tăng trưởng EPS 2022 của các doanh nghiệp niêm yết dự báo đạt 20-25%).

Trong bối cảnh những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu vẫn đang tiếp diễn, thanh khoản trên TTCK đã giảm về gần mốc của năm 2018, thời điểm VN-Index giao dịch dưới P/E bình quân 5 năm 2 độ lệch chuẩn, mức thấp nhất trong lịch sử. Vì vậy, MSVN kỳ vọng điểm đảo chiều đang gần kề đối với TTCK.

Hầu hết các công ty chứng khoán Việt Nam đều có chỉ số beta cao, nghĩa là cổ phiếu của các doanh nghiệp này thường giảm mạnh hơn so với toàn thị trường khi chỉ số bước vào xu hướng giảm và ngược lại. Một số trường hợp doanh nghiệp có lợi nhuận ổn định, thậm chí tốt hơn so với dự kiến, giá cổ phiếu một số Công ty Chứng khoán đầu ngành vẫn giảm nhiều hơn thị trường chung khi VN-Index điều chỉnh kể từ đầu năm.

Cho đến thời điểm này, ngành chứng khoán đã giảm 42% so với mức giảm của thị trường chung là 22%, đem lại cho nhà đầu tư cơ hội hấp dẫn ở rất nhiều với các doanh nghiệp ngành tài chính có nền tảng cơ bản tốt. MSVN cho rằng cổ phiếu của các doanh nghiệp này sẽ tăng mạnh hơn so với toàn thị trường khi thanh khoản đổi chiều.

Thị trường biến động, lợi nhuận của nhóm ngành chứng khoán sẽ ra sao? - Ảnh 2.

Thị trường vốn sơ khai, dưới sự nâng đỡ của nền kinh tế với tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng nhanh chóng. Do vậy, thị trường vốn Việt Nam với tỷ lệ thâm nhập thấp đem lại cơ hội cho các doanh nghiệp ngành tài chính. Hiện nhu cầu của các nhà đầu tư cá nhân/tổ chức và các doanh nghiệp về những giải pháp tài chính tiên tiến hơn đang tăng trưởng (như cổ phiếu, sản phẩm liên kết đầu tư, chứng chỉ quỹ,…) và một loạt các phương pháp gọi vốn (như IPOs, phát hành riêng lẻ )...

Xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN, Việt Nam hiện là điểm nóng M&A, là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp tư vấn tài chính chứng khoán... Hầu hết các doanh nghiệp ngành chứng khoán đều đang tập trung tranh giành thị phần môi giới cá nhân và xây dựng mạng lưới khách hàng. Với số lượng tài khoản mới của khách hàng cá nhân vẫn tăng và triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi bởi MSCI đang đến gần hơn. Cơ hội là to lớn, tuy nhiên sự cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt do các doanh nghiệp đầu ngành liên tục tăng cường lợi thế cạnh tranh bằng cách mở rộng quy mô. MSVN cho rằng những Công ty Chứng khoán có mạng lưới khách hàng rộng lớn sẽ đem lại doanh thu và lợi nhuận của toàn ngành trong thời gian tới. Và lợi nhuận nhóm này sẽ tiếp tục dẫn đâù doanh thu và lợi nhuận các nhóm niêm yết...

Theo Dương Thùy

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên