Thị trường chứng khoán biến động, có nên lo lắng về các loại hình bảo hiểm kết hợp đầu tư?
Hiện sản phẩm truyền thống là bảo hiểm từ kỳ chiếm tỷ trọng 32,8%; các loại hình bảo hiểm kết hợp đầu tư chiếm gần 60%. Các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư kể trên đều liên quan đến thị trường chứng khoán.
- 29-04-2022Chuyên gia gợi ý 4 mã cổ phiếu ngân hàng tiềm năng có thể tăng trưởng mạnh trong thời gian tới
- 12-04-2022Chuyên gia mách nước để không bực mình vì bị ngân hàng chào mua bảo hiểm
- 30-03-2022Chuyên gia: Lạm phát sắp tới không đủ để tạo sóng bất động sản và chứng khoán
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đến hết tháng 2/2022, tổng số hợp đồng khai thác mới của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 402.224 hợp đồng. Trong đó, sản phẩm truyền thống là bảo hiểm từ kỳ chiếm tỷ trọng 32,8%; các loại hình bảo hiểm kết hợp đầu tư chiếm gần 60%.
Các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư kể trên đều liên quan đến thị trường chứng khoán. Giữa những ngày thị trường có biến động mạnh, kỳ vọng về lạm phát sẽ tăng, nhiều nhà đầu tư cũng đã bày tỏ sự lo lắng và cân nhắc khi tham gia vào loại hình bảo hiểm này.
Theo chuyên gia Phan Lê Thanh Toàn, người đã có hơn 20 năm công tác trong lĩnh vực bảo hiểm và từng nắm giữ các vị trí quan trọng tại các công ty đầu ngành như AIA và Prudential, những diễn biến hiện tại trên thị trường chứng khoán là không có quá nhiều lo ngại đối với những người đang tham gia các sản phẩm bảo hiểm kết hợp đầu tư.
Theo chuyên gia, khi nhắc đến bảo hiểm nhân thọ, trước tiên cần phân biệt rõ 4 loại: Thứ nhất là bảo hiểm tử kỳ, thứ hai là các sản phẩm liên kết chung, thứ ba là các sản phẩm liên kết đơn vị và cuối cùng là sản phẩm bảo hiểm sức khỏe.
Các sản phẩm liên kết đơn vị là các sản phẩm kết hợp giữa bảo hiểm và đầu tư. Trong đó, các công ty bảo hiểm sẽ tạo lập các quỹ hoặc liên kết với các quỹ bên ngoài, sau đó sử dụng số phí thu được từ khách hàng để đi đầu tư.
Chuyên gia Phan Lê Thanh Toàn
Ảnh hưởng của thị trường chứng khoán đối với người tham gia bảo hiểm liên kết thế nào?
Theo chuyên gia, thông thường các quỹ bảo hiểm sẽ tập trung vào các loại tài sản như trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ và tiền gửi là chủ yếu. Vì vậy khi thị trường cổ phiếu biến động mạnh, các dòng sản phẩm này thực sự không bị ảnh hưởng, thậm chí là có lãi.
Đối với loại hình liên kết chung, lúc nào loại sản phẩm này cũng có lãi. Điều này đúng ở rất nhiều thị trường và ta có thể nhìn thấy rất rõ ở Singapore hoặc Mỹ và một số quốc gia khác. Tuy nhiên, lãi suất mang lại từ loại hình này sẽ không quá cao và tăng trưởng không quá nhanh.
Theo khảo sát của chuyên gia, mỗi năm các quỹ đầu tư dưới dạng liên kết chung có lãi từ 5-6%. Chỉ riêng năm 2021, suất sinh lời của các quỹ này có giảm nhẹ về mức 4,7%. Tuy nhiên, nếu nhìn từ giai đoạn 2020, khi dịch bệnh xảy ra, các quỹ này vẫn duy trì được đà tăng trưởng.
Với các loại hình bảo hiểm kết hợp đầu tư có liên quan đến cổ phiếu, thông thường các quỹ chỉ chọn ra khoảng 10-15 công ty trong VN30 để đầu tư, hoặc cố gắng mô phỏng chỉ số VN30.
Trong những phiên giảm điểm của thị trường, các sản phẩm này chắc chắn bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng tác động là không quá lớn. Nó chỉ ảnh hưởng đến giá đơn vị quỹ của quỹ đầu tư của quỹ, còn quyền lợi bảo hiểm của khách hàng luôn được bảo đảm.
Chuyên gia cũng dẫn chứng, trong khủng hoảng tài chính 2008, đơn cử như ở Mỹ, chỉ số DowJones từ 13.000 điểm đã lao dốc về mốc 6000-7000 điểm, sự hoảng loạn cũng đã bao trùm cả thị trường. Hay như trường hợp Covid trong 2 năm trở lại đây, thị trường cũng nhuốm sắc đỏ, vẫn là những lệnh bán tháo trên thị trường. Tuy nhiên, sau 13 năm, chỉ số DowJones có lúc lên 36.000 điểm và hiện nay đang ở mức 32.000 điểm cao hơn rất nhiều so với cả 2 biến cố đó.
Điều này có nghĩa là trong dài hạn, thị trường vẫn tăng trưởng. Việc bán tháo trên thị trường trong ngắn hạn thật chất chỉ là vấn đề tâm lý.
Theo ông Toàn, các quỹ đầu tư của các công ty bảo hiểm sở hữu các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư. Khi có những biến động trên thị trường, các nhà quản lý quỹ sẽ linh hoạt cơ cấu sang các loại tài sản khác.
Chẳng hạn như trong "thị trường gấu" hiện tại, các nhà quản lý có thể chuyển khoảng 20% qua trái phiếu, 80% còn lại ở cổ phiếu, vì thế mà tài sản của các khách hàng không bị ảnh hưởng quá lớn.
Bên cạnh đó, một số sản phẩm liên kết đầu tư sẽ không khấu trừ toàn bộ phí bảo hiểm của khách hàng cùng một lúc. Thay vào đó, nó sẽ trích mỗi tháng bằng 1/12 phí bảo hiểm rủi ro vào chi phí rủi ro, phần còn lại vẫn đang được đầu tư.
Nguyên tắc là chưa bán đơn vị quỹ thì vẫn chưa phải trích phí bảo hiểm để đóng. Đợi vài tháng thị trường phục hồi sau những pha giảm, khách hàng có quyền đổi sang quỹ trái phiếu để bảo toàn lợi nhuận.
Mặc dù những biến động kể trên là không quá đáng lo nhưng vẫn có một nhóm đối tượng sẽ phải có một chút quan ngại về những biến động của thị trường chứng khoán. Cụ thể đó là các khách hàng đã tham gia các hợp đồng bảo hiểm kết hợp đầu tư được 15-20 năm và nay đến hạn rút. Tỷ suất sinh lời của nhóm này sẽ có thể bị tác động giảm nhẹ.
Đối với trường hợp các khách hàng tham gia theo hình thức bảo hiểm kết hợp đầu tư được 15-20 năm rồi và muốn rút, chuyên gia khuyến nghị chỉ nên rút một ít phục vụ nhu cầu cá nhân, còn lại hãy chờ đợi đến khi thị trường hồi phục hoặc có thể cân nhắc chuyển sang các quỹ trái phiếu nếu tìm kiếm một hình thức đầu tư an toàn hơn.
"Tất nhiên, khi thị trường giảm, các cơ hội mới sẽ lại xuất hiện. Đây cũng là lúc khách hàng cần bình tĩnh chờ đợi. Khi thị trường xác nhận quay lại xu hướng tăng, nhà đầu tư có thể cân nhắc quyết định đầu tư thêm hay chuyển đổi quỹ từ trái phiếu sang cổ phiếu để bù đắp cho những thiệt thòi khi thị trường giảm"- Ông Toàn chia sẻ
Ảnh hưởng của những chấn chỉnh trên thị trường tài chính đối với lĩnh vực bảo hiểm
Về các vấn đề chấn chỉnh trên thị trường trái phiếu và tín dụng vừa qua, theo chuyên gia, đây là điều hiển nhiên. Vì thực sự có những doanh nghiệp có hành vi sai trái làm ảnh hưởng đến lợi ích của xã hội, buộc phải chấn chỉnh để đem lại sự minh bạch cho thị trường. Các công ty bảo hiểm cũng vì thế mà sẽ có những hành động phù hợp để cơ cấu lại các loại tài sản, sao cho phù hợp với các quy định mới.
Liệu lạm phát gia tăng có ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm?
Theo chuyên gia, mặc dù thị trường có câu nói "lạm phát là liều thuốc độc của thị trường tài chính". Tuy nhiên, nó chỉ ảnh hưởng đến suất sinh lời của các quỹ đầu tư cổ phiếu, còn trái phiếu gần như không ảnh hưởng.
Như giai đoạn 2010, lạm phát tăng cao, các quỹ bảo hiểm liên kết chung vẫn có kết quả kinh doanh khả quan, thậm chí có quỹ còn có kết quả kinh doanh báo lãi lên đến 10-11%/năm, cao hơn rất nhiều so với mức bình quân 5-6%/năm
Ông Toàn cũng đưa ra lời khuyên, rổ tài sản trong tài chính cá nhân có đến hơn 20 loại tài sản, nếu chỉ cần biết sử dụng và đa dạng hóa từ 5-6 loại tài sản thì mỗi cá nhân không có gì phải bất an những khi thị trường biến động.
Những nhà đầu tư cổ phiếu hiện tại không nên quá hoảng loạn. Nếu chọn đúng cổ phiếu, doanh nghiệp làm ăn chân chính thì trong dài hạn, cổ phiếu sẽ vẫn tăng và vẫn sẽ vượt đỉnh mới. Khi đó, khách hàng lại tận hưởng tiếp những thành quả đầu tư với hợp đồng dài hạn của mình.